Kỷ niệm 50 năm ngày “Chiến thắng trở về” của các chiến sỹ bị tù đày ở nhà tù Phú Quốc
VOV.VN - Đây là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam ở nơi chốn tù đày trong thời kỳ kháng chiến; tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với các liệt sỹ, những người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã chiến đấu, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Sáng nay (26/3), tại Trại giam tù binh Cộng sản Việt Nam/Phú Quốc (nay là Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Trại giam Phú Quốc) thuộc phường An Thới, thành phố Phú Quốc, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Kiên Giang phối hợp với Ban Ban Liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về”.
Đây là dịp để ôn lại truyền thống đấu tranh bất khuất, kiên cường của các chiến sỹ cách mạng Việt Nam ở nơi chốn tù đày trong thời kỳ kháng chiến; tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn, tri ân sâu sắc đối với các liệt sỹ, những người con ưu tú trên mọi miền đất nước đã chiến đấu, cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Đến dự có Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các bộ ngành, lực lượng vũ trang, các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban Liên lạc toàn quốc chiến sỹ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày, Ban Liên lạc tù binh Phú Quốc Việt Nam. Đặc biệt là sự có mặt của gần 2.000 đại biểu là cựu tù và người thân gia đình từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về tham dự.
Phát biểu tại buổi lễ, Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam bày tỏ sự xúc động và lòng biết ơn vô hạn đối với các anh hùng liệt sĩ, các chiến sĩ cách mạng, đồng bào, đồng chí đã anh dũng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân để non sông, đất nước Việt Nam được độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Đại tướng Lương Cường cho rằng: “Trại giam tù binh cộng sản Việt Nam/Phú Quốc” là bằng chứng về tội ác dã man của bọn thực dân, đế quốc và tay sai; và chính nơi đây, trong cảnh đen tối của “địa ngục trần gian” lại rực sáng lên màu đỏ tươi của ngọn lửa gương đấu tranh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, của đồng chí, đồng bào trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Đại tướng Lương Cường bày tỏ, vô cùng xúc động được đến dự lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” của các chiến sĩ cách mạng Việt Nam bị địch bắt tù đày di tích lịch sử quốc gia đặc biệt “Trại giam Phú Quốc”, nơi từng là một “địa ngục trần gian”, thấm đẫm máu đào của hàng vạn chiến sĩ cách mạng Việt Nam và đồng bào, đồng chí của chúng ta bị địch bắt tù đày trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Đại tướng Lương Cường cho rằng, tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm “Chiến thắng trở về” là sự kiện có ý nghĩa to lớn nhằm tri ân và tôn vinh những cống hiến, hy sinh cao cả của các chiến sĩ cách mạng, đồng bào, đồng chí bị địch bắt, tù đày; đây cũng là một trong những nội dung, hình thức giáo dục sinh động, chân thực và thuyết phục đối với các thế hệ người Việt Nam hôm nay và mai sau về truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh cách mạng của dân tộc.
Có mặt tại buổi lễ, các chú, các bác cựu tù vô cùng xúc động khi được gặp lại những người bạn, người đồng đội, đồng chí đã cùng sát cánh bên nhau, đấu tranh chống lại mọi âm mưu thâm độc của địch trong tù, trong điều kiện vô cùng tàn khốc và khắc nghiệt. Vì tuổi tác vì sức khỏe, những cái ôm đồng đội không còn được chặt, những bước chân không còn vững chãi như ngày nào nhưng trong ánh mắt của các chú, các bác – những người tù cộng sản vẫn ánh lên sự kiên cường đầy tự hào và hạnh phúc trong ngày gặp lại. Những giọt nước mắt hạnh phúc lăn dài trên những gò má nhăn nheo, đen sạm, giọt nước mắt của sự tự hào và hạnh phúc vì mình còn sống, còn gặp lại nhau.
Cựu tù Nguyễn Minh đến từ TP HCM xúc động cho biết, đây là lần thứ 3 ông trở về đây. Mỗi lần về đây ông rất cảm xúc: "Thấy mình còn sống được cho đến lúc này hôm nay kỷ niệm 50 năm tức là ngày chiến thắng trở về thì rất hạnh phúc, rất xúc động nên gặp lại số anh em cũ thì tay bắt mặt mừng nhưng cũng nhớ những người đồng đội đồng chí đã hy sinh".
Ông Đỗ Khối, hội trưởng Hội tù yêu nước tỉnh Thừa Thiên Huế, cũng là một trong những cựu tù Phú Quốc cho biết: trong tù dù điều kiện thiếu thốn, dù bị đánh đập tra tấn dã man nhưng những chiến sỹ cách mạng vẫn yêu thương, đùm bọc, động viên nhau giữ trọn phẩm giá, khí tiết của người chiến sỹ quân giải phóng để đợi ngày trở về, đợi ngày toàn thắng: "ôi bị giam ở đây 5 năm, đến tháng 3 năm 1973 mới được trao trả. Tất cả mùi đắng cay của bọn địch ở đây tôi đã nếm trải đủ nhưng với ý chí, với lòng quyết tâm với sự tin tưởng vào đảng vào quân đội nên tôi mới tồn tại, trở về".
Bác Nguyễn Hồng Quân, năm nay 77 tuổi, cựu tù đến từ TP HCM không giấu được cảm xúc khi mỗi lần gặp mặt kỷ niệm như thế này, số lượng đồng đội gặp nhau càng thưa dần, những gương mặt thân quen càng vắng bóng. Vì vậy còn gặp lại nhau, còn tay bắt mặt mừng để ôn lại kỷ niệm gian khổ ngày xưa là còn hạnh phúc, các chú, các bác cựu tù luôn trân trọng những giây phút quý báu này và vẫn đau đáu khi nhớ đến những đồng đội chưa được tìm thấy hài cốt.
Nhân dịp này, Quân ủy Trung ương – Bộ Quốc phòng tặng 100 phần quà cho cựu tù và 50 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (mỗi phần qùa bao gồm 02 triệu đồng tiền mặt và 01 gói quà trị giá 500.000 đồng). Đảng ủy – Bộ Tư lệnh Quân khu 9 tặng 10 phần quà cho cựu tù và 10 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn (mỗi phần quà trị giá 500.000 đồng). Ban Liên lạc toàn quốc tặng 100 phần quà cho các cựu tù, mỗi phần quà 500.000 đồng bằng tiền mặt và 50 phần quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mỗi phần quà 400.000 đồng bằng tiền mặt.
Lần gặp mặt 50 năm này, đã thiếu vắng nhiều người, và những lần gặp mặt sau nữa chắc chắn sẽ ít dần các chú, các bác, nhưng những chiến công, những sự hy sinh đẫm máu và nước mắt cho nền độc lập tự do cho Tổ quốc, dân tộc thì vẫn còn vang mãi và càng được tô thắm thêm bởi truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn của dân tộc./.