Kiểm tra việc phát hiện và xử lý tham nhũng ở Thái Bình
VOV.VN - Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình cần rà soát, xác định rõ những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng tại địa phương.
Sáng 15/8, Đoàn công tác số 2 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Thượng tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng làm Trưởng đoàn, đã có buổi làm việc với Tỉnh uỷ Thái Bình về kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm.
Bộ trưởng Tô Lâm phát biểu tại buổi làm việc.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Tô Lâm ghi nhận những kết quả đã đạt được trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng thời gian qua của tỉnh Thái Bình.
Về các nội dung, yêu cầu của công tác kiểm tra, giám sát cần tập trung thực hiện, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cần rà soát, xác định rõ những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, tham nhũng tại địa phương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để xử lý nghiêm; xác định trách nhiệm người đứng đầu trong việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi tham nhũng.
Đồng thời, tập trung làm rõ những sơ hở, thiếu sót, sai phạm, vi phạm các quy định trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư xây dựng, thực hiện các dự án đầu tư công, xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, trong quản lý đất đai, khoáng sản, môi trường…, gây thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng đề nghị Đoàn công tác trong quá trình kiểm tra, giám sát, cần nắm tình hình, đánh giá hiệu quả hoạt động của các cơ quan bảo vệ pháp luật, kịp thời chấn chỉnh những hạn chế, thiếu sót và củng cố, kiện toàn các cơ quan trên nhằm nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tránh làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm.
Cần tập trung làm rõ những sơ hở, thiếu sót và những sai phạm, vi phạm các quy định trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư gây thất thoát, lãng phí và có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực.
Bên cạnh đó, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Bình cần chú trọng đề xuất những phương hướng, giải pháp thiết thực, đồng thời phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng ở Trung ương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của địa phương; kiến nghị sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng./.
"Người cầm cờ phải là người đốt bó đuốc chống tham nhũng"