Không để lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ "cài cắm" trong quá trình làm luật
VOV.VN - "Chúng ta phải gạt bằng được tiêu cực trong cơ quan ban hành pháp luật, kể cả quy trình làm luật. Quốc hội ngoài chuyên trách, nhưng phải chuyên nghiệp hơn".
Tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, luật khung, luật ống, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, đặc biệt là tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật đã và đang tồn tại. Hay gần đây, một hiện tượng nữa cũng được chỉ ra là việc xếp gạch, đặt chỗ, đề xuất xây dựng luật, pháp lệnh một cách duy ý chí không trên cơ sở nhu cầu thật sự đã và đang gây ra nhiều tác động đến sự phát triển của đất nước.
Cần làm gì để chống tiêu cực, lợi ích nhóm để xây dựng pháp luật một cách hiệu quả. Liên quan đến vấn đề này, phóng viên VOV trao đổi với luật sư Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.
PV: Tại Kết luận số 19 ngày 14/10/2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật đã nêu rõ, xây dựng, ban hành luật phải đặt yêu cầu cao về chất lượng và không chạy theo số lượng; chú trọng hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, đồng bộ; thống nhất, kịp thời công khai, minh bạch và có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm. Theo luật sư, nhận định này cho thấy điều gì trong lĩnh vực xây dựng pháp luật của chúng ta hiện nay?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Kết luận 19 của Bộ chính trị nhấn mạnh mấy yếu tố cần hết sức lưu ý. Một, hệ thống pháp luật của chúng ta phải đồng bộ, thống nhất và hiện đại. Đây là yêu cầu muôn thủa.
Nhưng một yêu cầu, theo chúng tôi hết sức mới ở đây là hệ thống pháp luật của Việt Nam phải nâng cao được năng lực cạnh tranh. Điều này cho thấy, quyết tâm lớn của Đảng, không những cạnh tranh về kinh tế, cạnh tranh về văn hóa, xã hội, mà cạnh tranh cả về pháp luật. Trong lần này, phải nói rất rõ là lấy quyền, lợi ích của người dân, của doanh nghiệp làm mục tiêu chủ yếu. Bởi, thông thường người dân thường nghĩ, luật pháp là công cụ của Nhà nước để quản lý người dân và quản lý doanh nghiệp.
PV: Có thể thấy, chất lượng xây dựng pháp luật đã có những tiến bộ và có thể đáp ứng được yêu cầu của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Nhà nước ta đang chủ trương xây dựng, thưa luật sư?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Mấy chục năm xây dựng pháp luật chúng ta đều theo hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Chúng ta cũng cố gắng để phấn đấu pháp luật đồng bộ, thống nhất, không được mâu thuẫn, ổn định tương đối và phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội. Trên bản đồ cạnh tranh quốc tế, người ta cũng cảm thấy, Việt Nam đã thay đổi hệ thống pháp luật một cách mạnh mẽ để phù hợp với các cam kết quốc tế. Người dân cũng đánh giá cao sự chuyển biến trong hệ thống pháp luật của chúng ta.
PV: Trong quá trình xây dựng hệ thống pháp luật, bên cạnh những gì chúng ta làm được phải thừa nhận có hiện tượng tiêu cực, đó là "lợi ích nhóm" trong thiết kế cũng như xây dựng, ban hành chính sách pháp luật. Từ thực tế tham gia xây dựng nhiều văn bản pháp luật, ông thấy hiện tượng trên có biểu hiện cụ thể thế nào?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Theo tôi, những biểu hiện tiêu cực trong vấn đề xây dựng pháp luật trong kết luận 19 của Bộ Chính trị cũng có nói đến. Chúng ta có thể tóm gọn trong 1 từ chung là “tham nhũng chính sách”. Cụ thể của “tham nhũng chính sách” là gì?
Thứ nhất là "lợi ích nhóm". "Lợi ích nhóm" này có thể là nhóm hẹp, cũng có thể là nhóm rộng và cũng có thể là sự liên kết ở đâu đó để "cài cắm" vào trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, là lợi ích của ngành mình. Chẳng hạn anh định rằng, điều kiện kinh doanh phải đáp ứng những quy mô lớn. Có nghĩa doanh nghiệp nhỏ không có đủ điều kiện không được tham gia. Và như vậy, không tham gia được, không tạo nên môi trường cạnh tranh. Tôi lấy ví dụ như ban hành quá nhiều giấy phép. Đấy là lợi ích cục bộ của ngành mình.
Thứ ba là mâu thuẫn lợi ích giữa các Bộ trong vấn đề quản lý, cho nên cũng không lấy lợi ích của quốc gia làm trọng.
PV: Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Kết luận số 19 của Bộ Chính trị về Đề án định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV có chỉ ra một hiện tượng đang gây nhiều ảnh hưởng đến chất lượng công tác xây dựng pháp luật, đó là “xếp gạch đặt chỗ, đề xuất xây dựng pháp luật, pháp lệnh một cách duy ý chí”. Ông nghĩ sao về hiện tượng này?
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Đấy cũng là một hiện tượng tương đối phổ biến và kéo dài. Khi các Bộ đưa các dự án lên bao giờ cũng nói là cấp thiết, cần phải ban hành luật để quản lý. Điều này làm cho chương trình pháp luật rất bị động. Thứ hai, các luật được đưa ra một cách vội vã, không có phân tích thì tuổi thọ thông thường là rất ngắn.
Người ta tính toán, trung bình 15 năm gần đây, tuổi thọ trung bình một đạo luật chỉ có 10 năm. Ngắn như vậy thì nhà đầu tư cũng không thể nào yên tâm đầu tư. Người dân cảm thấy luật không ổn định và cũng không tin tưởng vào tính hiệu quả của pháp luật.
PV: Theo luật sư, cần phải có những giải pháp như thế nào để có thể ngăn chặn hiệu quả những bất cập như thế này?.
Luật sư Trần Hữu Huỳnh: Theo tôi, chúng ta phải gạt bằng được tiêu cực trong cơ quan ban hành pháp luật kể cả quy trình làm luật. Quốc hội ngoài chuyên trách, nhưng phải chuyên nghiệp hơn.
Thứ hai, các đại biểu Quốc hội cần phải dũng cảm hơn, cần phải nắm vững thực tế nhiều hơn, vì lợi ích của nhân dân, của đất nước. Quốc hội được ủy quyền lập pháp nhưng ủy quyền lập pháp phải giám sát để cho quyền lập pháp luôn luôn lấy lợi ích của dân tộc, của người dân làm làm trọng.
Về phía Chính phủ, chúng tôi thấy rằng, đã có một số chuyển biến nhất định nhưng phải cố gắng kiểm soát. Đặc biệt, phải có sự kiểm soát của doanh nghiệp, của người dân trong quá trình làm chính sách, quá trình tiếp thu lấy ý kiến phản biện của các nhà khoa học, của những nhà hoạt động thực tiễn theo hướng minh bạch, công khai.
PV: Xin cảm ơn luật sư!./.