“Lào cần thì Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ”
VOV.VN - Sự hợp tác giữa 2 nước là hiếm có trên thế giới. Chúng ta đã trải qua những khó khăn, trong đó, khi Lào cần thì Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Những ngày này, trên khắp đất nước Lào đang diễn ra những hoạt động sôi nổi kỷ niệm 40 năm Quốc khánh nước Cộng hòa dân Chủ nhân dân Lào (2/12/1975-2/12/2015).
Trong suốt 40 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân cách mạng Lào, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào đã giành được những thành tựu to lớn.
Nhân dịp này, Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengxavat về những thành tựu to lớn mà Lào đã đạt được cũng như mối quan hệ giữa Việt Nam và Lào trong suốt những năm qua.
PV: Xin Phó Thủ tướng điểm lại dấu mốc các giai đoạn phát triển của Lào từ khi thành lập đến nay?
Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengxavat: Từ ngày thành lập nước CHDCND Lào, dưới sự lãnh đạo của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, đất nước chúng tôi đã tiến lên, giành được nhiều thành tựu ở mọi mặt.
Phó Thủ tướng Lào trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam. |
Đầu tiên, trong 3 năm đầu, chúng tôi đã tập trung vào công tác hàn gắn vết thương chiến tranh.
Đây là công việc hết sức khó khăn vì khu giải phóng của chúng tôi, từ Bắc chí Nam chiếm tới 2/3 của diện tích cả nước, đã bị phá hoại nặng nề từ chiến tranh xâm lược của Đế quốc Mỹ, nhà cửa, cơ sở hạ tầng bị phá hủy nên phải xây dựng lại tất cả từ số không.
Trong thời gian 40 năm qua, Lào đã trải qua hai giai đoạn, giai đoạn thứ nhất là giai đoạn hàn gắn vết thương chiến tranh và chuẩn bị cơ sở để tiến tới sự phát triển thật sự và giai đoạn hai từ năm 1986, chúng tôi đã tiến hành đổi mới toàn diện.
PV: Xin Phó Thủ tướng cho biết thành tựu nổi bật mà Lào đã giành được trong 40 năm qua?
Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengxavat: Về chính trị nhân dân các bộ tộc Lào đã đoàn kết chặt chẽ đi theo đường hướng chỉ đạo của Đảng. Lào hiện là một nước trên thế giới có nền chính trị ổn định.
Về kinh tế cũng đã có những bước phát triển vượt bậc. Tôi ví dụ, về vấn đề năng lượng, trước giải phóng, chỉ có một số nhân dân trong thành thị được sử dụng điện nhưng hiện nay thì gần 90% số nhân dân đã có điện tiêu dùng kể cả vùng sâu vùng xa.
Về giao thông, hiện nay đường nhựa đã về tới tất cả các huyện và tỉnh thành trên cả nước. Đã có gần 8.000 bản có đường đến.
Về nông nghiệp, nhờ sử dụng kỹ thuật khoa học và công nghệ mới trong sản xuất đồng thời đã đầu tư phát triển hệ thống kênh mương,…
Trước đây, Lào sản xuất gạo không đủ ăn, phải mua từ nước ngoài, nay Lào đã sản xuất gạo dư ăn.
Trong năm 2015, chúng tôi đã sản xuất hơn 4 triệu tấn gạo, tính bình quân đầu người đạt trên 700kg.
Về giáo dục, trước đây 95% người dân Lào là bị mù chữ nhưng đến nay hệ thống giáo dục Lào đã phát triển toàn diện và mới đây chúng tôi mới làm lễ tổng kết hoàn thành việc phổ cập giáo dục cấp tiểu học toàn quốc.
Dự kiến, đến năm 2025 chúng tôi sẽ hoàn thành phổ cập giáo dục cấp trung học cơ sở trên phạm vi cả nước và tiến tới phổ cập giáo dục cấp trung học phổ thông.
