Luật Thủ đô (sửa đổi) góp phần giúp Hà Nội phát triển văn minh hiện đại
VOV.VN - Sáng 28/6, với đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương và 54 điều. Bên hành lang kỳ họp, nhiều đại biểu cho rằng, đây sẽ là hành lang pháp lý để Hà Nội thu hút các nhà khoa học, người tài và thu hút các nhà đầu tư, góp sức xây dựng phát triển Thủ đô theo hướng văn minh, hiện đại.
Nhiều đại biểu cho rằng, Luật Thủ đô (sửa đổi) được thông qua là cơ sở để thực hiện mục tiêu cả nước vì Hà Nội và Hà Nội vì cả nước. Một trong những vấn đề cốt lõi trong Luật này là pháp lý hoá các cơ chế chính sách để phát triển Thủ đô thực sự trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của cả nước, phát huy được truyền thống hơn 1000 năm văn hiến, tiến tới hiện đại văn minh.
Theo đại biểu Trương Xuân Cừ và đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, đều ở Đoàn Hà Nội, Luật Thủ đô (sửa đổi) còn là căn cứ để có thể ban hành những cơ chế đặc thù cho Hà Nội.
“Luật Thủ đô sẽ luật pháp hoá về phân cấp, phân quyền cho các cấp hành chính của các địa phương, từ thành phố đến các quận, phường để có cơ chế, sự uỷ quyền phân cấp để phát huy được tiềm năng, lợi thế, cũng như là cơ chế chính sách đặc biệt”.
“Luật Thủ đô sửa đổi được thông qua sẽ có giá trị pháp lý đặc biệt quan trọng cùng với hai quy hoạch của Thủ đô đã xin ý kiến Quốc hội và sẽ trình Thủ tướng phê duyệt trong thời gian tới sẽ tạo được một khuôn khổ giá trị cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý cho Hà Nội triển khai thực hiện các nhiệm vụ, những chính sách và những đột phá mới, tư duy, tầm nhìn mới để đáp ứng được yêu cầu trọng trách mà Đảng, Nhà nước cũng như nhân dân cả nước tin tưởng, giao phó để xây dựng Thủ đô Hà Nội văn hiến, văn minh, hiện đại theo đúng Kết luận Nghị quyết 15 của Bộ Chính trị về định hướng phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng phát triển Thủ đô, đội ngũ trí thức, nhà khoa học đóng vai trò quan trọng, thậm chí có phần quyết định để nâng tầm Hà Nội, đại biểu Phan Xuân Dũng, đoàn Ninh Thuận cho biết, trong Luật Thủ đô (sửa đổi) đã có cơ chế để thu hút nhân tài.
“Luật Thủ đô vừa thông qua có một điều rất quan trọng là có nhiều nội dung về khoa học công nghệ, đặc biệt là nội dung về cơ chế ưu đãi để các tổ chức khoa học công nghệ có điều kiện phát triển. Trong đó, quan trọng nhất là đội ngũ trí thức trên địa bàn Thủ đô có điều kiện cống hiến nhiều nhất cho Thủ đô và cho đất nước”, ông Phan Xuân Dũng cho biết.
Mong muốn Thủ đô thực hiện được vai trò dẫn dắt và trở thành hệ điều tiết cho sự phát triển đất nước, đại biểu Bùi Hoài Sơn, Đoàn Hà Nội đánh giá cao Luật Thủ đô lần này đã có những quy định cụ thể thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hoá.
“Hà Nội luôn luôn tự hào là Thủ đô ngàn năm văn hiến, nơi hội tụ tỏa sáng những giá trị văn hóa của đất nước. Chính vì thế những điều khoản tạo điều kiện cho sự phát triển văn hóa Thủ đô cũng là tạo điều kiện cho sự tỏa sáng của văn hóa đất nước. Trong Luật Thủ đô lần này, chúng ta đã có rất nhiều quy định liên quan đến văn hóa, không chỉ là tại Điều 21, có riêng một điều liên quan đến văn hóa mà trong các điều khoản khác cũng có những quy định về các khu công nghiệp văn hóa, không gian sáng tạo. Luật cũng tháo gỡ vấn đề vướng mắc trong PPP hay Luật quản lý, sử dụng tài sản công để từ đó tạo ra những thuận lợi để cho các lĩnh vực văn hóa của có được những bước phát triển mới”, ông Bùi Hoài Sơn phân tích.
Nhiều ý kiến cũng đánh giá cao Điều 33 Luật Thủ đô sửa đổi cho phép trong trường hợp thật cần thiết để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp được áp dụng biện pháp yêu cầu ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước đối với công trình xây dựng sai quy hoạch, công trình không có giấy phép xây dựng, cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy…