Thảo luận về nhiệm kỳ công tác Quốc hội khoá XII:

Nâng cao chất lượng hoạt động lập pháp và giám sát

Sáng 24/3, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ thảo luận về Báo cáo tổng kết hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XII (2007-2011).

Các đại biểu bày tỏ nhất trí với báo cáo hoạt động cả nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trình bày tại phiên khai mạc Kỳ họp thứ 9. Theo đó, mặc dù nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII hoạt động trong tình hình khu vực và quốc tế có những diễn biến phức tạp, nhất là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ và suy giảm kinh tế thế giới đã tác động bất lợi đến phát triển kinh tế- xã hội nước ta. Trong bối cảnh đó, Quốc hội khóa XII đã kế thừa, phát huy những thành quả, bài học kinh nghiệm của Quốc hội các khóa trước, nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, tiếp tục đổi mới toàn diện và mạnh mẽ cả về tổ chức và phương thức hoạt động.

Hoạt động lập pháp tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều tiến bộ cả về số lượng, chất lượng và quy trình, thủ tục; cơ bản đáp ứng được yêu cầu đổi mới, xây dựng và bảo vệ đất nước. Trong nhiệm kỳ qua, Quốc hội đã thông qua được 68 Luật, 12 Nghị quyết; Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua 13 Pháp lệnh và 7 Nghị quyết có chứa quy phạm pháp luật. Quy trình lập pháp tiếp tục được đổi mới, cải tiến theo hướng nâng cao chất lượng, tăng tính chủ động, cụ thể trong văn bản pháp luật.

Về giám sát, các ý kiến nhất trí, hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là chất vấn và giám sát chuyên đề.  Chất vấn và trả lời chất vấn tiếp tục được cải tiến mạnh mẽ theo hướng tập trung hơn, thực chất hơn, phản ánh sát thực tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân, làm rõ thêm tình hình, nguyên nhân, chỉ ra trách nhiệm và giải pháp nhằm thúc đẩy thực hiện chủ trương, chính sách của Ðảng và nghị quyết của Quốc hội.

Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước ngày càng có chất lượng, đáp ứng  đúng yêu cầu của thực tiễn vì lợi ích của quốc gia, phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhân dân.

Khắc phục hạn chế trong việc ban hành các đạo luật

Đi sâu vào phân tích những mặt còn hạn chế trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, các đại biểu cho rằng, bên cạnh những kết quả nổi trội, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII cũng bộc lộ những hạn chế cần khắc phục tại nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII tới đây, trong đó có hạn chế về công tác lập pháp, hoạt động giám sát…

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) cho rằng: Trong nhiệm kỳ Quốc hội vừa qua, các đại biểu đã phát huy tốt hơn vai trò của mình trong việc thảo luận, thông qua các dự án Luật. Tuy nhiên, việc thay đổi liên tục chương trình xây dựng Luật và Pháp lệnh cho cả nhiệm kỳ cũng như hàng năm đã khiến cho các đại biểu Quốc hội không có nhiều thời gian để nghiên cứu, thẩm tra, phản biện trước khi bấm nút thông qua. Điều này dẫn đến chất lượng một số Luật, Pháp lệnh khi được Quốc hội thông qua vẫn còn bộ lộ những bất cập, chưa đi vào thực tiễn cuộc sống.

Cũng nêu ý kiến về những bất cập trong công tác lập pháp, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) cho rằng, việc vẫn còn tồn tại “luật ống, luật khung”, thiếu tính thực tiễn, nhiều dự án Luật mới ban hành chưa lâu đã phải sửa đổi, bổ sung là do chúng ta chưa có sự chuẩn bị thật kỹ trong quá trình soạn thảo, thẩm tra và ban hành. Chất lượng một số dự án Luật còn hạn chế, cơ quan soạn thảo chuyển tài liệu cho cơ quan thẩm tra còn chậm. Việc chấp hành pháp luật ngay tại một số cơ quan pháp luật còn chưa triệt để, chưa nói rõ trách nhiệm của các cơ quan soạn thảo.

Theo đại biểu Ngô Văn Minh, để các dự án Luật phát huy tốt hơn trong thực tiễn, trong quá trình thảo luận, nên chăng song song với việc cho ý kiến vào dự thảo Luật, Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan kèm theo đó Nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật để các đại biểu có thể thảo luận luôn về những Nghị định, Thông tư này trước khi thông qua Luật.

Cần có cơ chế bảo đảm hiệu lực của hoạt động giám sát

Về công tác giám sát, nhiều đại biểu cũng đồng tình với nhận xét hoạt động giám sát trong nhiệm kỳ vừa qua đã được tăng cường, có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành, nhất là trong hoạt động chất vấn và giám sát theo chuyên đề. Tuy nhiên, một vấn đề được các đại biểu lưu tâm, đó là thời gian dành cho hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội còn rất hạn chế. Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Hà Nội) cho rằng: Trong một khoảng thời gian có hạn, một vị Bộ trưởng, thành viên Chính phủ không thể nào trả lời hết những kiến nghị, bức xúc của cử tri, chứ chưa nói đến của những vị đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Đào cũng đồng tình với quan điểm của một số đại biểu khác là nên để quyền giám sát tối cao này cho các Uỷ ban của Quốc hội là chính. Có như vậy, các vấn đề mà cử tri và các đại biểu quan tâm mới được mổ xẻ, phân tích một cách kỹ lưỡng hơn.

Công tác hậu giám sát của Quốc hội cũng được nhiều đại biểu thảo luận tại phiên họp tổ này. Thực tế trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XII, việc quan tâm theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Nghị quyết, kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội chưa được thường xuyên nên hiệu lực và hiệu quả giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội chưa được như mong muốn.

Đại biểu Vũ Quang Hải (đoàn Hưng Yên) cho rằng, nếu hoạt động giám sát của Quốc hội được thực hiện tốt sẽ mang hiệu quả rất đáng kể. Vì vậy, cần xây dựng thể chế để đảm bảo hiệu quả, hiệu lực giám sát của các đoàn, có quy định để các đại biểu Trung ương tham gia ít nhất 1 lần giám sát của đoàn, đồng thời phải có sự phối hợp chặt chẽ với HĐND, MTTQ trong hoạt động giám sát.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng, cần phải xây dựng được cơ chế rõ ràng về giải quyết các kiến nghị sau giám sát, phải có một bộ phận giám sát sau kết luận giám sát xem các cơ quan có trách nhiệm tiến hành giải quyết các kết luận này đến đâu, từ đó có những kiến nghị với Quốc hội, các cơ quan Chính phủ giải quyết kịp thời những bức xúc của cử tri.

Chiều nay (24/3), các đại biểu làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiểm toán độc lập và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật trên./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên
// POLL JS