Lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm đồng chí Huỳnh Tấn Phát
VOV.VN - Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước dâng hương tưởng niệm đồng chí Huỳnh Tấn Phát.
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh ông Huỳnh Tấn Phát (15/2/1913 - 15/2/2023), sáng 15/2, tại tỉnh Bến Tre, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy Ban trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; cùng các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã dâng hương, dân hoa tưởng niệm ông Huỳnh Tấn Phát.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu đã bày tỏ lòng thành kính tưởng nhớ, tri ân và biết ơn sâu sắc ông Huỳnh Tấn Phát, nguyên Chủ tịch Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước, nguyên Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; nhà trí thức uy tín lớn, tấm gương tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết quốc tế, người cộng sản kiên trung, mẫu mực, kiến trúc sư tài năng, sáng tạo.
Ông Huỳnh Tấn Phát đã có những đóng góp to lớn trong sự nghiệp cách mạng đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ông Huỳnh Tấn Phát sinh ngày 15/2/1913 tại làng Tân Hưng, quận An Hóa, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc xã Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre). Kế thừa truyền thống của quê hương và gia đình, ông đã sớm hình thành tình cảm yêu nước, thương dân, giác ngộ lý tưởng của Đảng và đi theo con đường cách mạng vô sản.
Sau khi tốt nghiệp thủ khoa ngành kiến trúc Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (9-1938), kiến trúc sư trẻ Huỳnh Tấn Phát đã hăng hái tham gia phong trào yêu nước cách mạng của giới trí thức và các tầng lớp nhân dân trong cao trào đấu tranh đòi các quyền dân sinh, dân chủ.
Cùng với những hoạt động đầy nhiệt huyết trong Hội Ái hữu sinh viên Nam Kỳ và phong trào Đông Dương Đại hội, ông Huỳnh Tấn Phát còn viết nhiều bài báo ủng hộ cách mạng trên tờ “Tranh đấu”, “Lao động”… Ông còn làm Chủ nhiệm tuần báo “Thanh niên Tiền phong”; Trưởng Ban cổ động Hội Truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ; Trưởng Ban cổ động của phong trào “Cứu trợ nạn đói ở Bắc Kỳ” năm 1945.
Văn phòng của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát tại Sài Gòn đã trở thành nơi tổ chức những lớp huấn luyện bí mật về chủ nghĩa Mac-Lênin cho một số thanh niên trí thức, góp phần giúp Xứ ủy Nam Kỳ đào tạo đội ngũ cốt cán của phong trào cách mạng.
Với sự trưởng thành cả về nhận thức và hành động cách mạng, ngày 5/3/1945, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát được Xứ ủy Nam Kỳ kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong những ngày toàn dân ta bừng bừng khí thế giành độc lập dân tộc Tháng Tám năm 1945, người chiến sĩ cộng sản Huỳnh Tấn Phát đã hăng hái tham gia Tổng khởi nghĩa thắng lợi giành chính quyền về tay nhân dân ở Sài Gòn - Chợ Lớn.
Trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954), ông Huỳnh Tấn Phát luôn gắn bó với vùng đất Nam Bộ - Thành đồng Tổ quốc. Trên cương vị Phụ trách công tác trí vận và là Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ, kiêm Giám đốc Sở Thông tin Nam Bộ, ông đã chỉ đạo thành lập cơ sở mới của Đài Phát thanh tiếng nói Nam Bộ, xây dựng và phát triển Đài trở thành công cụ tuyên truyền sắc bén của Đảng, cổ vũ đồng bào Nam Bộ anh dũng kháng chiến.
Ông đã tổ chức in, phát hành báo “Tiến lên” - cơ quan tuyên truyền của Ban Tuyên truyền Sài Gòn - Chợ Lớn; mở rộng mặt trận đoàn kết; xây dựng, phát triển các tổ chức quần chúng và lực lượng cách mạng trong nội đô. Từ giữa năm 1950, tham gia Ban Chấp hành Đặc Khu Sài Gòn - Chợ Lớn, được Khu ủy cử làm Trưởng Ban Tuyên huấn Đặc Khu, trực tiếp phụ trách Đài Phát thanh tiếng nói Sài Gòn - Chợ Lớn tự do, ông đã chỉ đạo xây dựng Đài trở thành “tiếng nói đoàn kết, tiếng nói đấu tranh của nhân dân Đô thành anh dũng”, là ngọn cờ hiệu triệu nhân dân kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy gian khổ, hy sinh (1954-1975), trong mỗi thắng lợi của cách mạng miền Nam đều có dấu ấn quan trọng của ông Huỳnh Tấn Phát. Từ chiến khu D trở về Sài Gòn, cuối năm 1956, ông Huỳnh Tấn Phát được bổ sung vào Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn. Năm 1959, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định hợp nhất thành Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, ông được cử làm Khu ủy viên phụ trách công tác trí vận của Khu ủy.
