Nâng tầm quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc
VOV.VN - Qua các cuộc đối thoại cấp cao giữa lãnh đạo hai bên, phía Séc luôn bày tỏ sự quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam. Hai bên sẽ tiếp tục tích cực phối hợp, trao đổi và triển khai cụ thể các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa.
Mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc không ngừng được củng cố và phát triển trong suốt hơn 70 năm qua, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1950, trên tất cả các lĩnh vực: chính trị ngoại giao, kinh tế thương mại, an ninh quốc phòng, văn hóa, giáo dục đào tạo, hợp tác địa phương… Mặc dù bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19 trong hơn 2 năm qua, thời gian gần đây, quan hệ chính trị đối ngoại giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh và phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực đặc biệt là về kinh tế và trao đổi đoàn các cấp.
Phỏng viên VOV thường trú tại Cộng hòa Séc đã phỏng vấn Đại biện lâm thời Việt Nam tại Cộng hòa Séc Nguyễn Diệu Linh sau một năm ghi dấu nhiều tín hiệu tích cực giữa hai nước.
PV: Xin bà cho biết những điểm nhấn ngoại giao trong năm vừa qua giữa Việt Nam và CH Séc.
Bà Nguyễn Diệu Linh: Trong năm 2023, theo tôi, điểm nhấn ngoại giao thể hiện quan hệ chính trị - đối ngoại giữa Việt Nam - CH Séc phát triển tích cực, thông qua tần suất trao đổi đoàn các cấp diễn ra thường xuyên hơn, hai bên trao đổi gần 20 Đoàn các cấp, trong đó có các đoàn lãnh đạo cấp cao như Thủ tướng Séc Petr Fiala thăm Việt Nam (tháng 4/2023), đoàn Phó Chủ tịch Hạ viện Séc (tháng 5/2023), Bộ trưởng Công thương Jozef Sikela (tháng 2/2023); Bộ trưởng Môi trường Petr Hladik (tháng 9/2023), phía Việt Nam có đoàn Trưởng Ban Tuyên giáo TW Nguyễn Trọng Nghĩa (tháng 4/2023); Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn (tháng 6/2023).
Trong chuyến thăm của Thủ tướng Séc đến Việt Nam, hai bên ký kết một số thỏa thuận như Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự giữa Bộ Tư pháp Việt Nam và Bộ Tư pháp Cộng hòa Séc; Ý định thư về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Cộng hòa Séc; Bản Ghi nhớ hợp tác về chia sẻ thông tin, hỗ trợ đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với Bộ Công Thương Cộng Hòa Séc.
Điểm nhấn ngoại giao thứ hai quan trọng của năm 2023 là kim ngạch trao đổi thương mại hai nước tiếp tục tăng và được thúc đẩy mạnh mẽ, mặc dù trong bối cảnh kinh tế thế giới và khu vực trong đó có cả kinh tế Séc liên tục phải chịu các tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19, xung đột giữa Nga – Ukraine, xung đột Israel – Hamas khiến lạm phát cao, kinh tế của Séc bị đánh giá suy thoái, nhưng các ưu đãi từ Hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) đã có tác dụng góp phần quan trọng, giúp thương mại đầu tư Việt – Séc không suy giảm, mà tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ở cấp độ hai con số.
Theo số liệu của Bộ tài chính và cơ quan thống kê Séc, uớc tính kim ngạch thương mại Việt – Séc năm 2023 sẽ đạt từ 2,62 tỷ USD đến 2,7 tỷ USD, tăng hơn 10% so với năm 2022. Việt Nam tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu trong số 10 nước thành viên ASEAN về kim ngạch thương mại song phương với Séc. Trong đó, hợp tác song phương trong lĩnh vực năng lượng và quốc phòng có nhiều chuyển biến quan trọng trong năm nay với kim ngạch thương mại nhóm sản phẩm quốc phòng lần đầu lọt vào top 5 nhóm hàng có kim ngạch tăng trưởng cao 10 tháng đầu năm 2023 và nhiều công ty năng lượng của Séc tìm được đối tác kinh doanh tại Việt Nam. Tập đoàn ô tô Skoda của Séc tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại Việt Nam.
