Nâng cao vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận

Việc MTTQ tham gia vào giám sát, phản biện sẽ góp phần dân chủ hóa, tạo đồng thuận trong nhân dân. Để công tác này đạt hiệu quả, cần có sự tiếp tục đổi mới của Mặt trận và các cấp chính quyền

Một trong những nội dung quan trọng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII MTTQ Việt Nam được nhiều đại biểu quan tâm là vấn đề phát huy dân chủ, tham gia giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận.

Trong phiên khai mạc Đại hội, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh đã phát biểu chỉ đạo: “Mặt trận tổ chức và hướng dẫn nhân dân phát huy quyền làm chủ, chủ động và tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, nhất là ở cơ sở; củng cố và tăng cường mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần cùng các tổ chức đảng tạo ra sự chuyển biến căn bản trong việc ngăn chặn, từng bước đẩy lùi sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân. Tham gia cùng các cơ quan xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. Nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác thanh tra nhân dân; thực hiện tốt chức năng giám sát và phản biện xã hội theo đúng quy định của pháp luật”.

Giám sát các vấn đề người dân quan tâm

Theo nhiều đại biểu, mục tiêu và nhiệm vụ cao nhất của MTTQ là động viên được người dân thể hiện ý chí, nguyện vọng cá nhân, mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình để cùng nhau góp phần xây dựng xã hội dân chủ, văn minh. Song dường như trong thời gian qua, tiếng nói của MTTQ trong việc bảo vệ lợi ích của người dân còn hạn chế. “Để phát huy được vai trò giám sát và phản biện của Mặt trận, cần phải khuyến khích người dân lên tiếng. Trước mắt, phải xây dựng các diễn đàn công khai, để người dân có thể nói lên tiếng nói của mình có tổ chức, thông qua đó phát huy tính dân chủ trong xã hội”- GS Dương Trung Quốc chia sẻ.

Việc làm rõ đối tượng và quyền hạn của MTTQ trong công tác phản biện xã hội sẽ giúp việc thực thi công tác này được rõ ràng và hiệu quả hơn. Đa số ý kiến cho rằng, Mặt trận cũng nên chỉ tập trung giám sát một số lĩnh vực cơ bản, không nên đưa ra phạm vi quá lớn khiến việc giám sát trở nên khó khăn. Bởi lẽ, trên thực tế, phương tiện thực hiện giám sát của một số MTTQ cấp cơ sở còn hạn chế.

Bên cạnh đó, Mặt trận cũng cần xây dựng cơ chế giám sát cụ thể trong đó xác định rõ vấn đề nhân lực, kinh phí… “Nếu lĩnh vực nào Mặt trận cũng tham gia sẽ dẫn đến tình trạng dàn trải, không tập trung. Mặt trận chỉ nên tham gia giám sát tập trung vào các vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Đồng thời, khi thực hiện giám sát, cũng cần xây dựng cơ chế cụ thể, chẳng hạn: ở những lĩnh vực có tính kỹ thuật và chuyên môn cao thì Mặt trận có được phối hợp với các đơn vị chức năng khác không? Kinh phí của việc thuê đơn vị chuyên môn tham gia thẩm định do bộ phận nào chi trả? Ai sẽ tiếp thu phản biện và hậu của việc giám sát, phản biện sẽ được xử lý như thế nào?”- Đại biểu Nguyễn Cảnh Phương- Phó Chủ tịch thường trực MTTQ tỉnh Lai Châu bày tỏ.

Cần có cơ chế, chính sách phù hợp

GS Tương Lai

Trong Báo cáo Chính trị trình Đại hội đã xác định rất rõ: Nâng cao vai trò giám sát và phản biện xã hội của MTTQ là một trong 5 mục tiêu cơ bản của nhiệm kỳ tới. Phát biểu tại diễn đàn của Đại hội, GS Tương Lai và nhiều đại biểu cũng khẳng định: “Vai trò phản biện xã hội của MTTQ là cực kỳ quan trọng. Mặt trận là chủ thể chứ không thể chỉ là đối tượng tham gia”.

Mặt trận là tổ chức tập hợp rộng rãi nhất các tầng lớp nhân dân, vì vậy việc  đảm đương nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội rất thuận lợi. Việc phát huy vai trò giám sát và phản biện của MTTQ Việt Nam trong thời gian qua được triển khai thực hiện với nhiều hình thức, biện pháp phong phú, thiết thực, đúng pháp luật, góp phần làm cho các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vừa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, vừa sát với yêu cầu, nguyện vọng và quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân.

Song, hiệu quả nhiệm vụ giám sát thời gian qua vẫn còn nhiều hạn chế. Một mặt do chính từ nhận thức của người dân, ngay trong tư duy người ta “ngại” nhắc đến các cụm từ “phản biện” và “giám sát”. Mặt khác, do chính năng lực của Mặt trận còn hạn chế. Dù đã có rất nhiều cố gắng, nhưng công tác này đôi khi còn hình thức.

Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam

Theo nhiều đại biểu, những hạn chế này còn bắt nguồn từ nguyên nhân còn thiếu cơ chế, chính sách để Mặt trận thực hiện nhiệm vụ của mình. “Trong điều kiện hiện nay, muốn công tác giám sát có hiệu quả thì phải có điều kiện, cơ chế, chính sách để thực hiện. Ví dụ, khi giám sát về vấn đề xây dựng cơ bản, cần phải có nguyên tắc để Mặt trận giám sát ngay từ khi đề ra chủ trương xây dựng, như: vị trí, vốn, quá trình xây dựng như thế nào… Bên cạnh đó, Mặt trận cũng phải không ngừng nâng cao năng lực, trình độ. Bản thân bộ máy Mặt trận có khi chưa đủ sức mạnh, nhưng nếu biết huy động lực lượng, của các tổ chức thành viên thì đây là một nguồn lực vô cùng to lớn”- Ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hội làng nghề Việt Nam nhấn mạnh.

Giáo sư, Luật sư Lưu Văn Đạt, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng thừa nhận, thời gian qua, mặc dù có nhiều cố gắng nhưng Mặt trận các cấp cũng chưa thực hiện có hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội. Về công tác giám sát, tuy đã có nhiều văn bản pháp luật quy định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của Mặt trận, nhưng lại không có cơ chế hoạt động. Ví dụ, trong Luật Khiếu nại tố cáo có nêu vấn đề giám sát, khiếu nại nhưng khi người dân đưa lên Mặt trận và chuyển sang cơ quan chính quyền thì nhiều khi lại không có phản hồi, nên hiệu quả của việc giám sát rất hạn chế.

GS Lưu Văn Đạt

Còn phản biện xã hội, hiện nay hoạt động chủ yếu chỉ là việc tham gia ý kiến cho các văn bản pháp luật, nên nhiều khi không có sự đối thoại, làm giảm hiệu quả của công tác này. “Để hoạt động giám sát có hiệu quả thì phải có cơ chế giám sát. Trong đó, vấn đề quan trọng là phải có đối thoại giữa người giám sát và người được giám sát, người phản biện và người được phản biện, phải có thông tin cần thiết và nếu có ý kiến khác nhau thì cần phải có chế tài quy định xử lý”- GS Lưu Văn Đạt nói.

Để nâng cao hiệu quả công tác giám sát, phản biện xã hội trong nhiệm kỳ tới, cùng với việc Đảng, Nhà nước có cơ chế chính sách tạo điều kiện hơn nữa để Mặt trận thực hiện nhiệm vụ của mình, Mặt trận cần tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đa dạng hóa các hình thức tập hợp và phát huy tối đa mọi nguồn lực trong các tầng lớp nhân dân./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên