Kiểm tra, giám sát của Đảng: Phương tiện hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng
VOV.VN - Không chỉ là công việc thường xuyên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã và đang được Trung ương, Bộ Chính trị nâng lên một tầm cao mới.
Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng có những chuyển biến mới, đạt nhiều kết quả rất quan trọng; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả được nâng lên, góp phần tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nhóm phóng viên VOV có loạt bài đề cập những kết quả quan trọng và những giải pháp, quyết tâm của Đảng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng thời gian tới.
Ngày 6/6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp bất thường để xem xét, thi hành kỷ luật ông Chu Ngọc Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ và ông Nguyễn Thanh Long, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Sau khi xem xét đề nghị của Bộ Chính trị, căn cứ nội dung, tính chất, mức độ hậu quả, nguyên nhân vi phạm; theo quy định của Đảng về kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành Khai trừ ra khỏi Đảng ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long. Sau khi các cơ quan chức năng khẩn trương xem xét, xử lý các bước tiếp theo đúng quy định đối với cá nhân đã bị kỷ luật đảng, ông Chu Ngọc Anh và ông Nguyễn Thanh Long đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí và lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã chủ động, quyết tâm cao thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và cấp ủy giao, tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm là kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm. Qua đó gần 30 tổ chức đảng với trên 1.000 đảng viên bị thi hành kỷ luật. Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nhiều tổ chức đảng và đảng viên, trong đó có không ít đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý. Quyết tâm đấu tranh làm trong sạch đội ngũ của Đảng được đảng viên và nhân dân đánh giá cao.
Không chỉ là công việc thường xuyên, công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng đã và đang được Trung ương, Bộ Chính trị nâng lên một tầm cao mới. Chỉ trong nửa đầu tháng 4/2022, Bộ Chính trị đã liên tiếp ban hành 2 Kết luận rất quan trọng về công tác này. Đó là Kết luận số 12 ngày 6/4 về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Kết luận số 34 ngày 18/4 về chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.
Nhiệm vụ trọng tâm của công tác kiểm tra, giám sát được quy định rõ ràng cụ thể, đi vào những vấn đề lĩnh vực đang còn nhiều tồn tại như: khẩn trương rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán; đẩy mạnh điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực. Tập trung kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán ở những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nơi có nhiều tố cáo, khiếu nại, dư luận xã hội quan tâm, bức xúc.
PGS.TS Bùi Đình Phong, Giảng viên Cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định, đây là việc làm hợp lòng dân: “Việc Trung ương làm quyết liệt này rất cần thiết, tôi nghĩ phải làm quyết liệt hơn nữa. Như Tổng Bí thư và Đảng ta nhiều lần nói cái gì dân cần, dân muốn làm hợp lòng dân thì ta cứ làm thôi, bây giờ trong những điều mà dân cần dân muốn và hợp lòng dân nhất đấy chính là chống tham nhũng. Và tôi nghĩ phải làm mạnh hơn nữa, phải tìm ra nhiều gốc rễ hơn nữa, thì không những lấy được niềm tin của người dân mà là một điều kiện để xây dựng phát triển kinh tế hơn nữa.”
Rõ ràng công tác kiểm tra, giám sát đang là phương tiện hữu hiệu để phát hiện và phòng chống tham nhũng, tiêu cực. 50% trong số các vụ việc tham nhũng, tiêu cực được phát hiện qua công tác kiểm tra giám sát, đã góp phần thực hiện chủ đề Đại hội XIII của Đảng:“Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học cho rằng, kiểm tra, giám sát sớm phát hiện là yếu tố quan trọng để ngăn ngừa, chấn chỉnh các sai phạm: “Công tác kiểm tra giám sát kịp thời những hành vi vi phạm cũng đã được chú trọng, tức là một trong những điểm yếu của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là việc phát hiện, xử lý vi phạm. Và phát hiện xử lý vi phạm là liên quan đến công tác giám sát. Cho nên vừa rồi đã tập trung kiểm tra giám sát. Ủy ban kiểm tra Trung ương trong thời gian quý 1 vừa rồi thôi đã thành lập đến 24 đoàn ủy ban kiểm tra Trung ương để tiến hành kiểm tra các địa phương. Thanh tra nhà nước, kiểm toán nhà nước cũng đã thành lập rất nhiều đoàn để tiến hành thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực, các vụ việc có sai phạm. Rồi kiểm soát quyền lực trong quá trình thực thi nhiệm vụ cũng được quan tâm chú trọng.”
Không chỉ là hoàn thiện những cơ chế để phát huy vai trò của công tác giám sát, kiểm tra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực còn yêu cầu công tác kiểm tra phải đi trước một bước.
"Từ thực tế chúng ta đã có thêm nhiều kinh nghiệm hay và hoàn toàn đúng cả về lý luận và thực tiễn và đúng cả đường lối, đó là công tác kiểm tra của Đảng phải đi trước một bước có dấu hiệu vi phạm đi kiểm tra. Thực tế, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã làm nhiều vụ từ đây ra nhiều vấn đề. Chúng ta kỷ luật Đảng trước, sau khi kỷ luật đảng kỷ luật về hành chính thứ hai rồi mới đến hình sự chứ còn cứ chờ điều tra rồi lại thống nhất với nhau thì thanh tra rồi đến đưa ra xét xử thì đấy là khâu sau. Tôi cho đây là một phát hiện mới chủ trương phù hợp, thực tiễn chứng minh là đúng và có tác dụng có kết quả tốt và phải nhân cái này lên" - Tổng Bí thư nói.
Với quyết tâm lớn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tiêu cực chắc chắn công tác kiểm tra giám sát thời gian tới sẽ được tăng cường, mở rộng, thực chất, hiệu quả hơn nữa. Và công tác phòng, chống tham nhũng không chỉ dừng ở các cơ quan công quyền, mà tiếp tục từng bước mở rộng phạm vi phòng, chống tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước; mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về phòng, chống tham nhũng; cụ thể hóa và thực thi Công ước quốc tế về chống tham nhũng theo đúng lộ trình, phù hợp với điều kiện và pháp luật của Việt Nam.” như đã nêu trong Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đang được hoàn thiện với những văn bản, quy định rõ ràng, thể hiện sự chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tham nhũng, tiêu cực. Qua đó Đảng ta tiếp tục đưa công tác kiểm tra, giám sát lên tầm cao mới, xứng đáng là thứ vũ khí sắc bén để làm trong sạch Đảng, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ. VOV.VN sẽ giới thiệu tiếp bài 2 trong loạt bài với tiêu đề: Kiểm tra, giám sát phải là “thanh bảo kiếm” của Đảng./.