Không nên chỉ quy định bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân

Theo các đại biểu QH, Luật ra đời mà hoạt động bảo hiểm tiền gửi chỉ bó hẹp thì chưa cải thiện được yếu tố bảo đảm an sinh xã hội...

Sáng 11/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Đa số đại biểu Quốc hội nhất trí cao việc ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi là hết sức cần thiết nhằm góp phần hoàn thiện khung pháp lý của hoạt động bảo vệ tiền gửi, tạo niềm tin cho người gửi tiền và quyết sách minh bạch bảo vệ công khai quyền lợi của người gửi tiền.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Bình (đoàn Hải Phòng) đề nghị đối tượng áp dụng của luật này chỉ bảo hiểm tiền gửi của những người gửi tiền nhỏ lẻ và thiếu thông tin về tổ chức tín dụng hạn mức trả tiền bảo hiểm trong điều kiện của Việt Nam sẽ không lớn. Dự thảo luật hiện không quy định hạn mức cụ thể mà giao Thủ tướng Chính phủ quy định trên cơ sở đề nghị của Ngân hàng Nhà nước ở từng thời kỳ, không có hạn mức chuẩn thường là từ 3-5 lần GDP tính trên đầu người.

Theo đại biểu GDP đầu người của nước ta hiện khoảng 26 triệu đồng, nếu gấp 5 lần cũng chỉ khoảng 150 triệu đồng. Vì vậy, hạn mức bảo hiểm tiền gửi như vậy là quá thấp. Theo đại biểu Nguyễn Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa) quy định về người được bảo hiểm trước đây bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp doanh. Tuy nhiên dự thảo luật lần này thu hẹp đối tượng chỉ quy định tiền gửi bảo hiểm cho cá nhân. Đại biểu đề nghị, Chính phủ có tổng kết đánh giá vì sao lại chỉ bảo hiểm tiền gửi cho cá nhân.

Cần có chính sách thu hút tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ

Đại biểu Bùi Sĩ Lợi cho rằng, Luật ra đời mà hoạt động bảo hiểm tiền gửi chỉ bó hẹp thì chưa cải thiện được yếu tố bảo đảm an sinh xã hội và hạn chế niềm tin của công chúng đối với bảo hiểm tiền gửi.

Bày tỏ nhất trí với dự án luật giao Ngân hàng Nhà nước trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo hiểm tiền gửi, đại biểu Bùi Sĩ Lợi (đoàn Thanh Hoá), đại biểu Nguyễn Văn Bình và nhiều đại biểu khác đồng ý với mô hình tổ chức như quy định hiện hành, theo đó Thủ tướng Chính phủ thành lập bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng nhà nước quản lý hoạt động. Các đại biểu đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi cần có đủ thẩm quyền năng lực tài chính để thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi hiệu quả minh bạch và khách quan.

Cần có chính sách thu hút tiền gửi bằng vàng, ngoại tệ

Trong bối cảnh có nhiều “tín dụng đen” bị vỡ, niềm tin của người dân bị giảm sút vấn đề cấu trúc hệ thống ngân hàng đang được quan tâm đặc biệt. Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị, Luật Bảo hiểm tiền gửi cần có quy định rõ về nội dung, cơ cấu bảo vệ người gửi tiền, chức năng, địa vị pháp lý của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Bảo hiểm tiền gửi phải thuộc Chính phủ không nên trực thuộc ngân hàng với lý do ngân hàng là cơ quan thực thi các chính sách về tiền tệ, cấp giấy phép cũng như trực tiếp quản lý các hệ thống tín dụng và các hoạt động của các hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thứ nhất, chức năng của bảo hiểm tiền gửi là bảo vệ quyền lợi người gửi tiền bảo đảm an toàn, lành mạnh trong hệ thống ngân hàng, nâng cao niềm tin của người dân bảo đảm việc giảm sát hệ thống tài chính quốc gia. Thứ 2, bảo hiểm tiền gửi phải có giám sát nhằm minh bạch công khai trách nhiệm và sự bảo hiểm ngầm, quan trọng hơn là hạn chế khả năng xảy ra đổ vỡ, đảm bảo sự ổn định an toàn cho hệ thống ngân hàng.

