MTTQ Việt Nam lấy ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
(VOV) - Nhiều ý kiến đánh giá cao Dự thảo sửa đổi Hiến pháp có nhiều điểm mới, thể hiện tính nhân văn, hiện đại.
Ngày 19/2, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQ) tổ chức Hội nghị lấy ý kiến các đại biểu trong ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam các thời kỳ, Ban Chủ nhiệm các Hội đồng tư vấn của UB Trung ương MTTQ Việt Nam vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Tại Hội nghị, các đại biểu đều đánh giá bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, đồng thời các đại biểu đã có những đóng góp quan trọng cho bản Dự thảo, trong đó một số ý kiến tập trung vào quyền con người, vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi Hiến pháp 1992 |
Theo đại biểu Phạm Xuân Hằng – Nguyên Phó Chủ tịch không chuyên trách UB Trung ương MTTQ Việt Nam, vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) được thể hiện tại Điều 9 trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 có vị trí rất quan trọng, là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân.
Song, trên thực tế việc thể chế hóa một số mặt hoạt động của mặt trận chưa sát với vị trí của MTTQ Việt Nam. Chẳng hạn, các hình thức giám sát được luật định là: Động viên nhân dân thực hiện quyền giám sát, tham gia giám sát cùng chính quyền, tổng hợp ý kiến cử tri. Như thế, những hoạt động ấy mới chỉ là những hiện tượng “ngoài cuộc”, chưa phải với tư cách chủ thể ủy thác quyền lực, chủ thể có vị trí “là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân” như Hiến pháp đã quy định.
Ông Phạm Xuân Hằng cho rằng phản biện xã hội là chủ trương lớn của Đảng được thông qua tại Đại hội X của Đảng: “Nhà nước ban hành và bổ sung pháp luật để MTTQ và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội” và được cương lĩnh hóa, chiến lược hóa tại Đại hội XI. Việc đưa phạm trù phản biện xã hội vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là đúng và cần thiết. Tuy vậy, trình bày như trong Dự thảo thì chưa thể hiện được ý nghĩa quan trọng của hoạt động này.
Do vậy, để xứng tầm với vị trí của MTTQ Việt Nam, vấn đề giám sát và phản biện xã hội cần phải được Hiến pháp quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, trong điều kiện hệ thống chính trị Việt Nam do một tổ chức chính trị duy nhất là Đảng ta lãnh đạo. Bên cạnh đó, ngoài “phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”, cần bổ sung thêm “đoàn kết quốc tế”. Việc tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân dân chỉ có thể có được trên nền thực hành dân chủ.
Thêm nữa, trong khoản 3 của Điều 9 chưa phản ánh đúng vị trí, vai trò của MTTQ, dễ tạo ra cơ chế xin - cho. Ông Phạm Xuân Hằng kiến nghị nên bổ sung vào khoản 3, Điều 9 như sau: “Nhà nước có trách nhiệm phối hợp, phải thống nhất các điều kiện để MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác hoạt động”.
Đồng quan điểm với ông Phạm Xuân Hằng, đại biểu Hoàng Thái – Nguyên Ủy viên Thường UB Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng trong khoản 1, Điều 9 nên lược bỏ cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên minh chính trị” nên thay bằng “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức liên hiệp rộng lớn của tổ chức đảng, các đoàn thể nhân dân, các cá nhân tiêu biểu, thực hiện xứ mệnh lịch sử đại đoàn kết mọi đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước, chung sức phấn đấu vì sự nghiệp độc lập của Tổ quốc, vì tự do hạnh phúc của nhân dân”.
Cũng theo ông Hoàng Thái, trong khoản 2, Điều 9 nên nói tập trung về mối quan hệ giữa Mặt trận và Nhà nước, khoản 3, Điều 9 nên nói tập trung về mối quan hệ giữa Mặt trận và nhân dân thay vì mối quan hệ chưa rõ ràng giữa nhân dân, Mặt trận, Nhà nước như trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp.
Ngoài vấn đề vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam được nhiều người quan tâm, một số đại biểu đã đóng góp các vấn đề liên quan về quyền con người. Đề cập đến vấn đề này, theo đại biểu Nguyễn Duy Quý - Ủy viên đoàn Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam, Điều 21 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp ghi “Mọi người có quyền sống”, viết như vậy là không rõ ý. Bởi theo ông Nguyễn Duy Quý: Phải hiểu thế nào là quyền sống? Có phải trong mọi trường hợp con người đều có quyền sống?
Do đó, ông Quý kiến nghị Hiến pháp cần bổ sung thêm: mọi người không chỉ có quyền sống mà còn có các quyền khác như quyền lao động, quyền mưu cầu hạnh phúc.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đóng góp vào Điều 26 về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, Điều 10 về tổ chức Công đoàn Việt Nam, Điều 120 về Hội đồng Hiến pháp…
Trong chiều nay, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tiếp tục chủ trì Hội nghị, lấy ý kiến của các thành viên tổ chức mình và tổng hợp ý kiến, xây dựng Báo cáo kết quả đóng góp ý kiến đến Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992./.