Nâng cao hơn nữa công tác đối ngoại nhân dân

Công tác đối ngoại nhân dân ngày càng có vai trò quan trọng trong mặt trận Ngoại giao và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.  

Sáng 19/7, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng tổ chức Hội nghị toàn quốc phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 04-CT/TW, ngày 6/7/2011 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới. Đến cự có các ông: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hoàng Bình Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương và lãnh đạo các Bộ, ban ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, tổ chức nhân dân.

 
Hội nghị đã tổng kết việc thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa 7) về "Mở rộng và đổi mới hoạt động đối ngoại nhân dân"; phổ biến, quán triệt việc thực hiện Chỉ thị 04-CT/TW, ngày 06 tháng 7/2011 đến các cấp, các ngành, các địa phương, các đoàn thể chính trị - xã hội và tổ chức nhân dân.

Báo cáo tổng kết 17 năm thực hiện Chỉ thị số 44-CT/TW do Ban Đối ngoại Trung ương trình bày và tham luận của các đại biểu khẳng định: Công tác đối ngoại nhân dân đã góp phần tích cực vào việc giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, nâng cao vị thế và uy tín của nước ta trên trường quốc tế, xây dựng lòng tin và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đồng thời góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội. Đối ngoại nhân dân đã cùng đối ngoại đảng và ngoại giao Nhà nước tạo nên sức mạnh tổng hợp, thực hiện thắng lợi đường lối và chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, công tác đối ngoại nhân dân trong thời gian qua còn một số mặt hạn chế, bất cập: Nhận thức chưa đúng, chưa đầy đủ; không thấy rõ vị trí, vai trò của đối ngoại nhân dân trong mặt trận ngoại giao nói chung. Chưa chú trọng đúng mức việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác đối ngoại nhân dân ở địa phương, đơn vị. Lực lượng làm công tác đối ngoại nhân dân vẫn còn rất mỏng, không được đào tạo, bồi dưỡng chu đáo, bộ máy thiếu đồng bộ...

Ông Vũ Xuân Hồng, Chủ tịch Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam, một trong những đầu mối nòng cốt tham gia vào công tác đối ngoại nhân dân cho rằng: “Ở nước ta, các lực lượng tham gia vào đối ngoại nhân dân ngày càng đa dạng, phức tạp, nhiều tầng lớp nếu không được đặt trong sự lãnh đạo trực tiếp và toàn diện của Đảng, quản lý thống nhất của Nhà nước. Nếu không được quan tâm xây dựng lực lượng, rèn luyện bản lĩnh, chuyên nghiệp hóa đội ngũ chuyên trách, nâng cao kỹ năng về đối ngoại, ngoại ngữ; bồi dưỡng đào tạo cán bộ, có cơ chế đảm bảo cho lực lượng này hoạt động hiệu quả thì thế trận dễ bị vỡ, hậu quả sẽ khôn lường”.

Kết luận Hội nghị, thay mặt Ban Bí thư Trung ương Đảng, ông Trương Tấn Sang biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực của các cấp, ngành, đoàn thể chính trị - xã hội và các tổ chức nhân dân trong thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 44 của Ban Bí thư (khóa 7).

Ông Trương Tấn Sang yêu cầu các cấp, ngành, địa phương, đơn vị sớm khắc phục những hạn chế cơ bản của công tác đối ngoại nhân dân thời gian qua và nhấn mạnh: “Đối ngoại nhân dân luôn được Đảng và Nhà nước ta coi trọng. Hiện nay, đã xuất hiện những yếu tố mới, phong trào nhân dân thế giới tiếp tục phát triển đa dạng, tiếng nói của nhân dân và các tổ chức sẽ ảnh hưởng ngày càng lớn tại các quốc gia và trên trường quốc tế. Vì vậy, công tác đối ngoại nhân dân ngày càng có vai trò quan trọng trong mặt trận Ngoại giao nói riêng và trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc nói chung”.

Ông Trương Tấn Sang nêu rõ: Nhiệm vụ bao trùm của đối ngoại nhân dân là vừa chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với nhân dân các nước, vừa chú trọng đi vào chiều sâu với các đối tác quan trọng. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, các bộ, ban, ngành cần hết sức quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động đối ngoại nhân dân, đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên