Nâng cao chất lượng hoạt động của Toà án, Viện Kiểm sát

Sáng 25/3, các đại biểu thảo luận tại tổ về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC

Các đại biểu nhất trí với báo cáo hoạt động cả nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) trên 3 phương diện: Giải quyết các vụ việc lớn về hình sự, dân sự, góp phần ổn định an ninh, chính trị, phát triển kinh tế-xã hội; Số lượng, chất lượng công chức đều được nâng lên; Cơ sở vật chất, điều kiện làm việc của ngành tư pháp cũng được cải thiện đáng kể. Đặc biệt là đã giảm đáng kể các vụ án oan sai, thực hiện đúng chức năng công tố.

Về chất lượng của việc kiểm sát công tác thi hành án; tình hình thực hiện cải cách tư pháp theo Nghị quyết 08 và Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, cũng như công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ của hai ngành Toà án và Viện Kiểm sát.

Đại biểu Ngô Văn Quyền (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng: “Trong nhiệm kỳ vừa qua, ngành Kiểm sát thực tốt chức năng, còn ngành Tòa án đã giảm thiểu số vụ án oan sai. Hai ngành đã làm rất tốt, nhất là chủ trương tăng thẩm quyền cấp huyện. Trong 5 năm, cả hai ngành tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng”.

Đánh giá về Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chánh án TANDTC nhiệm kỳ 2007- 2011, các đại biểu tán thành và cho rằng; toàn ngành triển khai nhiều biện pháp đồng bộ như nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, nâng cao trách nhiệm, trình độ chuyên môn cho các thẩm phán, tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc bức xúc kéo dài… Công tác giải quyết, xét xử các loại vụ án; giải quyết khiếu nại, tố cáo và đấu tranh phòng chống tham nhũng; xây dựng pháp luật; thi hành án hình sự, xét miễn giảm các khoản thu nộp ngân sách Nhà nước; thực hiện các nhiệm vụ cải cách tư pháp… toàn ngành đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Về những hạn chế của hai ngành trong nhiệm kỳ vừa qua, các đại biểu cho rằng, trước yêu cầu của tình hình mới thì hoạt động của Tòa án và Viện Kiểm sát đã bộc lộ một số bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu. Điều này thể hiện ở công tác xét xử chất lượng chưa cao, tỷ lệ án sơ thẩm, phúc thẩm bị tuyên bác và phải sửa ở các cấp rất cao.

Đại biểu Đặng Văn Khanh (đoàn Hà Nội) cho rằng, tình hình tội phạm hiện nay có chiều hướng diễn biến phức tạp, nhất là loại hình tội phạm công nghệ cao, tội phạm trên thị trường chứng khoán… Để điều tra, xét xử những vụ án này rất khó và mất nhiều thời gian. Bên cạnh đó, theo tinh thần cải cách tư pháp, nhiều vụ án bị cáo sử dụng luật sư ngay từ đầu, ngày càng nhiều Kiểm sát viên phải tranh tụng với luật sư tại phiên toà. Nếu không được nâng cao trình độ sẽ dễ bị luật sư “quay” tại toà.

Một thực trạng cũng được nhiều đại biểu nêu ra đó là tình trạng quá tải về số vụ cần giải quyết đối với các thẩm phán. Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (đoàn Đắk Lắk) cho biết, từ đầu năm đến nay, ngành Toà án của tỉnh đã phải thụ lý, xét xử 3.888 vụ, có thẩm phán một ngày phải xử tới 4 vụ, tính trung bình một năm, mỗi thẩm phán phải xét xử 210 vụ. Điều này thực sự quá tải đối với các thẩm phán. Việc phải xét xử số lượng vụ án lớn như vậy sẽ dẫn đến chất lượng xét xử không cao. Ngành Toà án cũng đang phải đối mặt với tình trạng “chảy máu nhân lực”, nhiều người xin ra khỏi ngành do không chịu được áp lực công việc, bên cạnh đó, số cử nhân luật ra trường cũng không mặn mà với việc thi tuyển vào ngành. Mặc dù trong năm qua, ngành Tòa án được Quốc hội đồng ý bổ sung số lượng Thẩm phán và thư ký, thẩm định viên, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra hiện nay.

Có ý kiến đại biểu cho rằng, đội ngũ cán bộ tư pháp phải chuyên nghiệp hơn, phẩm chất đạo đức cao hơn và ngành Tư pháp cần đưa ra những tiêu chí cụ thể trong việc đào tạo, xây dựng lực lượng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động trong thời gian tới. Đại biểu Phan Trung Lý (đoàn Nghệ An) cho rằng: Những vấn đề liên quan đến cải cách tư pháp, 2 ngành thực hiện rất nhiều, nhưng những mục tiêu chính còn lúng túng trong vấn đề thực hiện.

Thảo luận về việc thực hiện nhiệm vụ của Viện trưởng Viện KSNDTC, các đại biểu đánh giá cao nỗ lực phấn đấu và tạo được sự chuyển biến tích cực về chất lượng, hiệu quả trên tất các cả các mặt công tác. Công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp đã có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Chất lượng truy tố, tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa có chuyển biến tích cực. Tỷ lệ các vụ án trả hồ sơ điều tra bổ sung giữa các cơ quan tiến hành tố tụng giảm. Số trường hợp đình chỉ do không phạm tội và Tòa án tuyên bị cáo không phạm tội giảm hàng năm…

Bên cạnh việc phân tích hoạt động của ngành Toà án và Viện Kiểm sát, nhiều đại biểu cũng đề xuất Quốc hội cần sớm ban hành những văn bản luật nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành Toà án như Luật Đất đai. Đại biểu Nguyễn Lân Dũng (đoàn Đắk Lắk) cho rằng, phần lớn các vụ án tồn đọng hiện nay đều có liên quan đến việc khiếu kiện, tranh chấp về đất đai. Nếu Quốc hội không sớm có biện pháp tháo gỡ thì ngành Toà án và Viện Kiểm sát cũng sẽ bất lực với hàng núi đơn thư khiếu kiện về vấn đề này.

Chiều nay (25/3), các đại biểu làm việc tại Hội trường thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007-2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên