Mặt trận Quảng Nam đổi mới tư duy và cách thức giám sát
VOV.VN - Nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận tỉnh Quảng Nam đã có nhiều cách làm hiệu quả trong hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đây cũng là lĩnh vực công tác mà Chương trình phối hợp hành động vào đầu nhiệm kỳ đã được Mặt trận tỉnh Quảng Nam xác định là một trong những nội dung trọng tâm cần tạo sự đột phá.
Năm 2021, UBND xã Cà Dy, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam được giao làm chủ đầu tư công trình Nghĩa trang nhân dân Pà Oong. Địa điểm được chọn là khu đất ven sông Đăk My. Khi công trình được xây dựng, Ban Công tác Mặt trận thôn Pà Oong phát hiện khu vực đang xây dựng có nền móng thấp, dễ ngập nước và sạt lở. Qua công tác giám sát, Ban Công tác Mặt trận thôn Pà Oong kiến nghị chủ đầu tư là UBND xã nâng nền để tránh ngập lụt và xây kè chống sạt lở.
Tiếp thu kiến nghị của Mặt trận, chủ đầu tư đã xin điều chỉnh hồ sơ dự án, đôn nền lên cao hơn, xây kè chống sạt lở kiên cố. Công trình hoàn thành đã qua mấy mùa mưa lũ vẫn cao ráo, an toàn.
Ông Zơ Râm Bức, Trưởng Ban Công tác Mặt trận thôn Pà Oong, xã Cà Dy, huyện Nam Giang cho biết, việc giám sát xây dựng, làm đường giao thông nông thôn cần người có chuyên môn sâu nhưng với những hiểu biết nhất định, cán bộ Mặt trận lại là người sát dân, sát cơ sở nên mạnh dạn nói lên tâm tư, nguyện vọng của bà con.
“Mình thường giám sát các công trình của cộng đồng. Ví dự công trình nước sạch, đường bê tông nông thôn và các công trình khác. Nếu mình thấy họ làm chưa đảm bảo theo yêu cầu thực tiễn trong công trình của cộng đồng, của thôn hưởng lợi thì mình có ý kiến lên cấp trên để có biện pháp hoặc có hướng để tiếp tục xây dựng”, ông Zơ Râm Bức cho biết thêm.
Hiện nay, trình độ cán bộ làm công tác Mặt trận ở huyện miền núi Nam Giang còn ít nhiều hạn chế. Vì thế, trong giám sát và phản biện xã hội, cán bộ Mặt trận đã chủ động chọn những việc cụ thể, phát sinh bức xúc, kiến nghị trong nhân dân, nhất là những vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của bà con; tăng cường phản biện các chủ trương, chính sách, công trình dự án có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân.
Bà Zơ Râm Thị Hai, Chủ tịch UBMTTQVN huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, Mặt trận huyện tập trung giám sát việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia là Chương trình xây dựng nông thôn mới, chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Hằng năm, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện cũng đã chủ động thực hiện quy chế hoạt động phối hợp với Thường trực HĐND, các tổ chức thành viên của mặt trận đoàn thể xây dựng kế hoạch giám sát 3 chương trình mục tiêu này. Bắt đầu thực hiện từ năm 2023 đến nay, Mặt trận huyện đã thực hiện được 12 cuộc giám sát, chủ yếu là Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Làm sao chương trình nông thôn mới này, người dân có đủ điều kiện để đời sống nhân dân được nâng lên”, bà Zơ Râm Thị Hai cho biết.
Điều đáng nói trong thời gian qua là nhiều cán bộ tham mưu có thời gian gắn bó khá lâu với hoạt động Mặt trận, có nhiệt huyết, tận tâm trong công việc đã chủ động lựa chọn đúng, trúng vấn đề nhân dân quan tâm để thực hiện công tác giám sát, phản biện.
Ông Lê Văn Hường, Bí thư Huyện ủy Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đánh giá cao vai trò giám sát, phản biện xã hội của các cấp Mặt trận ở địa phương mình: “Thực hiện theo Quyết định 217 của Bộ Chính trị về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội, Mặt trận huyện cũng đã cố gắng làm hết sức trong khả năng của mình. Nhất là đối với ở cơ sở cũng đã tham gia giám sát các công trình dự án trên địa bàn, tham gia góp. Trên huyện thì UBMTTQVN huyện chỉ đạo cố gắng làm sao bám những chủ trương, những dự án để xin ý kiến của thành viên Mặt trận của nhân dân khi cần thiết để tham gia đóng góp ý kiến”.
Từ năm 2019 đến tháng 6/2024, Ủy ban MTTQ các cấp tỉnh Quảng Nam tổ chức 2.451 cuộc giám sát và 1.084 hội nghị phản biện xã hội. Đó là con số rất lớn. So với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và Duyên hải miền Trung, Quảng Nam được đánh giá là đơn vị dẫn đầu về số lượng các cuộc giám sát của MTTQ các cấp. Nhiều Hội nghị phản biện, cuộc giám sát đã đem lại hiệu quả rõ rệt.
Mới đây, Mặt trận tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội nghị phản biện dự thảo đề án “Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn tỉnh”. Các ý kiến phản biện cho rằng, nguồn kinh phí triển khai thực hiện đề án là 90 tỷ đồng nhưng trong dự thảo đề án chưa đề cập đến khoản kinh phí Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ người dân khi thực hiện việc điều chỉnh thông tin hồ sơ bị thay đổi do sắp xếp. Do đó, Mặt trận tỉnh kiến nghị bố trí kinh phí hỗ trợ (miễn phí) cho người dân khi điều chỉnh thông tin giấy tờ. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã yêu cầu Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng đề án theo hướng Nhà nước phải lo kinh phí hỗ trợ cho dân điều chỉnh các giấy tờ liên quan sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Ông Lê Thái Bình, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết, Mặt trận tỉnh Quảng Nam chú trọng giám sát 3 chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai thực hiện, nhất là chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
“Qua giám sát, chúng tôi đã kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Ủy ban Dân tộc, UBND tỉnh Quảng Nam và các địa phương về những hạn chế khó khăn vướng mắc khi triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh cũng chỉ đạo các địa phương miền núi quan tâm giám sát tiến độ, kết quả triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là một trong những nội dung thi đua mà MTTQVN các địa phương chú trọng thực hiện”, ông Lê Thái Bình nói.
Tuy nhiên, để con số không mang tính hình thức trong các báo cáo hằng năm, Mặt trận tỉnh Quảng Nam đang theo dõi đến cùng những kiến nghị sau giám sát, phản biện xã hội. Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đề nghị, Mặt trận tỉnh cần tiếp tục đổi mới tư duy và cách thức giám sát, phản biện. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần phải tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội tham gia giám sát, phản biện xã hội; Nghiên cứu cơ chế đặt hàng đối với vấn đề phản biện; Quan tâm bố trí nguồn lực phục vụ công tác giám sát, phản biện ngày càng đạt hiệu quả cao hơn.