Minh bạch hóa hơn nữa thị trường nhà ở

VOV.VN - ĐBQH kiến nghị bổ sung các quy định nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở

Sáng 24/5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), nghe Báo cáo giải trình và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi). Các Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và Nguyễn Thị Kim Ngân điều khiển phiên họp. Sau khi nghe tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra Dự án Luật nhà ở (sửa đổi) do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày, nêu rõ: Về cơ bản, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết phải sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Nhà ở và các quan điểm xây dựng Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ là để khắc phục những tồn tại, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn của Luật hiện hành. Đồng thời để thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nơi ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, nhằm tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và Nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững.

Nhìn chung dự thảo Luật đã tập trung giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và người dân về trách nhiệm tạo lập nhà ở, theo đó, việc tạo lập nhà ở trước hết là trách nhiệm của người dân, còn trách nhiệm của Nhà nước là có chính sách phát triển nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước trong từng thời kỳ, tạo điều kiện cho mọi người có nơi ở, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển nhà ở. Đồng thời, cần nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện quy định về chính sách phát triển nhà ở xã hội, trong đó cần quy định cụ thể trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, nhất là các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản; rà soát, bổ sung các quy định nhằm khắc phục và hạn chế tình trạng đầu cơ, lũng đoạn thị trường nhà ở, minh bạch hóa thị trường nhà ở, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tạo lập nhà ở.

Tuy nhiên, Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) vẫn còn nặng về tập trung điều chỉnh lĩnh vực phát triển nhà ở theo dự án, các khu đô thị mới; còn nhà ở riêng lẻ, nhà ở hiện hữu tại các khu đô thị cũ, điểm dân cư nông thôn thì chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung quy định về quản lý, sử dụng nhà ở tại các khu dân cư hiện hữu ở đô thị, điểm dân cư nông thôn do người dân tự xây dựng...

Về nội dung góp ý vào dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi), đa số đại biểu đánh giá, dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua lần này đã được chỉnh sửa hoàn thiện với chất lượng cao hơn trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, cũng như tiếp thu ý kiến của các chuyên gia. Bên cạnh đó các đại biểu cũng góp ý vào một số nội dung còn ý kiến khác nhau.

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, tỉnh Hòa Bình và đại biểu Trần Minh Diệu, tỉnh Quảng Bình cho rằng dù dự thảo lần này đã bổ sung một số quy định về vật liệu xây dựng, nhưng còn rải rác, thiếu tính hệ thống, chưa tương xứng với tầm quan trọng của vật liệu xây dựng. Theo đại biểu, vật liệu xây dựng có ý nghĩa rất quan trọng tới chất lượng công trình nên cần quy định chặt chẽ hơn.

Đại biểu Trần Minh Diệu đề nghị: “Với các vấn đề cốt lõi của vật liệu liên quan đến các quy chuẩn của thiết kế, điều kiện của môi trường, chất lượng kết cấu, độ bền vững và hiệu quả của công trình xây dựng… không thể không quy định trong Luật Xây dựng. Tôi đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để thiết kế các quy định liên quan đến vật liệu xây dựng thành một chương riêng với hệ thống các điều khoản cụ thể, chặt chẽ thực sự là công cụ pháp lý cho công tác quản lý và giám sát quá trình triển khai các dự án xây dựng”.

Nhiều đại biểu đánh giá dự thảo đã quy định chi tiết chặt chẽ hơn về các quy chuẩn kỹ thuật xây dựng công trình. Tuy nhiên, đại biểu Trần Khắc Tâm, đoàn Sóc Trăng chỉ ra thực tế, thời gian qua một số công trình xây dựng chưa có những quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn áp dụng đảm bảo thuận lợi an toàn cho người khuyết tật, người cao tuổi và trẻ em nên đã xảy ra những sự việc đáng tiếc. Cụ thể như về chiều cao của lan can nhà ở chung cư. Do vậy Luật Xây dựng sửa đổi lần này cần lưu ý thiết kế chặt chẽ hơn để khắc phục tình trạng này. Bên cạnh đó đại biểu Trần Khắc Tâm cũng đề nghị dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi quy định rõ ràng hơn về mức phạt do vi phạm hợp đồng để đảm bảo thuận lợi trong áp dụng cũng như đảm bảo tính răn đe.

“Về thưởng, phạt hợp đồng xây dựng, bồi thường thiệt hại do vi phạm và giải quyết tranh chấp hợp đồng xây dựng ở điều 146, tôi đề nghị nên quy định mức sàn và mức trần tại khoản 1 trong phạt hợp đồng xây dựng để đảm bảo tính khả thi của luật, tránh trường hợp phạt mang tính hình thức vận dụng không thống nhất trong thực tiễn”, đại biểu Trần Khắc Tâm nêu ý kiến.

Các đại biểu bày tỏ nhất trí cao với việc dự thảo tăng cường công tác tiền kiểm của các cơ quan chuyên môn của nhà nước từ thiết kế cơ sở đến thiết kế kỹ thuật, từ dự toán tới nghiệm thu xây dựng của các công trình xây dựng sử dụng vốn của nhà nước. Quy định nhằm kịp thời điều chỉnh những sai sót, hạn chế trong quá trình thực hiện xây dựng công trình.

Để phát huy hiệu quả của công tác tiền kiểm, Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng, đoàn Thái Nguyên cho rằng: “Quy định trách nhiệm kiểm soát của các cơ quan chuyên môn của nhà nước ngay từ đầu và trong suốt quá trình thi công xây dựng sẽ tránh được việc đầu tư lãng phí, thất thoát không hiệu quả, đồng thời góp phần đảm bảo tiến độ, chất lượng và giá thành của công trình xây dựng. Để đầy đủ hơn ở nội dung này tôi đề nghị phải bổ sung một khoản quy định trách nhiệm của cơ quan và của cá nhân cán bộ công chức nhà nước thực hiện nhiệm vụ tiền kiểm và chế tài xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ này”.  

Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng góp ý, dự thảo luật cần bổ sung quy định về điều kiện năng lực của chủ đầu tư nhằm khắc phục tình trạng chủ đầu tư kém năng lực dẫn tới chậm tiến độ, lãng phí, công trình kém chất lượng…

Theo chương trình, chiều nay Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Đầu tư công./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên