MTTQ Việt Nam góp ý kiến vào dự thảo văn kiện Đại hội XIII
VOV.VN - Các ý kiến góp ý tập trung nhiều vào việc nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế, vai trò của cá nhân đối với sự phát triển của đất nước…
Ngày 26/10, UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các tổ chức thành viên vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch UBTƯ MTTQ Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc tham gia ý kiến đóng góp vào văn kiện chính là tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của toàn dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045.
Theo ông Trần Thanh Mẫn, văn kiện lần này có nhiều điểm mới, đó là đòi hỏi khách quan, kế thừa từ các nhiệm kỳ trước, cũng như từ những kinh nghiệm thành công của các nước. Nếu trước đây ta mới chỉ ghi “xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh”, thì lần này, dự thảo đề xuất “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh”.
Góp ý vào các dự thảo văn kiện GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Hội khuyến học Việt Nam, nhấn mạnh cần lưu ý nhiều hơn đến nhân tố con người, coi đó là trung tâm của sự phát triển: “Trong phát triển kinh tế - xã hội vẫn vắng bóng con người. Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào”.
Cũng theo GS Phạm Tất Dong, thời đại kinh tế số, chính phủ số, xã hội số… đang đặt ra yêu cầu làm thế nào để mọi công dân có thể sử dụng và làm chủ các công nghệ số: “Có những bà bán nước nuôi 5 con ăn học, còn mày mò dạy cho trẻ em sửa được máy tính. Rất nhiều gia đình nông dân đã sắm được ô tô, xe máy, xây lại nhà khang trang nhờ sử dụng tốt các phương tiện số”.
Trong khi đó, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho rằng, phần đánh giá của dự thảo văn kiện mới chỉ đánh giá kết quả thực hiện bình đẳng giới và công tác trẻ em, không đề cập đến công tác cán bộ nữ hoặc phụ nữ tham gia lãnh đạo, mặc dù nhiệm kỳ này đã có những bước tiến đáng kể về vấn đề phụ nữ tham chính.
“Cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ trong phần IV về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”, bà Bùi Thị Hòa góp ý.
Liên quan đến vấn đề đối ngoại và hợp tác quốc tế, Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Nguyễn Phương Nga cho rằng, phần dự báo tình hình thế giới và đất nước trong những năm tới nên phân tích sâu thêm những thuận lợi và cơ hội của bối cảnh tình hình thế giới, khu vực và trong nước, như các nước chú trọng hơn tới việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và các Mục tiêu phát triển bền vững; những thành tựu của quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam, từng bước khẳng định được hình ảnh, vị thế của một quốc gia tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu tham dự đã cho ý kiến góp ý vào: Dự thảo Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII./.