Lực lượng dân quân tự vệ nòng cốt: cần trẻ hoá và chất lượng

Theo ý kiến một số đại biểu Quốc hội, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt là 4 năm đủ để bảo đảm chất lượng xây dựng, huấn luyện, hoạt động của lực lượng này.

Chiều nay (8/6), Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự án Luật Dân quân tự vệ. Luật này quy định về nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ, tổ chức, nhiệm vụ, hoạt động của Dân quân tự vệ chế độ, chính sách đối với Dân quân tự vệ và trách nhiệm quản lý nhà nước về Dân quân tự vệ.

Các đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này như: thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nòng cốt, tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp, sử dụng công cụ hỗ trợ, vũ khí; chế độ, chính sách đối với dân quân tự vệ…

Nghĩa vụ 3 hay 4 năm?

Khoản 1 Điều 9 của dự thảo Luật quy định “Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ nòng cốt là 4 năm”. Theo quy định của Pháp lệnh dân quân tự vệ hiện hành, thời hạn phục vụ của dân quân tự vệ nòng cốt là 5 năm, dự thảo Luật quy định 4 năm (giảm 1 năm).

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cho rằng nên để ở mức 3 năm là hợp lý. Bởi so sánh với thời gian nghĩa vụ quân sự là 18 tháng, nghĩa vụ công an là 36 tháng thì nên để nghĩa vụ dân quân tự vệ là 36 tháng là tương ứng hơn cả. Một lý do nữa được đại biểu đưa ra là xu hướng trẻ hoá lực lượng dân quân tự vệ, nếu để thời gian nghĩa vụ 4 năm sẽ quá dài.

Tuy nhiên, một số đại biểu khác cho rằng, với thời hạn 4 năm là bảo đảm đủ thời gian huấn luyện, học tập và hiệu quả hoạt động, đồng thời tạo nguồn lực để vũ trang toàn dân, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong thời bình và thời chiến. Nếu thời hạn tham gia nghĩa vụ dân quân tự vệ là 2 đến 3 năm tuy tạo được nguồn nhân lực nhiều hơn, giải quyết được công bằng xã hội, song thời hạn đó chưa đủ để bảo đảm chất lượng xây dựng, huấn luyện, hoạt động của dân quân tự vệ.

Với các doanh nghiệp FDI

Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng), việc qui định 3 loại hình doanh nghiệp tổ chức lực lượng dân quân tự vệ như dự thảo luật là chưa đầy đủ và chưa thu hút được doanh nghiệp tham gia, tạo sự không bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Bởi trong nền kinh tế thị trường có rất nhiều loại hình doanh nghiệp.

Các quy định hiện hành về tổ chức lực lượng tự vệ trong doanh nghiệp còn thiếu cụ thể, tính pháp lý không cao, chưa đồng bộ với các luật liên quan, do đó, số lượng doanh nghiệp đã tổ chức tự vệ so với tổng số các loại doanh nghiệp còn hạn chế, nhiều nơi tự vệ hoạt động còn mang tính hình thức, nhiều doanh nghiệp có tổ chức Đảng nhưng chưa tổ chức được lực lượng tự vệ.

Đại biểu Trần Bá Thiều (đoàn Hải Phòng) cho rằng, phải có qui định thống nhât về việc tổ chức lực lượng tự vệ trong các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ví dụ, qui mô bao nhiêu công nhân thì phải có lực lượng tự vệ, kinh phí để lực lượng tự vệ hoạt động như thế nào…). Hiện nay, các doanh nghiệp này chỉ quan tâm đến kinh tế còn các nghĩa vụ khác chưa được quan tâm đúng mức. Đại biểu đưa ra ví dụ: việc thành lập tổ chức công đoàn trong các doanh nghiệp này là rất bức thiết thế nhưng nhiều nơi mãi vẫn không thành lập được công đoàn. "Luật cần qui định rõ ràng trách nhiệm, nhiệm vụ của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Khi các doanh nghiệp này đầu tư, kinh doanh ở Việt Nam thì phải tuân thủ pháp luật Việt Nam" - đại biểu Trần Bá Thiều nói.

Kinh phí từ nguồn nào?

Kinh phí cho lực lượng tự vệ cũng là vấn đề được các đại biểu quan tâm. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh, thì tại các doanh nghiệp quốc doanh, Nhà nước có thể hỗ trợ bằng cách khấu trừ thuế, với những doanh nghiệp đã được khấu trừ thuế thì có thể trừ vào khoản chi phí của doanh nghiệp.

Về kinh phí cho lực lượng dân quân tự vệ địa phương, theo đại biểu Hồ Quốc Dũng (đoàn Bình Định) thì qui định như dự thảo luật là "chưa ổn" và không thể dựa trên tinh thần tự nguyện. Theo đại biểu, nhiệm vụ của quĩ này là bảo vệ Tổ quốc và an ninh địa phương vì thế đóng góp cho quĩ này là nghĩa vụ của mỗi công dân.

Thế nhưng, đại biểu Trần Bá Thiều dẫn chứng, theo qui định của Chính phủ thì không được phép thu bất cứ loại quỹ gì ở địa phương. Nếu thu như vậy thì lại vi phạm.

Theo các đại biểu, nên qui định quỹ hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ được trích ra từ ngân sách địa phương. Để tránh tình trạng, địa phương nào mạnh thì dân quân tự vệ hoạt động tốt và ngược lại thì phải qui định mức cụ thể.

Khi nào được nổ súng?

Nhiều ý kiến đề nghị tại khoản 2 Điều 44 chỉ quy định chung về quyền nổ súng của dân quân tự vệ, còn nội dung cụ thể thì do pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ quy định; ý kiến khác cho rằng cần quy định cụ thể để tránh lạm dụng. "Luật không thể qui định chung chung mà phải cụ thể, chặt chẽ hơn. Ví dụ như khi nổ súng phải có tập thể chứng kiến, chỉ huy ra lệnh… và cần đặt ra những tình huống cụ thể".

Theo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội khoá XII thì năm 2010, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ, trong đó dự kiến sẽ quy định cụ thể về vấn đề này. Do đó, Uỷ ban Quốc phòng và An ninh đề nghị trong Luật này chỉ quy định chung về quyền nổ súng của dân quân tự vệ.

Ngày mai (9/6), Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về Đề án cải cách tài chính ngành giáo dục giai đoạn 2009-2014./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên