Khuyến khích thanh niên đủ năng lực tham gia ứng cử ĐBQH
VOV.VN -Theo ông Nguyễn Thiện Nhân cần có những tổ chức hỗ trợ, khuyến khích thanh niên đủ năng lực, tự tin tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội.
Cuộc đối thoại “Công dân tuổi 18 với bầu cử Quốc hội” diễn ra tại Hà Nội vừa qua đã để lại nhiều dấu ấn đặc biệt đối với các bạn trẻ. Nhiều câu hỏi sắc sảo của các bạn - những công dân tuổi 18 lần đầu bầu cử đã được Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh, TSKH Đoàn Hương trả lời một cách thuyết phục.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân (ảnh giữa) tại buổi đối thoại (Ảnh: Hoàng Long) |
Trả lời câu hỏi của các bạn trẻ về vận động bầu cử, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, cần đảm bảo sự công bằng, minh bạch để lựa chọn được những đại biểu ưu tú nhất. Người ứng cử chỉ được làm một số việc mà luật pháp quy định và không được phép làm một số việc luật pháp không cho phép. Họ không được phép tặng quà, tặng tiền và hứa hẹn để lấy phiếu cử tri. Điều này đã được quy định rất rõ trong Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, việc vận động bầu cử rất quan trọng. Tất cả những người trong danh sách đều có quyền như nhau cùng gặp cử tri một lúc; được quyền phát biểu, phỏng vấn trên báo chí ở địa phương như nhau; còn ở Trung ương là trang thông tin về bầu cử Quốc hội của Hội đồng bầu cử quốc gia.
Giải đáp thắc mắc của đoàn viên về những hoạt động của Trung ương Đoàn dành cho thanh niên đối với bầu cử Quốc hội, Bí thư thứ nhất Nguyễn Đắc Vinh cho biết, cách đây 5 năm, Trung ương Đoàn đã khởi động chương trình “Khi tôi 18” hướng tới cung cấp cho học sinh khi bước vào tuổi công dân các kiến thức cần thiết, kỹ năng hướng nghiệp, nâng cao ý thức công dân cho thanh niên, nhất là những sự kiện quan trọng như cầm lá phiếu để bầu cử.
Đặc biệt sau khi giới thiệu một số ứng cử viên trẻ, Đoàn Thanh niên cũng đã có một số chương trình tập huấn, hỗ trợ tài liệu cho các ứng cử viên.
Anh Nguyễn Đắc Vinh mong 400 bạn trẻ dự buổi đối thoại khi về trường, lớp sẽ mang những kiến thức hiểu biết của mình tuyên truyền về ý nghĩa của cuộc bầu cử và trách nhiệm công dân. Anh Nguyễn Đắc Vinh cho biết, thời gian tới sẽ kiến nghị tới các tỉnh thành đoàn tổ chức các buổi tọa đàm cho các bạn thanh niên, đặc biệt là các bạn trẻ lần đầu tiên đi bầu cử.
Theo anh Vinh, quan trọng nhất là cử tri trẻ nhận thức như thế nào về người đại diện cho mình, lựa chọn trong những người trẻ những người ưu tú nhất để đại diện cho mình, nói tiếng nói của người trẻ trong Quốc hội. Đoàn sẽ nỗ lực hết sức để thanh niên được thể hiện quyền làm chủ đầy đủ nhất.
Một học sinh đặt câu hỏi cho các khách mời (Ảnh: Hoàng Long) |
Mỗi lá phiếu của các bạn trẻ có quyết định rất quan trọng
Tại buổi đối thoại, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân là người được nhiều bạn trẻ đặt câu hỏi nhất, như “Đại biểu Quốc hội hiện nay chủ yếu thuộc tuổi trung niên. Làm thế nào để thời gian tới tăng số lượng đại biểu trẻ, đại biểu thanh niên tham gia Quốc hội? “Ông có suy nghĩ gì khi những cuộc tiếp xúc cử tri hiện nay, người đi đa phần là lớn tuổi mà ít thanh niên tham gia?...
Giải đáp những thắc mắc này, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, luật cho phép người đủ 21 tuổi có thể tự ứng cử. Ở tuổi đó, nhiều thanh niên còn đang đi học, bắt đầu đi làm, chưa có nhiều kinh nghiệm, còn có những khó khăn nhất định. Đặc biệt, khi ứng cử, người đó phải trả lời cho cử tri biết khi vào Quốc hội họ sẽ làm được gì đại diện cho quyền và lợi ích của nhân dân. Song, ở tuổi 21, nhiều người chưa trả lời câu hỏi đó một cách rõ ràng. Do đó, cần có những tổ chức hỗ trợ, khuyến khích thanh niên đủ năng lực, tự tin tham gia ứng cử. Tổ chức đó trước tiên là Đoàn thanh niên.
Hiện nay, tỷ lệ đại biểu trẻ trong Quốc hội là 12%. Kỳ này, Ủy ban bầu cử quốc gia và Mặt trận đặt mục tiêu ít nhất có 50 đại biểu trẻ tham gia vào Quốc hội. Để đáp ứng được mục tiêu này, ngoài việc các bạn trẻ tự tham gia ứng cử, các địa phương, Đoàn thanh niên các cấp cần quan tâm lựa chọn và giới thiệu người trẻ, những người tiêu biểu, xứng đáng tham gia vào Quốc hội khóa XIV.
Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm, các cuộc tiếp xúc cử tri thường diễn ra ban ngày, lúc đó thanh niên đi làm, đi học nên khó tham gia. Để thanh niên có thể đóng góp ý kiến, Mặt trận xã, phường cần có sự điều chỉnh. Ông mong muốn Bí thư đoàn địa phương nếu thấy thời gian tổ chức tiếp xúc cử tri mà thanh niên không đi được thì trực tiếp nêu kiến nghị với Mặt trận xã, phường. Ngoài ra, cần thông báo sớm để thanh niên có thể nắm được thông tin, chủ động sắp xếp để nói được ý kiến.
Theo Tiến sỹ Đoàn Hương những công dân 18 tuổi cần tranh thủ cuộc đối thoại với chính khách cấp cao về bầu cử Quốc hội, cần tranh thủ cơ hội này để nói lên những suy nghĩ, thậm chí là giao nhiệm vụ. Bởi đây là cuộc đối thoại rất quan trọng, sẽ mở ra những chân trời mới phát triển cho đất nước.
Trước thực trạng hiện nay nhiều bạn trẻ ít quan tâm tới chính trị-xã hội của đất nước, TS Đoàn Hương nhấn mạnh: “Chính trị là mái nhà của chúng ta. Một nền chính trị ổn định là sự vĩ đại của một quốc gia. Các bạn phải giữ vững nền chính trị vĩ đại này, đi theo và cống hiến sức lực vì nó. Con người không thể thờ ơ với chính trị, vì ngoài vấn đề của bản thân thì đó còn là nghĩa vụ của công dân”.
Tiến sỹ mong Trung ương Đoàn tiếp tục phát triển các hình thức tuyên truyền sinh động, tận dụng công nghệ hiện nay để hướng thế hệ trẻ vào việc thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ đối với đất nước./.