Nói đến nền kinh tế chung, về GDP từ năm 1980 tính bình quân đầu người chỉ có 118 USD và đến năm 2015 GDP của chúng tôi đạt trên 1800 USD. Nền kinh tế cũng ổn định, cái đáng mừng nữa là chúng tôi đã hoàn thành cơ bản công tác xóa đói giảm nghèo cho nhân dân, hiện nay chỉ còn 7% số hộ nghèo trên phạm vi cả nước.
Một thành quả nữa là về công tác ngoại giao. Hiện nay, Lào đã có quan hệ ngoại giao với hơn 130 quốc gia. Cơ quan ngoại giao trước đây chỉ có 12 trụ sở nhưng bây giờ có 25 trụ sở, ngoài ra còn có các cơ quan đại diện của Lào tại Liên Hợp quốc, và có Đại sứ quán tại Ban Thư ký ASEAN và có 8 Lãnh sự quán Lào tại các nước trên thế giới.
PV: Thưa Phó Thủ tướng, trong sự phát triển của mỗi quốc gia, không thể thiếu sự đồng hành giúp đỡ của các nước anh em bạn bè, Phó Thủ tướng đánh giá như thế nào về sự đồng hành của Việt Nam đối với Lào cũng như mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam trong giai đoạn hiện nay?
Phó Thủ tướng Lào Somsavat Lengxavat: Mối quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào – Việt Nam đã được giữ vững trong suốt thời gian qua.
Có thể nói trong thời chiến tranh, sự hợp tác chiến đấu và tình đoàn kết đặc biệt quyết định thắng lợi của hai nước chúng ta và trong thời đại mới này tình đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước ngày càng chặt chẽ hơn là yếu tố quan trọng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước của chúng ta hiện nay.
Tôi thấy rằng Lào và Việt Nam là hai nước láng giềng, Lào có biên giới với 5 quốc gia trong đó biên giới giáp với Việt Nam là dài nhất hơn 2000km, trong lịch sử là hai nước láng giềng tốt của nhau, nhân dân đã đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau.
Từ khi có Đảng Cộng sản Đông Dương là nguồn gốc của hai Đảng chúng ta lãnh đạo, càng giúp cho truyền thống hữu nghị lâu dài phát triển lên chất lượng mới.
Nhân dân hai nước chúng ta đã cùng chiến đấu chống kẻ thù chung và đã giải phóng dân tộc ở cả hai nước và cùng nhau xây dựng đất nước.
Sau khi Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác được ký kết vào năm 1977, hai nước đã có sự hợp tác hết sức chặt chẽ.
Phân ban hợp tác Việt- Lào đến nay đã tiến hành 37 kỳ họp và sắp tới sẽ tiến hành kỳ họp thứ 38.
Chúng tôi thấy rằng 2 nước chúng ta đã cùng hợp tác giúp đỡ nhau trên tinh thần anh em.
Đây là sự hợp tác hiếm có trên thế giới, riêng tôi, với tư cách là Chủ tịch Ủy ban hợp tác, càng thấy rõ hơn 10 năm qua chúng ta đã cùng hợp tác trải qua những khó khăn gì. Trong đó, Lào cần thì Việt Nam luôn sẵn sàng giúp đỡ. Hiện nay sự hợp tác này gồm có 3 là cấp chính phủ, tỉnh và huyện.
Tôi nhận thấy sự hợp tác giúp đỡ nhau giữa Lào – Việt Nam là rất quan trọng, nhưng quan trọng nữa là về chính trị lãnh đạo hai nước đã thường xuyên thăm viếng trao đổi với nhau trên thần luôn tin tưởng lẫn nhau, đây là cơ sở cho việc hợp tác giữa hai nước.
Tôi cũng đã từng tham gia các hội nghị trao đổi của Đảng và Nhà nước và thấy rằng sự tin tưởng của hai nước ngày càng sâu rộng và chặt chẽ hơn và tin chắc rằng mối quan hệ truyền thống tốt đẹp này sẽ mãi mãi bền vững.
PV: Xin cảm ơn Phó Thủ tướng./.