Lần thứ 2 Việt Nam trúng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới
VOV.VN - Với 121 phiếu thuận, trên tổng số 171 phiếu hợp lệ, lần thứ 2 Việt Nam tiếp tục trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới, sau lần đầu vào năm 2013.
Trong khuôn khổ Kỳ họp Đại hội đồng lần thứ 24 các quốc gia thành viên Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Công ước Di sản Thế giới), ngày 22/11, tại thủ đô Paris, Cộng hòa Pháp, Việt Nam lại một lần nữa trúng cử thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.
Với 121 phiếu thuận, trên tổng số 171 phiếu hợp lệ, lần thứ 2 Việt Nam tiếp tục trúng cử vị trí thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới, sau lần đầu vào năm 2013. Với số phiếu này, Việt Nam hiện đứng thứ nhất nhóm các nước Châu Á - Thái Bình Dương và đứng thứ 2 cao nhất toàn thể, chỉ sau Ukraine với 134 phiếu.
Đánh giá về kết quả này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự Kỳ họp nhận xét, việc Việt Nam được bầu vào Ủy ban Di sản Thế giới, khẳng định đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta như tinh thần của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Chỉ thị số 25-CT/TW của Ban Bí thư về đa phương hóa, đa dạng hóa, hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng, đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương, triển khai đồng bộ và phối hợp hiệu quả giữa ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa, giữa ngoại giao song phương và ngoại giao đa phương.
"Đây là sự đánh giá cao, sự ủng hộ và tín nhiệm của cộng đồng quốc tế dành cho Việt Nam. Họ đánh giá cao năng lực điều hành, những đóng góp của chúng ta tại các diễn đàn đa phương cũng như những đóng góp thiết thực và hiệu quả của Việt Nam trong việc thúc đẩy những nội dung ưu tiên của UNESCO. Nhất là trong việc bảo tồn và phát huy những di sản thế giới ở Việt Nam và tại các quốc gia khác. Với việc chúng ta được bầu vào Ủy ban Di sản Thế giới, đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có mặt trong 5 cơ quan điều hành quan trọng nhất của UNESCO. Điều này cho thấy vị thế, uy tín và sức ảnh hưởng của Việt Nam với cộng đồng quốc tế", Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc nhấn mạnh.
Về phần mình, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cho biết, với việc tham gia cùng lúc 5 cơ chế điều hành quan trọng hàng đầu của UNESCO, Việt Nam có cơ hội tiếp tục đóng góp một cách chủ động, tích cực hơn trong các chương trình, định hướng lớn của UNESCO nói chung và về văn hóa nói riêng.
"Với việc đảm nhiệm vai trò là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới, đây sẽ là cơ hội rất lớn cho Việt Nam để giới thiệu tới bạn bè quốc tế về hình ảnh của một Việt Nam đổi mới, năng động, sáng tạo, hội nhập nhưng cũng đậm đà bản sắc dân tộc và giàu truyền thống. Đây cũng là cơ hội để chúng ta có thể tham gia đóng góp về những vấn đề mang tính chiến lược cũng như những chính sách quan trọng của thế giới trong vấn đề di sản và văn hóa, là cơ hội để chúng ta có thể chia sẻ những bài học trong việc thúc đẩy văn hóa, coi đó là sức mạnh nội sinh, là động lực cho phát triển bền vững và tự cường", Đại sứ Lê Thị Hồng Vân nhấn mạnh.
Với tư cách là thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới, Việt Nam sẽ cùng 20 quốc gia thành viên khác đảm nhận trọng trách giám sát việc thực thi Công ước; bảo vệ, bảo tồn và phát huy giá trị của 1199 di sản thế giới trên toàn cầu; xem xét các tiêu chí để ghi danh các di sản thế giới mới nhằm gìn giữ, phát huy và trao truyền giá trị lịch sử, văn hóa cho các thế hệ tương lai, đóng góp cho phát triển bền vững của thế giới.
Đại diện nhóm chuyên gia của Việt Nam, Cục trưởng Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Lê Thị Thu Hiền cho biết, kể từ khi tham gia Công ước Di sản thế giới vào năm 1987 đến nay, Việt Nam đã luôn thực hiện nhiều nỗ lực nhằm lồng ghép nội dung và tinh thần của Công ước vào các luật, chương trình, dự án liên quan di sản văn hóa, thiên nhiên và các vấn đề kinh tế-xã hội.
Cục trưởng Lê Thị Thu Hiền cũng cho biết, trong thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thông qua những nội dung của Công ước 1972 về bảo vệ di sản văn hóa, đưa những nội dung của tinh thần Công ước vào việc hoàn thiện các văn bản quy đinh pháp luật về Luật Di sản văn hóa và các hành lang pháp lý cho việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đồng thời Việt Nam cũng sẽ chia sẻ mạnh mẽ những kinh nghiệm đã tích lũy được và tiếp tục đào tạo bồi dưỡng đội ngũ chuyên gia để có thể bạo vệ tốt các di sản của chúng ta theo mô hình mẫu mà UNESCO đã công nhận
Việc Việt Nam trúng cử vào vị trí thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới là kết quả của sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Phái đoàn Thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO cùng các cơ quan, các chuyên gia trong và ngoài nước.
Ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới UNESCO nhấn mạnh: "Việc Việt Nam được trúng cử vào Ủy ban Di sản thế giới là một điều tuyệt vời với UNESCO. Việt Nam là một ví dụ điển hình cho việc thực hiện Công ước về Di sản của UNESCO. Tôi đã có cơ hội được thăm một số Di sản của Việt Nam vài tháng trước và kinh nghiệm của Việt Nam trên lĩnh vực này sẽ được chia sẻ với tất cả các quốc gia thành viên cũng như những quốc gia đã tham gia công ước".
Đại hội đồng lần thứ 24 Công ước Di sản Thế giới diễn ra trong 2 ngày 22-23/11. Trong phiên họp ngày đầu tiên, Đoàn Việt Nam đã chủ động tích cực tham gia, đóng góp vào các nội dung của Kỳ họp. Trong tiếp xúc đối ngoại, các quốc gia thành viên đều đánh giá cao Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc bảo vệ 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới hiện có, đồng thời đang xây dựng các hồ sơ mới, qua đó góp phần làm giàu thêm bức tranh đa dạng văn hóa nhân loại. Những kinh nghiệm, hiểu biết và nỗ lực của Việt Nam trong bảo vệ và phát huy di sản thế giới trên phương diện lý luận, luật pháp, quản lý và thực tiễn được đánh giá là bài học tốt cho nhiều quốc gia ở khu vực và quốc tế, đóng góp vào việc thực thi Công ước một cách hiệu quả, thiết thực, góp phần bảo vệ, gìn giữ di sản văn hóa và thiên nhiên cho nhân loại, đồng thời đóng góp vào sự phát triển bền vững chung của các quốc gia.