Có thể thấy, qua các cuộc đối thoại cấp cao giữa lãnh đạo hai bên, phía Séc luôn bày tỏ sự quan tâm và mong muốn thúc đẩy hợp tác nhiều mặt với Việt Nam, bạn khẳng định Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu của Séc bên ngoài EU về phát triển thương mại và đầu tư, với nền tảng là mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước. Thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tích cực phối hợp, trao đổi và triển khai cụ thể các biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển hơn nữa.
PV: Năm qua cũng là năm ghi dấu mốc đặc biệt kỷ niệm 10 năm Cộng đồng người Việt tại Séc được công nhận là Dân tộc thiểu số (DTTS). Bà có đánh giá như thế nào về dấu mốc này cũng như vai trò của cộng đồng người Việt tại CH Séc?
Bà Nguyễn Diệu Linh: Cho tới thời điểm hiện tại, theo ước tính, hiện có khoảng 96.000 người Việt Nam và gốc Việt Nam đang sinh sống tại CH Séc. Cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng lớn thứ 3 tại Séc, sau Slovakia và Ukraine, là cộng đồng đoàn kết, cần cù, chịu thương, chịu khó, năng động, sáng tạo, tuân thủ pháp luật, đang từng bước hội nhập bền vững và có nhiều đóng góp thiết thực vào đời sống kinh tế, văn hóa - xã hội sở tại và luôn hướng về quê hương, đất nước.
Năm 2013, cộng đồng người Việt Nam được chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số tại Séc - là cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đầu tiên được Chính phủ sở tại công nhận là dân tộc thiểu số. Năm nay cũng đánh dấu 10 năm cộng đồng người Việt Nam tại Séc được Chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số. Đây là sự kiện có ý nghĩa hết sức quan trọng, cho thấy sự đánh giá cao từ chính quyền cũng như người dân Séc đối với sự hội nhập, đóng góp tích cực cho xã hội sở tại của cộng đồng người Việt tại Séc. Khi được công nhận là dân tộc thiểu số thì người Việt ở Séc được hưởng các lợi ích được quy định trong điều luật về các cộng đồng dân tộc thiểu số, như được cử đại diện của mình vào các Hội đồng Dân tộc thiểu số ở cấp địa phương cũng như cấp trung ương, được bàn những vấn đề liên quan đến dân tộc thiểu số, bà con được giữ nguyên họ và tên đầy đủ theo tiếng mẹ đẻ khi nhập quốc tịch Séc, và cộng đồng được chính quyền sở tại hỗ trợ cho các hoạt động giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình…
Từ khi được công nhận là DTTS tại Séc vào năm 2013, cộng đồng người Việt tại Séc ngày càng hội nhập sâu rộng vào sở tại, có nhiều đóng góp nổi bật cho xã hội Séc cũng như các hoạt động hướng về quê hương đất nước. Có thể kể đến việc gìn giữ và quảng bá nét đep về văn hóa con người Việt Nam ở sở tại thông qua việc tổ chức các lễ hội văn hóa truyền thống của Việt Nam như Tết cổ truyền, |Tết trung thu, các sự kiện triển lãm tranh ảnh, các festival do chính quyền Séc tổ chức như Festival dân tộc thiểu số, Lễ hội hành tinh màu, tích cực duy trì việc dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng…