“Tiền gửi bằng vàng và ngoại tệ là hợp pháp được Nhà nước khuyến khích để bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân và thu hút tiền gửi bằng ngoại tệ, vàng. Tình trạng vàng, ngoại tệ đang tích lũy trong dân trôi nổi trên thị trường rất lớn, Nhà nước cần có chính sách bảo hiểm với loại tiền gửi bằng vàng và ngoài tệ. Để tránh hiện tượng giao dịch bằng vàng, ngoại tệ, việc tính phí bảo hiểm, chi trả bảo hiểm đối với gửi bằng vàng, ngoại tệ sẽ được quy đổi ra VND phù hợp với chính sách Việt Nam đang hướng tới tránh tình trạng đô la hóa”, đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị.

Cho ý kiến về mô hình tổ chức bảo hiểm tiền gửi được ghi trong dự luật, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, đây là vấn đề liên quan đến rất nhiều nội dung quan trọng của dự thảo. Theo đại biểu trên thế giới hiện có 2 mô hình bảo hiểm tiền gửi đang áp dụng. Đó là bảo hiểm tiền gửi theo mô hình thu phí chi trả và mô hình bảo hiểm giảm thiểu rủi ro với nội dung chủ yếu là giám sát hoạt động, phòng chống rủi ro. Mô hình này đang được sử dụng phổ biến. Ở ta đang thực hiện theo mô hình thứ nhất và đang tiến dần sang mô hình thứ hai. Trong dự thảo luật hiện nay chúng ta chọn mô hình lấy chi trả rủi ro trên chi trả đơn giản thấp hơn quy định hiện hành đang thực hiện chính cách chọn mô hình này sinh ra nhiều ý kiến khác nhau và nội dung chưa rõ thể hiện  trên các bản góp ý đưa ra tại kỳ họp này, trong đó có việc giữ nguyên mô hình hiện nay.

Đại biểu Cao Sỹ Kiêm đề nghị, làm rõ lý giải những vấn đề về kiến nghị của Ủy ban Kinh tế đã nêu để có cơ sở thảo luận quyết định; Nêu rõ phạm vi quyền hạn của cơ quan bảo hiểm tiền gửi so với mô hình hiện nay đang thực hiện so với thông lệ quốc tế; Làm rõ mô hình chi trả mở rộng là như thế nào, mức độ ra sao trong điều kiện ở Việt Nam để đáp ứng yêu cầu quốc tế và đảm bảo mục tiêu của chúng ta.

Đồng ý với quan điểm trên đại biểu La Ngọc Thoáng (đoàn Cao Bằng) đề nghị luật bảo hiểm tiền gửi cần kế thừa, phát huy các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến mục tiêu nhiệm vụ thực hiện tổ chức.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của các đại biểu Quốc hội và dự thảo Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.Với 424 đại biểu tán thành trên tổng số 434 đại biểu tham gia (đạt tỷ lệ 80,84%) Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012.

Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2012 nêu rõ: Ngoài những nội dung giám sát thường xuyên (như xem xét báo cáo của các cơ quan hữu quan, hoạt động chất vấn) theo quy định của pháp luật, Quốc hội đã thống nhất cao về dự kiến số lượng chuyên đề cho mỗi cơ quan, tiêu chí lựa chọn chuyên đề giám sát và tham gia nhiều ý kiến cụ thể về lựa chọn các chuyên đề giám sát. Về các chuyên đề giám sát của Quốc hội năm 2012, ngoài 3 nội dung chuyên đề do Ủy ban thường vụ Quốc hội trình, để phù hợp với khả năng thực hiện và tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội tiến hành giám sát 2 nội dung: Thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tại kỳ họp thứ 3). Thực hiện chính sách, pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân về đất đai trong lĩnh vực hành chính (tại kỳ họp thứ 4)./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên