Luật tố cáo (sửa đổi): Tranh cãi nảy lửa về tố cáo nặc danh
VOV.VN - Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng): Việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp tố cáo nặc danh cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù.
Chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ dự án Luật tố cáo (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị Luật cần quy định rõ với những đơn tố cáo nặc danh nhưng có chứng cứ, nội dung rõ ràng thì cơ quan liên quan phải có trách nhiệm xác minh, xử lý, tránh bỏ lọt hành vi vi phạm pháp luật. Đồng thời cho rằng, quy định như vậy là phù hợp trong điều kiện hiện nay khi cơ chế bảo vệ người tố cáo chưa có hiệu quả và vì nhiều lý do, người tố cáo không dám đứng tên tố cáo.
Dẫn chứng số liệu của Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2012-2016, cơ quan nhà nước mới chỉ giải quyết được 87,4% tổng số đơn tố cáo có danh, trong đó gần 60% là tố cáo sai, nhiều đại biểu cho rằng: Việc sửa đổi toàn diện Luật tố cáo là rất cần thiết để nâng cao hiệu quả công tác giải quyết tố cáo và đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng: việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp tố cáo nặc danh cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù. |
Qua thảo luận, đa số ý kiến tán thành không quy định việc giải quyết đơn tố cáo nặc danh trong dự thảo Luật này. Tuy nhiên, có đại biểu đặt vấn đề: Tại sao người dân phải tố cáo nặc danh? Vì thực tế, hiện nay, các quy định của pháp luật bảo vệ người tố cáo chưa đầy đủ nên nhiều trường hợp người tố cáo ngại lộ danh tính vì sợ bị trả thù. Do vậy, đề nghị, trong nhiều trường hợp tuy là tố cáo nặc danh nhưng có kèm bằng chứng rõ ràng, sự việc rõ ràng thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần xác minh, xem xét, xử lý để tránh bỏ lọt tội phạm.
Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đoàn Đà Nẵng) cho rằng: việc tiếp nhận và xử lý đối với các trường hợp tố cáo nặc danh cũng cần có quy định cụ thể, đặc thù: "Căn cứ vào đâu để chúng ta làm cơ sở pháp lý để tiếp tục giải quyết những vấn đề phát sinh đối với nội dung tố cáo nặc danh đó thì tôi đề nghị phần này nên dẫn chiếu theo Luật thanh tra. Vì nếu chúng ta xác định tố cáo đó là có căn cứ, có cơ sở mặc dù đó là nặc danh thì thông qua quy trình Hội đồng thanh tra, chúng ta sẽ có đủ điều kiện để có một căn cứ pháp lý để tiếp tục giải quyết những nảy sinh sau đó".
Liên quan đến quy định về các hình thức tố cáo, đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh) tán thành với quan điểm của Chính phủ thể hiện trong dự án Luật, chỉ nên quy định hai hình thức tố cáo là bằng đơn và trực tiếp, đồng thời đề nghị bổ sung thêm các hình thức tố cáo khác cho phù hợp với thực tế hiện nay.
Đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) . |
“Tôi cũng thống nhất bổ sung thêm các hình thức tố cáo qua bản fax, email, điện thoại, qua mạng thông tin điện tử vì đây là hình thức thông tin tiện lợi, phổ biến hiện nay và phù hợp với một số văn bản luật hiện hành. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần có hướng dẫn quy định chặt chẽ để tránh tình trạng lợi dụng tố cáo tràn lan, sai sự thật, ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người bị tố cáo, gây khó khăn cho cơ quan nhà nước…”, đại biểu Thạch Phước Bình nói.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng, ĐB Dương Ngọc Hải (Đoàn TP. Hồ Chí Minh), ĐB Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đề xuất cần mở rộng hình thức tố cáo qua email, fax.. “Chúng ta không sợ vấn đề này vì có bước thẩm tra”, các đại biểu nêu ý kiến.
Không đồng tình quan điểm trên, đại biểu Trần Văn Mão (Đoàn Nghệ An) lại có quan điểm khác khi cho rằng chỉ riêng việc tiếp nhận thông tin qua các hình thức tố cáo bằng fax, e-mail, điện thoại đã rất phức tạp, chưa nói đến thụ lý, giải quyết.
Đại biểu Thạch Phước Bình (Đoàn Trà Vinh). |
“Chỉ hai hình thức là đơn và trực tiếp mà chúng ta còn đang rất khó khăn trong việc xác định người tố cáo ở đâu, địa chỉ là gì, chứng cứ ở chỗ nào. Người ta trực tiếp đến nói và sau đó ghi lại bằng văn bản mà còn đang rất phức tạp để thụ lý, giải quyết. Huống gì thông qua điện thoại, fax, email mà bây giờ cả thế giới như thế này, rõ ràng xử lý cái này sẽ rất phức tạp”, đại biểu Mão phân tích.
Theo đạo biểu Mão, “trong điều kiện hiện nay và kể cả tương lai, không thể chấp nhận hình thức tiếp nhận và giải quyết tố cáo thông qua fax, điện tử, email. Tôi thấy rằng khả năng thực tiễn để thực hiện cái này là vô cùng khó khăn, phức tạp”.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP. Hồ Chí Minh) cho rằng, đơn thư nặc danh không có giá trị đầy đủ, còn nếu xem xét phải tùy vào nội dung đơn, như vậy để tránh được những tình trạng lộn xộn, mất thời gian.
Về nội dung tố cáo nặc danh, một số đại biểu đề nghị thống nhất phương án không nên quy định vào luật, vì tố cáo là quyền và nghĩa vụ của công dân, trên thực tế có nhiều trường hợp tố cáo nặc danh gây mất nhiều thơi gian. Còn đối với những tố cáo nặc danh nhưng có kèm theo chứng từ thì vẫn phải giải quyết, để xem có hành vi hay không. Ngược lại những người tố cáo nặc danh, không khéo dễ bị lợi dụng. Cho nên không quy định tố cáo nặc danh, nhưng vẫn xem xét tố cáo đó và coi đó là một nguồn tin.
Cùng với kế thừa các quy định về bảo vệ người tố cáo trong Luật hiện hành, dự thảo Luật sửa đổi cũng dành một chương quy định về bảo vệ người tố cáo. Tuy nhiên, theo một số đại biểu, đây là nội dung rất quan trọng nhưng dự thảo Luật vẫn còn chung chung, chưa xác định rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm chính trong việc bảo vệ người tố cáo; chưa làm rõ cơ chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác này; chưa đánh giá tác động của quy định này về phương thức, biện pháp bảo vệ, về nguồn nhân lực, kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất phục vụ cho việc bảo vệ người tố cáo.
Cùng chiều 30/5, Quốc hội thảo luận tại tổ về Dự án luật quản lý nợ công (sửa đổi)./.