"Kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng đã đổi mới tích cực"
VOV.VN - Công tác kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật Đảng đã đổi mới, thể hiện sự quyết liệt, nghiêm minh và bình đẳng.
Báo cáo chính trị Đại hội XIII khẳng định những năm qua công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá gắn kết chặt chẽ giữa "xây" và "chống", có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam không ngừng được củng cố vững mạnh.
Báo cáo chính trị cũng khẳng định tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Đảng của nhiệm kỳ XIII. Vậy cần làm gì để công tác kiểm tra giám sát kỷ luât đảng trong thời gian tới ngày càng hiệu quả, chất lượng hơn?
Trong nhiệm kỳ XII, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã quyết liệt triển khai các biện pháp, khắc phục những thiếu sót khuyết điểm trong công tác xây dựng Đảng, chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật đảng để phát hiện và kiên quyết xử lý những tổ chức đảng, những cán bộ, đảng viên vi phạm kể cả cán bộ đương chức, cán bộ đã nghỉ hưu.
Thông qua công tác kiểm tra, giám sát của các cấp ủy đảng, trong nhiệm kỳ khoá XII, gần 1.400 tổ chức đảng và hơn 74.000 đảng viên ở các cấp đã bị xử lý kỷ luật. Trong đó có gần 100 tỉnh ủy viên và tương đương; hơn 1.500 huyện ủy viên và tương đương; gần 3.000 đảng viên bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; hơn 8.700 người bị khai trừ ra khỏi Đảng và hơn 4.300 cán bộ, đảng viên phải xử lý bằng pháp luật…. Đảng ta đã kỷ luật hàng chục cán bộ cao cấp từ hình thức khiển trách trở lên.
Những con số đó nói lên ý chí và quyết tâm của Đảng và các cơ quan chức năng trong công tác xây dựng đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Theo Nhà báo Nhị Lê- nguyên Phó Tổng Biên Tạp chí Cộng sản, những con số đó không những thể hiện rõ quan điểm xuyên suốt của Đảng là kiên quyết không để một cán bộ, đảng viên nào tự cho mình cao hơn tổ chức, tự đặt mình ngoài kỷ luật Đảng mà còn thể hiện những đổi mới tích cực, quyết liệt, nghiêm minh, bình đẳng trong xử lý kỷ luật.
“Kiểm tra, xử lý kỷ luật Đảng đã đổi mới, xử lý không trừ ai khi có rất nhiều Ủy viên Trung ương và cán bộ có chức vụ, vị trí cao bị xử lý kỷ luật hoặc kiến nghị xử lý nghiêm”- Nhà báo Nhị Lê chia nhấn mạnh.
Việc làm và kết quả kiểm tra giám sát thi hành kỷ luật Đảng vừa qua đã góp phần củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào tổ chức Đảng. ông Nguyễn Ngọc Long- thành viên Câu lạc bộ Thăng Long-Hà Nội bày tỏ, thực hiện Nghị quyết của Đảng, công tác kiểm tra giám sát, kỷ luật từ Trung ương đến địa phương được thực hiện mạnh mẽ hơn, không có ngoại lệ, nếu phát hiện vi phạm đều bị xử lý, được quần chúng nhân dân và đảng viên rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cùng quan điểm này, ông Trần Hữu Đông, cựu chiến binh ở Thanh Hóa cho biết, thời điểm gần đây Đảng ta đã nhìn thấy các khuyết điểm của đảng viên và tổ chức đảng nên đã đẩy mạnh làm nghiêm công tác kỷ luật. Ông Đông mong muốn, trong nhiệm kỳ này công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh hơn theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII.
Tại nhiều diễn đàn, nhiều cuộc họp bàn về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, các chuyên gia và những người làm công tác kiểm tra, giám sát kỷ luật Đảng thẳng thắn nhìn nhận công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng trong nhiệm kỳ XII đã được tăng cường, có hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị và công tác xây dựng Đảng, nhưng vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi của Đảng và nhân dân khi chúng ta vẫn thiên về những vụ việc vi phạm và tập trung xử lý cán bộ sai phạm, chứ chưa quan tâm nhiều đến kiểm tra thường xuyên để ngăn ngừa vi phạm… Vẫn còn tình trạng người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng chưa coi trọng đúng mức công tác kiểm tra, giám sát; chưa kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo.
Từ thực tế trên, ông Nguyễn Thái Học- Phó Trưởng Ban Nội Chính Trung ương cho rằng, để công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng ngày càng hiệu quả hơn thì trước hết phải đề cao vai trò của người đứng đầu.
“Muốn công tác kiểm tra, giám sát phát huy vai trò thì vấn đề đặt ra là lãnh đạo cấp ủy, nguời đứng đầu phải thường xuyên chăm lo đến công tác kiểm tra, giám sát và các cơ quan kiểm tra phải thường xuyên thực hiện nhiệm vụ kiểm tra” - ông Nguyễn Thái Học nhấn mạnh.
Là người đã từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, bà Lê Thị Thủy - Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cho rằng, để hoạt động kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng ngày càng hiệu quả, ngoài việc đòi hỏi người làm công tác kiểm tra phải có năng lực, bản lĩnh, nguời lãnh đạo công tác kiểm tra cần có thái độ kiên quyết với tinh thần chỉ đạo "không có vùng cấm".
Điều quan trọng là cần xây dựng, hoàn thiện các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước phục vụ công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng. Sửa đổi, bổ sung các quy định, quy chế về công tác xây dựng Đảng; quy chế phối hợp giữa tổ chức đảng với tổ chức nhà nước, đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác kiểm tra, giám sát và tăng thêm thẩm quyền cho Ủy ban Kiểm tra các cấp.
Cùng với đó là kiện toàn tổ chức bộ máy Ủy ban Kiểm tra đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, kiện toàn cơ quan Ủy ban Kiểm tra theo mô hình thống nhất từ Trung ương đến quận, huyện; tăng cường cán bộ kiểm tra chuyên trách cho Ủy ban Kiểm tra đảng ủy cơ sở. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, có phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh, tính chiến đấu cao, có kỹ năng nghiệp vụ thuần thục, phương pháp công tác khoa học, công tâm, khách quan, sâu sát./.