Khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân

Sáng 6/4, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa 9 “về tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân”.

Đến dự có đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; đồng chí Ngô Văn Dụ, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng trung ương.

Đồng chí Trương Tấn Sang: Những quan điểm đúng đắn của Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) đã mở ra thời kỳ phát triển mạnh mẽ của KTTN - Ảnh Chinhphu.vn

Sau hơn 7 năm thực hiện Nghị quyết 14 của Ban chấp hành Trung ương khóa IX về việc tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh cá thể đã phát triển nhanh cả về số lượng  và chất lượng, vị trí và vai trò ngày càng tăng góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tỉ trọng thu ngân sách nhà nước từ khu vực kinh tế tư nhân tăng từ 6% trong năm 2002 đến trên 11% trong năm 2008. Trong năm 2008, khu vực kinh tế ngoài nhà nước đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 46% trong đó có phần đóng góp quan trọng của kinh tế tư nhân. Năng lực của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế đã được tăng lên đáng kể. Tổng số vốn đăng ký giai đoạn 2002-2008 là hơn 2.100 tỷ đồng, lớn hơn cả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đăng ký bình quân tăng 61,5%.

Trong tổng số 500 doanh nghiệp lớn nhất nước ta, số lượng doanh nghiệp tư nhân lớn chiếm 30% trong năm 2009. Một số doanh nghiệp tư nhân đã phát triển thành tập đoàn kinh tế, đầu tư ra nước ngoài, với sản phẩm ngày càng phong phú, đa dạng, có uy tín và có thương hiệu.

Để các doanh nghiệp tư nhân hoạt động hiệu quả và có nhiều đóng góp hơn nữa vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch VCCI nêu ý kiến: “Chúng tôi đề nghị Trung ương khóa 11 sắp tới sẽ có một Nghị quyết về phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong thời kỳ hội nhập thay cho những Nghị quyết riêng theo thành phần kinh tế đã có từ trước đến nay”.

Cũng theo ông Vũ Tiến Lộc, chúng ta cần tiếp tục có những chính sách tốt để tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận vốn và khuyến khích hệ thống ngân hàng có chương trình cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay, có chính sách và biện pháp hướng dẫn thúc đẩy hỗ trợ cho việc mua bán và sát nhập doanh nghiệp.

Phát biểu kết luận hội nghị đồng chí Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao những đóng góp của các doanh nghiệp tư nhân vào sự phát triển chung của đất nước. Đồng chí Trương Tấn Sang cũng chỉ ra những hạn chế của các doanh nghiệp tư nhân như: Trong nhận thức và hoạt động thực tiễn ở một số cấp ủy còn thiếu nhất quán, có lúc có nơi chưa nhìn nhận đánh giá đúng mức về vị trí vai trò của kinh tế tư nhân nhất là trong những năm đầu thực hiện Nghị quyết; trình độ của kinh tế tư nhân còn thấp, quản trị nội bộ của nhiều doanh nghiệp còn yếu, không ít doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể trong khu vực kinh tế tư nhân còn vi phạm các quy định pháp luật đặc biệt các Tổ chức cơ sở Đảng của doanh nghiệp tư nhân còn ít và yếu kém, vai trò của Mặt trận Tổ Quốc đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều hạn chế…

Đồng chí Trương Tấn Sang lưu ý: các doanh nghiệp tư nhân cần tiếp tục nâng cao hơn nữa vai trò lãnh đạo chỉ đạo công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức tạo sự thống nhất cao hơn nữa trong toàn Đảng toàn dân về chủ trương nhất quan phát triển kinh tê tư nhân của Đảng và Nhà nước, đề cao ý thức trách nhiệm của cán bộ đảng viên, tổ chức tốt và cụ thể hóa luật doanh nghiệp luật đầu tư khắc phục nội dung chưa rõ chồng chéo giữa các văn bản pháp luật điều chỉnh cơ chế phân cấp sự phối hợp giữa trung ương và địa phương trong quản lý Nhà nước về đầu tư. Sửa đổi chi tiết luật quản lý thuế theo hướng đơn giản hơn phù hợp với quy mô của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bảo đảm quyền lợi của người lao động và sử dụng lao động. Có cơ chế để doanh nghiệp tư nhân vay vốn viện trợ phát triển vào những linh vực mà Nhà nước khuyến khích phát triển.

Đồng chí Trương Tấn Sang khẳng định, trong các văn kiện Đại hội 9 đại hội 10 của Đảng luôn xác định thực hiện nhất quán chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần, các thành phần kinh tế cùng phát triển trong khuôn khổ của pháp luật và cạnh tranh lành mạnh; kinh tế tư nhân là một trong những động lực của nền kinh tế; Đảng và Nhà nước tiếp tục khuyến khích phát triển tạo điều kiện phát triển mạnh nền kinh tế tư nhân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên