Lấy ý kiến báo cáo kết quả giám sát chính sách giảm nghèo
VOV.VN -Công tác giảm nghèo của Việt Nam chưa bền vững là có quá nhiều chính sách nhưng việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện lại chậm.
Sáng 18/3, tại tỉnh Thái Nguyên, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức hội thảo chia sẻ kết quả báo cáo nghiên cứu về giảm nghèo bền vững gắn với giảm chênh lệch mức sống và lấy ý kiến vào Dự thảo đề cương báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách sách pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Dự thảo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 của Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho thấy, mặc dù không có nghị quyết riêng nhưng giai đoạn này có 10 Nghị quyết của Quốc hội có nội dung về chỉ tiêu giảm nghèo; hơn 20 Luật có nội dung trực tiếp và gián tiếp liên quan đến giảm nghèo được ban hành.
Những năm gần đây, Chính phủ vẫn ưu tiên dành nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm từ 22% (năm 2005) xuống còn 14,2% dân số (năm 2010 và chỉ còn khoảng 7,8% (năm 2013), bình quân giảm trên 2%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại 62 huyện nghèo thuộc Chương trình 30a cũng giảm từ 58,3% (năm 2010), xuống còn 38,9% (năm 2013), bình quân giảm trên 7%/năm.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng, nguyên nhân công tác giảm nghèo của Việt Nam chưa bền vững là có quá nhiều chính sách liên quan nhưng việc hướng dẫn, tổ chức thực hiện lại chậm; chưa khai thác, huy động được nguồn lực tại chỗ trong dân; tình trạng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước vẫn còn tồn tại ở một số địa phương và người nghèo. Mặt khác, cơ chế quản lý, giám sát việc bố trí, sử dụng nguồn vốn còn lỏng lẻo, chồng chéo… dẫn đến hiệu quả sử dụng nguồn lực cho giảm nghèo thấp. Cùng với đó là sự bất bình đẳng về cơ hội và thu nhập.
Bà Vũ Quỳnh Hoa, điều phối viên chương trình vận động chính sách và truyền thông của Oxfam tại Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, với chính sách giảm nghèo thì Việt Nam cần đặt trọng tâm vào thu hẹp khoảng cách liên quan tới chênh lệch, bất bình đẳng về cơ hội bởi vì đây là một trong những ưu tiên, một trong những hướng có thể giúp để thu hẹp, không làm gia tăng khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền của Việt Nam.
Cùng với việc trực tiếp giám sát tại cơ sở, Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tiếp tục lấy ý kiến của các bộ ngành, địa phương… để hoàn thiện Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005-2012.
Ông Đỗ Mạnh Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát cho biết, cho đến nay, Ủy ban đã nhận được báo cáo kết quả giám sát của 41 tỉnh, thành phố và hiện nay còn 7 tỉnh chưa có báo cáo giám sát thì chúng tôi đang tiếp tục đon đốc. Theo dự kiến, Đoàn giám sẽ trình và báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp vào đầu tháng 5. Sau đó, Đoàn giám sát tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh để hoàn thiện thành báo cáo chính thức để trình với Quốc hội tại kỳ họp thứ 7./.