47 năm Hải quân Việt Nam đánh thắng trận đầu:

Kỳ 1: Âm mưu thâm độc của đế quốc Mỹ

Với ý đồ hòng “đưa Bắc Việt trở về thời kỳ đồ đá”, chính quyền Mỹ khi đó đã dựng lên một câu chuyện hoàn toàn bịa đặt để lấy cớ tấn công miền Bắc Việt Nam

LTS: Hôm nay (5/8), tất cả các đơn vị thuộc Quân chủng Hải quân Nhân dân Việt Nam đồng loạt kỷ niệm 47 năm ngày đánh thắng trận đầu (5/8/1964 - 5/8/2011). 47 năm qua, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng mà trực tiếp là Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc, tô đẹp thêm truyền thống “Chiến đấu anh dũng, mưu trí sáng tạo, làm chủ vùng biển, quyết chiến quyết thắng” của Quân chủng.

Tàu khu trục Maddox của Mỹ  (Ảnh tư liệu)

Trận đầu đánh thắng Hải quân và Không quân Mỹ đối với các lực lượng bộ đội Hải quân ngày 5/8/1964 không chỉ khẳng định tinh thần dám đánh, quyết đánh thắng và đập tan âm mưu chiến dịch leo thang “mở rộng chiến tranh ra miền Bắc” của đế quốc Mỹ khi đó, mà còn còn khẳng định thế trận chiến tranh toàn dân trên biển và nghệ thuật chiến tranh “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” của quân và dân ta.

Đế quốc Mỹ với “chiến dịch leo thang”

Sau cuộc đảo chính Ngô Đình Diệm ngày 1/11/1963, vấn đề Việt Nam ngày càng trở nên nóng bỏng đối với giới cầm quyền Mỹ. Họ đã vạch ra kế hoạch mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam, leo thang ra miền Bắc hòng ném bom Thủ đô Hà Nội. Bằng những kế hoạch chặt chẽ, nham hiểm như tăng cường do thám bằng máy bay chiến lược U2, thả phi công trà trộn vào các làng mạc, bắt cóc người dân miền Bắc Việt Nam để khai thác tin tức tình báo, sử dụng các đội nhảy dù phá hoại và tổ chức các cuộc tiến công của biệt kích từ hướng biển.

Ngày 2/3/1964, Mỹ đã dùng tàu khu trục tuần tiễu ven biển miền Bắc Việt Nam trong kế hoạch DeSoto để làm hậu thuẫn cho Hải quân nguỵ đánh phá các đảo và vùng dân cư ven biển các tỉnh Khu 4 cũ. Họ đã sử dụng Hạm đội Thái Bình Dương đánh phá các tuyến vận chuyển chiến lược của ta chạy dọc biên giới Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia nhằm ngăn chặn sự chi viện từ Bắc vào Nam. Kế hoạch này mang tên Oplan 37 được thực hiện qua 3 giai đoạn: Thứ nhất là truy kích Việt Cộng qua biên giới Lào và Campuchia; Thứ hai là mở các cuộc oanh kích và dùng mìn đánh phá các mục tiêu đã dự định trong nội địa miền Bắc; Thứ ba là tăng cường oanh tạc mạnh mẽ và liên tục chống miền Bắc. Địch đưa ra mục tiêu bằng mọi cách đánh phá 94 mục tiêu trên miền Bắc của ta trong 12 ngày với sự tham gia của toàn bộ lực lượng không quân Mỹ ở Thái Bình Dương.

Với một “kịch bản” đã được chuẩn bị từ trước nhằm mở đầu cho kế hoạch đánh phá miền Bắc bằng Không quân và Hải quân của Mỹ, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ đề nghị Tổng thống Johnson nên có “một chiến dịch khiêu khích Bắc Việt Nam”. Với ý đồ đó, trong hai ngày 1 - 2/8/1964, các máy bay T28 của phái hữu Lào được Mỹ sử dụng bắn phá đồn Biên phòng Nậm Cắn và làng Noọng Dẻ ở miền Tây tỉnh Nghệ An. Trong khi đó trên vùng biển Vịnh Bắc Bộ, tàu Khu trục Maddox tiếp tục tiến về phía Bắc, xâm phạm hải phận của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Ngày 31/7/1964, Tàu khu trục Maddox số hiệu 731 đã tiến vào vùng biển Quảng Bình để thu thập tin tức tình báo, có lúc chúng vào cách Đông đèo Ngang khoảng 8 hải lý, vi phạm lãnh hải của ta, nhưng tất cả các hoạt động thăm dò tin tức của chúng không lọt được “mắt thần” của các chiến sĩ Hải quân đang canh gác trên vùng biển này.

Tàu hải quân Việt Nam chiến đấu trên vùng biển Đông Bắc năm 1964 (Ảnh tư liệu)

Quyết tâm chiến đấu của Đảng, Bác Hồ

Trước âm mưu dã tâm phá hoại của Đế quốc Mỹ, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khoá 3) tổ chức vào tháng 12/1963 đã nhận định: “Cuộc chiến tranh sẽ kéo dài” và đề ra phương hướng cho Quân đội ta xây dựng, nâng cao sức mạnh chiến đấu bảo vệ miền Bắc, tăng cường lực lượng chủ lực và đẩy mạnh tác chiến tập trung ở miền Nam, cùng toàn dân đánh bại cuộc “Chiến tranh đặc biệt” của Đế quốc Mỹ. Ngày 27/3/1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh triệu tập Hội nghị Chính trị đặc biệt, quyết tâm chiến đấu bảo vệ miền Bắc, đẩy mạnh cuộc chiến tranh cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Trong Hội nghị, Người khẳng định: Thất bại của “cuộc chiến tranh đặc biệt” của Mỹ là không thể tránh khỏi. Người tuyên bố: “Nếu đế quốc Mỹ liều lĩnh động đến miền Bắc thì nhất định chúng sẽ thất bại thảm hại. Vì nhân dân cả nước ta sẽ kiên quyết đánh lại chúng; vì các nước Xã hội chủ nghĩa và nhân dân tiến bộ toàn thế giới sẽ hết sức ủng hộ ta; vì nhân dân Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ sẽ phản đối”.

Thực hiện Chỉ thị của Quân uỷ Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân chuyển sang trạng thái thời chiến từ ngày 6/7/1964. Để đối phó với các hành động khiêu khích phá hoại ngày càng tăng của Mỹ - Nguỵ ở vùng biển Khu 4, Bộ Tư lệnh Quân chủng quyết định thành lập Sở chỉ huy tiền phương ở sông Gianh do Đại tá Nguyễn Bá Phát - Phó Tư lệnh Quân chủng phụ trách.

Một số tàu tuần tiễu ở phía Bắc được tăng cường vào vùng biển Khu 4. Các Phân đội tàu tuần tiễu ở vùng biển Khu 4 rời cảng ra các khu neo và tăng cường huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật, đồng thời nâng cao cảnh giác, sơ tán nguỵ trang chu đáo chống địch tập kích bằng đường không và biệt kích người nhái. Các tàu phóng lôi ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao. Các đơn vị pháo bờ biển chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu cấp 2. Các cơ quan, đơn vị trên bờ khẩn trương xây dựng hầm hào công sự phòng tránh và đánh địch. Cán bộ, chiến sĩ đang nghỉ phép được gọi về đơn vị. Đến cuối tháng 7/1964, mọi công tác chuẩn bị chiến đấu của Quân chủng đã cơ bản được hoàn thành và sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới./.

Kỳ 2: Chiến thắng trong cuộc chiến không cân sức

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên