“Không phải đời sống vật chất dư giả rồi thì không tham nhũng”
VOV.VN - Trong môi trường đầy rẫy cám dỗ, nếu mỗi người không giữ được sự liêm chính, cốt cách của người cán bộ, đảng viên thì rất dễ dẫn đến tha hóa, biến chất.
“Món quà” tiền tỷ và lòng tham của cán bộ
Phiên tòa xét xử sơ thẩm cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Nguyễn Duy Linh với tội danh nhận hối lộ 5 tỷ đồng đã khép lại với bản án 14 năm tù và nộp lại số tiền đã nhận để xung công.
Tại phiên tòa, sau những lần quanh co, chối nhận tiền thì cuối cùng, cựu Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo đã cúi đầu thú nhận vì “một phút mắc sai lầm và không thể là chính mình".
Nguyễn Duy Linh không phải là cựu quan chức đầu tiên đứng trước tòa với cáo buộc nhận hối lộ. Và cũng không riêng ông Linh, nhiều bị cáo cũng từng nói lời hối hận muộn màng trước giờ nghị án, xin lỗi Đảng, Nhà nước, đồng đội, nhân dân vì việc làm sai trái của mình.
Công lý đã được thực thi, song điều khiến dư luận không khỏi đặt câu hỏi là lý do gì khiến các bị cáo từng một thời nắm giữ trọng trách quan trọng, dạn dày kinh nghiệm và thành tích nay phải đứng trước tòa hình sự?
PGS.TS Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sa ngã, biến chất của một con người, một cán bộ. Không phải có nhiều tiền, đời sống vật chất dư dả rồi thì họ không tham nhũng, mà điều này thuộc về quy luật tâm lý, là lòng tham con người. Cán bộ cũng là con người, có một lại muốn có hai, có ít lại muốn có nhiều, nên mới dẫn đến chuyện nhiều người dù đời sống vật chất cao nhưng vẫn cứ “tham”.
“Người có khả năng tham nhũng nhiều nhất chính là cán bộ lãnh đạo, quản lý. Cán bộ lãnh đạo cấp cao được Đảng, Nhà nước, nhân dân trao quyền quản lý tài sản, tiền của rất lớn, nếu cán bộ không gương mẫu, không ý thức được trách nhiệm của mình thì sẽ tham nhũng cực lớn như thực tế vừa qua. Bên cạnh đó, có một số cán bộ hư hỏng, tham nhũng lâu rồi nhưng bây giờ mới bị phát hiện nên Đảng ta rất quyết liệt, đặc biệt là công tác kiểm tra, giám sát tập trung hơn. Nhất là trong nhiệm kỳ vừa qua, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai mang tính đột phá, quyết liệt dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đặc biệt là người đứng đầu Đảng”.
Ông Nguyễn Văn Giang nói và nhấn mạnh, trong thời gian tới sẽ còn phát hiện nhiều cán bộ vi phạm bởi vẫn còn “một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, biến chất”.
Thanh liêm, danh dự là điều quan trọng nhất
Ông Trần Ngọc Vinh – Chủ tịch Hội luật gia TP Hải Phòng cũng cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến cán bộ dễ đánh mất mình đó là do sự buông lỏng rèn luyện, thiếu tu dưỡng bản thân, phai nhạt lý tưởng cách mạng, coi thường kỷ luật, kỷ cương. Khi cám dỗ của vật chất, tiền bạc quá lớn đã làm nhòa đi ý chí, sự liêm chính của người cán bộ, đảng viên, khiến họ sa sút về tư tưởng chính trị, đạo đức, tha hóa về lối sống nên dễ dàng sa ngã.
Suy cho cùng, sự thanh liêm, danh dự của người cán bộ là điều quan trọng nhất. Vì thế mà nhiều quan chức thời xưa khi chứng kiến việc ngang trái, bất mãn đã treo ấn từ quan để giữ gìn khí tiết, đạo đức và sự liêm chính của mình. Còn thời nay, trong môi trường đầy rẫy cám dỗ, nếu mỗi người không giữ được sự liêm chính, không giữ được cốt cách của người cán bộ, đảng viên thì rất dễ dẫn đến tha hóa, biến chất, bị những “gói quà tiền tỷ” mua chuộc mà đánh mất uy tín của bản thân, uy tín của gia đình, dòng họ.
Vì vậy giữ được uy tín, thanh liêm của người cán bộ, đảng viên không phải là điều đơn giản, đòi hỏi mỗi người có ý chí và nghị lực, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện.
“Giữa cái được và cái mất, nhiều người không hiểu được giá trị của nó và chỉ đến khi tòa tuyên án mới vỡ lẽ ra thì đã muộn. Giàu sang phú quý là điều ai cũng mong muốn, nhưng phải bằng thành quả sức lao động và sự cống hiến của mình chứ không phải làm những chuyện khuất tất. Cái tâm của người cán bộ là phải phục vụ lý tưởng của Đảng, phục vụ nhân dân thì giá trị mới bền” – ông Trần Ngọc Vinh nói.
Nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật của Đảng, giữ gìn phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, vừa qua Trung ương đã ban hành Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm. Trong đó quy định đảng viên không được “Tham ô, đưa, nhận, môi giới hối lộ hoặc lợi dụng vị trí công tác để môi giới, hối lộ dưới mọi hình thức”.
Đây là điều không mới vì đã được quy định tại các văn bản của Đảng trước đó, song một lần nữa nhắc nhở mọi đảng viên tự nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tự điều chỉnh hành vi của mình, đồng thời chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên để nhắc nhở, chấn chỉnh vi phạm từ lúc manh nha, không để trở thành những vi phạm lớn./.