Kỷ niệm 90 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum
VOV.VN - Lễ kỷ niệm 90 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum diễn ra trang trọng trong không khí thành kính tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum.
Sáng nay (12/12), tròn 90 năm ngày diễn ra cuộc đấu tranh lưu huyết của những người tù cộng sản tại Nhà ngục Kon Tum gây chấn động không chỉ ở Kon Tum, ở Việt Nam mà trên toàn cõi Đông Dương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, UBMTTQ Việt Nam tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ kỷ niệm nhằm ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc; tri ân sự quả cảm, hy sinh anh dũng của các chiến sĩ cộng sản trong cuộc đấu tranh chống thực dân Pháp và tay sai tại Nhà ngục Kon Tum.
Lễ kỷ niệm 90 năm cuộc đấu tranh lưu huyết tại Nhà ngục Kon Tum diễn ra trang trọng trong không khí thành kính tại Di tích lịch sử Quốc gia Ngục Kon Tum.
Đúng ngày này cách đây 90 năm, vào sáng 12/12/1931, dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Binh và người tù cộng sản kiên trung Trương Quang Trọng, những người tù chính trị bị thực dân Pháp giam giữ ở Ngục Kon Tum đứng lên đấu tranh phản đối chính sách cai trị hà khắc, nhất là việc đưa tù chính trị lên Đăk Pek, Đăk Glei lần 2 làm đường 14.
Đàn áp cuộc đấu tranh này, các cai ngục người Pháp đã xả súng vào những người tù chính trị tay không tấc sắt khiến 8 người hy sinh tại chỗ và 8 người bị thương.
Không run sợ trước súng đạn, sự dã man của kẻ thù, những người tù còn lại tiếp tục đấu tranh tuyệt thực để phản đối áp bức, bất công và 5 ngày sau cai ngục người Pháp lại một lần nữa xả súng khiến 7 người chết và 7 người bị thương.
Trong diễn văn đọc tại Lễ kỷ niệm, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum Dương Văn Trang bày tỏ xúc động và nhấn mạnh, cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực của các chiến sỹ cộng sản tại nhà lao Kon Tum đã góp phần tô thắm thêm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam và sống mãi trong các thế hệ mai sau.
“90 năm đã trôi qua, hình ảnh những người tù chính trị tại Ngục Kon Tum ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì lý tưởng cao đẹp vẫn sống mãi trong triệu triệu trái tim của bao thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau. Nhìn lại quá khứ hào hùng, sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ cách mạng tại ngục Kon Tum, với niềm căm phẫn trước sự tàn ác của giặc ngoại xâm; cảm nhận và tri ân sâu sắc trước những mất mát đau thương mà kẻ thù đã gây ra cho dân tộc Việt Nam, mỗi cán bộ, đảng viên và từng người dân Kon Tum càng hun đúc thêm truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, tinh thần tự lực, tự cường” - ông Dương Văn Trang nhấn mạnh.
Nhà ngục Kon Tum do thực dân Pháp xây dựng từ những năm 1915-1917, là nơi giam giữ tù chính trị được lập sớm nhất ở khu vực Tây Nguyên. Từ năm 1929, thực dân Pháp bắt đầu đưa tù chính trị từ nơi khác về giam giữ tại Nhà ngục Kon Tum. Có thời gian Ngục Kon Tum giam giữ hơn 500 tù chính trị. Người tù chính trị đầu tiên là ông Ngô Đức Đệ, người lập ra Chi bộ Binh- Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Kon Tum.
Tù chính trị ở Ngục Kon Tum là nguồn cung cấp nhân công làm đường 14 của thực dân Pháp. Lao động nặng nhọc trong điều kiện rừng thiêng nước độc, đói rét lại bị đánh đập, hành hạ dã man, khiến 150 người bị chết trong số 295 người đi Đăk Pek, Đăk Glai làm đường. Nhà cầm quyền Pháp đã biến đường 14 thành “con đường máu”, là “mồ chôn tù chính trị”.
Sức lan tỏa của cuộc đấu tranh lưu huyết và tuyệt thực tại Ngục Kon Tum vào tháng 12/1931 buộc thực dân Pháp phải thay đổi chế độ cai trị hà khắc, chấp nhận nhượng bộ theo yêu sách của các tù chính trị đưa ra, từ bỏ việc xây dựng đường 14; đặc biệt đến năm 1934 thực dân Pháp phải giải tán bộ máy Nhà ngục Kon Tum, bỏ hẳn Nhà lao Kon Tum../.