Cùng với đó, cộng đồng người Việt luôn là cộng đồng đi đầu trong việc chia sẻ với những khó khăn của người dân, chính quyền Séc gặp phải, ví dụ như cộng đồng ta đã rất tích cực quyên góp ủng hộ cho những nạn nhân trong trận lốc xoáy tại tỉnh Moravia năm 2021, trong đại dịch Covid-19 đã may khẩu trang, ủng hộ các suất ăn tại các bệnh viện tại Séc, hỗ trợ máy thở, thiết bị vật tư y tế với số tiền lên tới 5 tỷ đồng và mới đây nhất Hội người Việt tại CH Séc đang kêu gọi cộng đồng quyên góp ủng hộ cho các gia đình nạn nhân trong vụ xả súng tại trường ĐH Charles ở Praha ngày 21/12 vừa qua…
Cộng đồng người Việt tại Séc cũng là cộng đồng có rất nhiều hoạt động đóng góp hướng về quê hương đất nước, ví dụ như trong đại dịch Covid-19, cộng đồng người Việt tại Séc quyên góp 500 triệu đồng cho Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 của Việt Nam, cũng như những đóng góp trực tiếp cho các tỉnh Bắc giang, Vĩnh Phúc, TP.HCM…; trong đợt cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân, Hà Nội, cộng đồng tại Séc cũng quyên góp ủng hộ các nạn nhân 500 triệu đồng… và rất nhiều các hoạt động thiện nguyện khác ở trong nước…
Một điểm đáng chú ý khác, cộng đồng người Việt đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế Séc, thương mại của Séc và Việt Nam thông qua hoạt động của nhiều doanh nghiệp lớn của người Việt tại đây như tập đoàn Tamda, Sportisimo Lee group và hàng nghìn cửa hàng tiện ích, siêu thị nhỏ của người Việt trên khắp đất nước Séc.
Tôi cho rằng, với vị thế là dân tộc thiểu số tại Séc, cộng đồng người Việt tại Séc sẽ ngày càng hội nhập, khẳng định vị thế, vai trò của mình đối với sở tại, đồng thời tiếp tục là cầu nối cho mối quan hệ truyền thống lịch sử hữu nghị, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam và Séc.
PV: Nhân dịp đầu năm mới, thay mặt cho CQĐD Việt Nam tại Séc, bà gửi thông điệp gì tới cộng đồng người Việt Nam cũng như bà con kiều bào ở nước ngoài?
Bà Nguyễn Diệu Linh: Năm cũ 2023 sắp qua, năm mới Giáp Thìn 2024 sắp tới, thay mặt cho Cơ quan đại diện (CQĐD) Việt Nam tại Séc, tôi xin chúc cộng đồng ta sẽ ngày càng phát triển, bà con có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Năm 2024 cũng là năm đánh dấu mốc quan trọng kỷ niệm 25 năm thành lập Hội người Việt Nam tại CH Séc. ĐSQ Việt Nam tại Séc sẽ tiếp tục đồng hành cùng Hội người Việt Nam tại Séc trong việc xây dựng, phát triển cộng đồng ngày càng vững mạnh, đoàn kết, hội nhập tốt ở sở tại và hướng về quê hương đất nước.
Đối với quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Séc, tôi xin gửi một thông điệp là các CQĐD, Bộ Ngoại giao cần tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành trong nước để tận dụng những thế mạnh của Séc là một trong những nước EU có nền tảng khoa học kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, còn Việt Nam có thế mạnh về nông nghiệp, thuỷ hải sản, công nghiệp điện tử và hàng tiêu dùng…và hai nền kinh tế của Việt Nam và Séc mang tính bổ sung cho nhau để thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, triển khai những thỏa thuận, cam kết cũng như kết quả của những chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai bên.
Cộng đồng người Việt tại Séc hội nhập và phát triển rất tốt ở sở tại chính là một minh chứng rõ nét về những tiềm năng hợp tác mà chúng ta cần phát huy là đẩy mạnh hợp tác với Séc về khoa học kỹ thuật, giáo dục… cũng như tăng cường sự hiểu biết và gắn kết qua mối quan hệ văn hóa và truyền thống giữa hai quốc gia.
PV: Xin cảm ơn bà.