Luật Đất đai sẽ có chính sách mới gì hỗ trợ người trồng lúa?
VOV.VN - Nghị định về đất trồng lúa phải có cơ chế, chính sách để các địa phương là vùng trọng điểm về lúa, gạo có thể thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Người nông dân được hỗ trợ tập trung, tạo điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, hướng đến sản xuất lớn, bảo đảm thu nhập, đời sống ổn định.
Sáng 1/7, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp trực tuyến với các địa phương về hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết về đất trồng lúa, hướng dẫn Điều 182 Luật Đất đại và Luật Trồng trọt (dự thảo Nghị định).
Phó Thủ tướng cho rằng, các địa phương được xác định là vùng trọng điểm về lúa, gạo còn khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội; kinh tế nông nghiệp còn phụ thuộc vào thời tiết, khí hậu, thị trường; và chưa thực sự đem lại hiệu quả, lợi ích nhanh như những ngành, lĩnh vực khác. Vì vậy, Luật Đất đai và Nghị định về đất trồng lúa phải có cơ chế, chính sách để các địa phương là vùng trọng điểm về lúa, gạo có thể thực hiện được nhiệm vụ chính trị, vừa phát triển kinh tế-xã hội.
Người nông dân được hỗ trợ tập trung, tạo điều kiện áp dụng khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, hướng đến sản xuất lớn, bảo đảm thu nhập, đời sống ổn định.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “bám sát luật và thực tiễn để thể chế hoá đưa các chính sách về đất lúa trong Luật Đất đai đi vào cuộc sống, triển khai đồng bộ, thống nhất trên cả nước từ 1/8/2024”.
Trên cơ sở chỉ tiêu đất trồng lúa được phân bổ cho địa phương, các ý kiến tại cuộc họp cho rằng Bộ NN&PTNT phải đưa ra tiêu chí cụ thể, mang tính định lượng như quy mô, điều kiện thổ nhưỡng, hạ tầng… ở từng vùng, miền để xác định phạm vi vùng đất lúa cần bảo vệ, hạn chế chuyển đổi; vùng đất lúa có thể chuyển đổi nhưng vẫn giữ điều kiện để trồng lúa trở lại.
Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa đề nghị, Bộ NN&PTNT làm rõ thế nào là năng suất, chất lượng cao; thế nào là ít có nguy cơ nhiễm mặn, nhiễm phèn; coi đất xây dựng công trình phục vụ sản xuất nông nghiệp, đất chuyển sang trồng cây lâu năm là đất nông nghiệp chứ không phải là đất lúa.
Về chính sách bảo vệ và phát triển đất lúa, nhất là vùng đất lúa có năng suất, chất lượng cao, lãnh đạo UBND các tỉnh Long An, Vĩnh Long cho biết địa phương luôn cần hỗ trợ về hạ tầng thuỷ lợi, giao thông, khoa học công nghệ, bảo quản sau thu hoạch, vật tư nông nghiệp… có trọng tâm, trọng điểm cho từng vùng thay vì cào bằng; xác định rõ nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ đầu tư; tỷ lệ diện tích chuyển đổi đất trồng lúa sang nuôi trồng thuỷ sản kết hợp trồng lúa so với…
Từ thực tế địa phương, lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá, Thái Bình, đại diện Ủy ban Trung ương Mặt tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần quy định rõ, chặt chẽ hoạt động quản lý các loại công trình xây dựng phục vụ trực tiếp hoạt động sản xuất nông nghiệp, tránh tình trạng lợi dụng để kinh doanh dịch vụ, làm nơi ở; nghiên cứu phương án dùng chung, không để “thửa ruộng nào cũng có công trình”…
Ông Nguyễn Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đề nghị, nêu rõ “địa chỉ” nhận nguồn vốn hỗ trợ cho vùng đất lúa bảo vệ nghiêm ngặt, hạn chế chuyển đổi là dành cho địa phương hay tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trồng lúa; định hướng bảo vệ, cải tạo vùng đất lúa ven biển có nguy cơ nhiễm mặn, nhiễm phèn.
Góp ý cho dự thảo Nghị định, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng đề nghị, phải phân định rõ vùng đất lúa, vùng chuyên canh lúa và vùng đất lúa có năng suất, chất lượng cao để có chính sách tương ứng, tránh trùng lặp, chồng chéo.
Trước các ý kiến góp ý, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu Bộ NN&PTNT thống kê khung chính sách hỗ trợ phát triển cho vùng đất trồng lúa nói chung, vùng chuyên canh lúa, vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao, với các lớp chính sách, cơ chế: Đầu tư công, chi thường xuyên, xã hội hoá...
Theo Phó Thủ tướng, bên cạnh những chính sách đã có và phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Nghị định cần đưa vào các quy định, cơ chế mới, giúp tổ chức, doanh nghiệp, người trồng lúa ứng phó với rủi ro về biến đổi khí hậu, hỗ trợ phân bón, vật tư nông nghiệp, thiết bị nông nghiệp; tiếp cận thị trường… Mục tiêu là bảo đảm thu nhập ổn định và nâng cao đời sống cho người trồng lúa trong mọi tình huống .
Các chính sách hỗ trợ hạ tầng, khoa học công nghệ, thương mại, dịch vụ, xây dựng công trình phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp theo hướng đa mục tiêu… cần ưu tiên cho các vùng sản xuất quy mô lớn đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, mô hình liên kết giữa các hộ dân theo hướng.
Bộ NN&PTNT rà soát phạm vi điều chỉnh Nghị định sát với yêu cầu của Luật Đất đai, bảo đảm đồng bộ, thống nhất các thuật ngữ, khái niệm với các văn bản, pháp luật có liên quan; chỉnh sửa, bổ sung tiêu chí khoa học mang tính định lượng làm căn cứ cho địa phương xác định vùng đất trồng lúa có năng suất, chất lượng cao trong trong tổng chỉ tiêu đất trồng lúa, đất chuyên canh lúa đã được phân bổ.
Ngoài ra, Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ TN&MT để xác định những vùng trồng lúa lớn như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, Duyên hải miề vàn Trung, sau đó khoanh vùng những khu vực đất lúa có năng suất, chất lượng cao phù hợp với đặc thù từng vùng, miền. Từ đó đưa ra các quy định, chính sách quản lý phù hợp với thực tế.
Bộ NN&PTNT cũng cần làm rõ trình tự, thủ tục, cơ sở khoa học để chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng, vật nuôi trên đất lúa đối với cây lâu năm, nuôi trồng thuỷ sản…
Dự thảo nghị định gồm 4 chương, 18 điều quy định quản lý, sử dụng đất trồng lúa; chính sách hỗ trợ bảo vệ và phát triển đất trồng lúa.
Sau cuộc họp ngày 18/6/2024, do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, Bộ NN&PTNT đã tiếp thu, bổ sung quy định về tiêu chí xác định vùng trồng lúa có năng suất, chất lượng cao cần được bảo vệ và hạn chế chuyển đổi.
Dự thảo Nghị định đảm bảo bám sát tình hình thực tiễn, có cơ sở khoa học vững chắc và tính khả thi cao; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương đi đối với bố trí nguồn lực thực thiện và có công cụ kiểm tra, giám sát, hướng tới đưa Luật Đất đai hiệu lực và triển khai theo mốc thời gian sớm hơn từ 1/8/2024.