Sau thắng lợi của phong trào Đồng khởi cuối năm 1960, nhằm đáp ứng yêu cầu mới của cách mạng miền Nam, ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập. Ông Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Đầu năm 1961, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam Khu Sài Gòn - Gia Định được thành lập, ông Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch. Trên các cương vị, trọng trách đó, ông đã góp phần to lớn trong việc đoàn kết lực lượng và các cá nhân yêu nước trên toàn miền Nam dưới ngọn cờ chung, đồng thời xây dựng Mặt trận trở thành một hình thức chính quyền độc đáo của Nam Bộ thực hiện chức năng quản lý các vùng mới giải phóng. Nhờ đó, uy thế của Mặt trận ngày càng phát triển cả ở trong nước và ngoài nước.
Ông còn đóng vai trò quan trọng trong vận động, tổ chức một số nhân sĩ, trí thức tiêu biểu ở Sài Gòn ra khu giải phóng để thành lập Liên minh Các lực lượng dân tộc dân chủ và hòa bình Việt Nam (4-1968), góp phần mở rộng hơn nữa khối đoàn kết dân tộc, mang lại cho cách mạng miền Nam nguồn sức mạnh to lớn chống đế quốc Mỹ và tay sai.
Trước sự phát triển toàn diện và yêu cầu mới của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Huỳnh Tấn Phát đã tích cực tham gia vào quá trình thành lập một chính phủ hợp pháp, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân miền Nam.
Tháng 6/1969, tại Đại hội đại biểu Quốc dân toàn miền Nam, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam được thành lập và ông Huỳnh Tấn Phát được bầu làm Chủ tịch. Trên cương vị Chủ tịch, ông đã lãnh đạo thực hiện chính sách hòa bình, trung lập, độc lập, dân chủ, nhằm thực hiện nhiệm vụ tối cao là đoàn kết nhân dân miền Nam đánh bại đế quốc Mỹ, lật đổ chính quyền tay sai phản động, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Huỳnh Tấn Phát đã cùng tập thể Chính phủ, Mặt trận chỉ đạo thực hiện các mũi tiến công mạnh mẽ về quân sự, chính trị, ngoại giao; phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng cùng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trên bàn đàm phán 4 bên ở Hội nghị Paris, góp phần quan trọng buộc đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai phải xuống thang, ký kết Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.
Trong giai đoạn phát triển mới của cách mạng nước ta, ông Huỳnh Tấn Phát đã có nhiều cống hiến vào thành công của quá trình thống nhất về mặt Nhà nước; tham gia lãnh đạo tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung thống nhất - Quốc hội Khóa VI.
Với phẩm chất, tài năng, uy tín và nhiệt huyết cách mạng, ông đã được Đảng và nhân dân ta tin tưởng giao nhiều trọng trách; ở cương vị nào ông cũng đem hết trí tuệ, nhiệt huyết và tài năng để cống hiến.
Với uy tín, tài năng của người kiến trúc sư tài ba, ông được Đảng, Nhà nước giao xét duyệt nhiều luận chứng kinh tế, các công trình trọng điểm quốc gia, như: Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, Nhà ga Sân bay quốc tế Nội Bài, Quy hoạch tổng thể Thủ đô Hà Nội, Bảo tàng Hồ Chí Minh…
Từ năm 1979, được Chính phủ tin tưởng giao làm Đại diện thường trực nước ta tại Hội đồng Tương trợ kinh tế các nước xã hội chủ nghĩa (Khối SEV), ông Huỳnh Tấn Phát đã có những đóng góp quan trọng vào triển khai các chương trình tương trợ, hợp tác giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong toàn khối.
Trên cương vị Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông Huỳnh Tấn Phát có nhiều đóng góp quan trọng vào hoạt động của Mặt trận trong giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của đất nước, với nhiệm vụ trung tâm to lớn, cấp bách là thực hiện đường lối đổi mới, từng bước đưa đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống nhân dân; bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Với tầm nhìn chiến lược, trí tuệ, sâu sắc, đổi mới sáng tạo, ông đã có đóng góp to lớn trong việc mở rộng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, động viên đồng bào các dân tộc, tôn giáo, mọi ngành, mọi giới, cùng toàn thể nhân dân hăng hái triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW, ngày 18/4/1983 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn mới”.
* Sáng cùng ngày, Thủ tướng thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Khanh (thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành).
Mẹ Lê Thị Khanh sinh năm 1934, có chồng là liệt sĩ Bùi Văn Thanh và con trai là liệt sĩ Bùi Văn Luận. Bản thân mẹ tham gia kháng chiến, được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì. Thủ tướng chúc mẹ luôn mạnh khỏe, trường thọ để động viên con cháu phát huy truyền thống cách mạng, góp phần tích cực xây dựng quê hương, đất nước giàu mạnh.
Thủ tướng khẳng định Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn ghi nhớ những đóng góp, sự hy sinh của các gia đình vì độc lập, tự do của Tổ quốc; nỗ lực chăm lo cho các gia đình chính sách có cuộc sống ít nhất là bằng, phấn đấu tốt hơn so với người dân trong khu dân cư.
Mẹ Lê Thị Khanh bày tỏ xúc động khi được Đảng, Nhà nước và cá nhân Thủ tướng quan tâm động viên và mong muốn tiếp tục được chứng kiến quê hương, đất nước đang đổi thay từng ngày./.