Không kéo dài thời gian làm việc đối với người đến tuổi nghỉ hưu

Nếu cần tận dụng sự đóng góp của viên chức có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc hợp đồng vụ, việc với viên chức đã nghỉ hưu.  

Chiều 15/6, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Luật Viên chức. Dự thảo luật gồm 8 chương, 71 điều, tác động trực tiếp đến hơn 1,6 triệu viên chức đang làm việc và hưởng lương từ các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tham gia thảo luận, đa số các đại biểu Quốc hội cho rằng: Dự thảo luật cần quy định chặt hơn về tiêu chuẩn xét tuyển của từng chức danh nghề nghiệp, từng loại công việc để tránh tình trạng viên chức khi đã được tuyển dụng hoặc bổ nhiệm vào vị trí quản lý là yên tâm đã có chỗ làm ổn định, không cần trau dồi về chuyên môn. Bên cạnh việc tăng quyền tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hữu hiệu việc thực hiện nhằm đảm bảo dân chủ, khách quan, đồng thời thể hiện sự công khai, minh bạch của quá trình thực hiện và ra quyết định.

Chỉ có thể ký hợp đồng lao động thời hạn với người nghỉ hưu

Theo đại biểu Nguyễn Tấn Tuân (đoàn Khánh Hoà), việc quy định nam giới làm việc đến hết 60 tuổi và nữ giới đến hết 55 tuổi thì phải nghỉ hưu là hợp lý. Không nên kéo dài thời gian làm việc của những viên chức đã đến tuổi nghỉ.

“Về nguyên tắc, khi đến tuổi nghỉ hưu thì mọi viên chức đều có quyền nghỉ hưu và hưởng chế độ hưu trí theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội. Trường hợp cần tận dụng sự đóng góp của viên chức có kinh nghiệm công tác lâu năm, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao và viên chức có sức khỏe, có nguyện vọng thì sau khi đã giải quyết chế độ hưu trí, đơn vị sự nghiệp có thể thỏa thuận ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn hoặc hợp đồng vụ, việc với đối tượng này. Như vậy, vừa bảo đảm quyền lợi của viên chức, vừa bảo đảm sự linh hoạt, chủ động trong quản lý, sử dụng viên chức và phù hợp với quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về bảo hiểm xã hội” - đại biểu Nguyễn Tấn Tuân nói.

Chia sẻ về quan điểm này, đại biểu Nguyễn Văn Ba (đoàn Khánh Hòa) cho rằng: Cần phải tạo điều kiện việc làm và phát huy trí tuệ của đội ngũ viên chức trẻ tuổi. Vì vậy, không nên kéo dài thời gian làm việc của những viên chức đã đến tuổi nghỉ hưu. Tuy nhiên, chỉ cho phép kéo dài thời gian làm việc đối với viên chức có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm như các tiến sĩ khoa học, giáo sư, phó giáo sư... như đang được thực hiện theo Nghị định số 71/CP ngày 23/11/2000 của Chính phủ.

Tuyển viên chức: Không nên phân biệt với người định cư ở nước ngoài

Tuy nhất trí sự cần thiết ban hành luật nhưng đại biểu Bùi Tuyết Minh (đoàn Kiên Giang) chưa thống nhất về nội dung quy định công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài không được tham gia dự tuyển làm viên chức tại các đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đại biểu Bùi Tuyết Minh: “Hoạt động của lực lượng viên chức chủ yếu mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ nhưng đây là nguồn lực quan trọng góp phần thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, đảm đương nhiệm vụ được Nhà nước giao phó. Vì vậy không nên phân biệt giữa công dân đang sinh sống ở trong nước và công dân định cư ở nước ngoài làm viên chức ở Việt Nam. Nếu không tuyển dụng công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài làm viên chức ở trong nước thì sẽ không phát huy hết năng lực, chất xám của những tri thức Việt Nam định cư ở nước ngoài trở về nước làm việc”.

Đồng ý với quan điểm trên, đại biểu Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) cho rằng: Không nên hạn chế công dân Việt định cư ở nước ngoài làm viên chức ở trong nước mà khi tuyển dụng họ vào làm việc thì cần có những quy định chặt chẽ để ràng buộc họ làm việc và cống hiến lâu dài tại một cơ quan.

Việc tuyển dụng viên chức vào làm việc sẽ phải qua thi tuyển và hàng năm phải có sự kiểm tra, ký kết lại hợp đồng đối với đội ngũ viên chức đã làm việc trong một thời gian. Đại biểu Lê Minh Hiền (đoàn Khánh Hòa), Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) nêu ý kiến như vậy và cho rằng, việc ký lại hợp đồng cũng là một dịp để rà soát, đánh giá lại chất lượng cũng như góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của những người đã được tuyển dụng làm viên chức.

Về sự phân biệt giữa đội ngũ công chức và viên chức, đại biểu Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) băn khoăn: Trong Luật Cán bộ công chức xác định tách đối tượng đơn vị sự nghiệp khỏi cơ quan hành chính. Điều chỉnh hoạt động của đội ngũ viên chức, chỉ áp dụng viên chức làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập. Vì vậy liệu có cần ban hành luật khác để điều chỉnh đối tượng này?

Theo đại biểu Đinh Xuân Thảo, dự thảo Luật cần làm rõ nội dung cần sự khác nhau giữa công chức và đội ngũ viên chức.

Theo chương trình, sáng 16/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên