Nêu cao trách nhiệm trả lời cử tri
(VOV) - Quốc hội, Chính phủ, các bộ, cơ quan đã quan tâm nghiên cứu, giải quyết và trả lời khá đầy đủ kiến nghị của cử tri.
Kiến nghị của cử tri được quan tâm giải quyết
Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII được Trưởng Ban dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội Nguyễn Đức Hiền trình bày trước Quốc hội sáng 12/11 cho biết, đến trước kỳ họp thứ 4, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nghiên cứu, tiếp thu và có văn bản trả lời cử tri về 162/167 kiến nghị.
Báo cáo đánh giá, nhìn chung các ý kiến, kiến nghị của cử tri về hoạt động của Quốc hội đều đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các cơ quan của Ủy ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan mình, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, mong muốn của nhân dân.
Báo cáo cũng cho biết, đến trước kỳ họp thứ 4, Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan, tổ chức khác đã nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời đầy đủ về 1.492/1.492 kiến nghị của cử tri, trong đó có 627 kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết trong quá trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
287 kiến nghị đang được nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết như: sửa đổi, bổ sung quy định về xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khoáng sản; ban hành quy định về quản lý, sử dụng tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và nguyên tắc, phương pháp xác định diện tích rừng trong lưu vực; quy định về việc thực hiện chế độ trợ cấp đối với đội ngũ giáo viên đã nghỉ hưu không được hưởng chế độ thâm niên; về hỗ trợ mua tạm trữ lúa gạo nhằm bảo đảm lợi ích cho người nông dân; cho vay tín dụng ưu đãi đối với các hộ cận nghèo...
Theo báo cáo, có 240 kiến nghị đã được ghi nhận, sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu trong quá trình ban hành chính sách; 263 kiến nghị được các cơ quan giải trình, cung cấp thông tin với cử tri; 75 kiến nghị được các cơ quan trả lời là việc giải quyết cần có sự phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương.
Báo cáo nêu rõ: Qua nghiên cứu văn bản trả lời kiến nghị của cử tri cho thấy, với tinh thần, trách nhiệm cao trước nhân dân, Chính phủ, các bộ, ngành đã quan tâm nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết và trả lời kiến nghị của cử tri.
Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ trả lời còn chậm, chưa đầy đủ về những vấn đề cử tri kiến nghị liên quan đến các chế độ, chính sách, tài chính, quản lý và sử dụng đất đai…, nên đại biểu Quốc hội còn gặp khó khăn trong việc thông báo cho cử tri khi tiếp xúc và ảnh hưởng đến việc nghiên cứu, tổng hợp, đánh giá kết quả giải quyết để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp.
Về kết quả nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết kiến nghị và trả lời kiến nghị của cử tri của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, báo cáo cho biết các kiến nghị của cử tri được tiếp thu, nghiên cứu, giải quyết và trả lời đầy đủ, kịp thời.
Đối với những kiến nghị về các giải pháp nhằm giải quyết đúng đắn, kịp thời các vụ án, nhất là án tham nhũng; về đẩy mạnh cải cách tư pháp; về tăng cường bồi dưỡng, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ…, hai ngành xin được tiếp thu để tiếp tục giải quyết trong thời gian tới.
Cùng với việc giải quyết các kiến nghị chung, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cũng đã nghiên cứu, giải quyết và trả lời cử tri về một số vụ án cụ thể.
Vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế
Báo cáo cho biết, vẫn còn nhiều kiến nghị của cử tri, nhất là các kiến nghị về việc đầu tư xây dựng công trình giao thông, thủy lợi, kiên cố hóa trường, lớp học… mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã trả lời, nhưng cử tri vẫn liên tục kiến nghị.
Có nhiều trường hợp do chưa được cơ quan có thẩm quyền quan tâm xem xét, cấp vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình giao thông đã khởi công, xây dựng dở dang do phải đình hoãn nên đại biểu Quốc hội rất khó giải trình với cử tri về lý do chậm trễ. Đây là vấn đề rất cần được Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm khi xem xét thông qua dự toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Một số văn bản trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn chung chung, chủ yếu là trích dẫn quy định của pháp luật để cho rằng, kiến nghị đã được giải quyết mà chưa quan tâm đúng mức đến việc nghiên cứu để giải quyết triệt để những vấn đề bức xúc, vướng mắc trong thực tiễn mà cử tri đã kiến nghị; thậm chí có trường hợp nội dung trả lời cử tri còn mang tính hình thức…
Báo cáo kết quả giám sát cũng cho rằng, một số cơ quan còn thiếu tích cực trong việc chuẩn bị báo cáo các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường; báo cáo còn rất chậm, nội dung chưa đầy đủ, nhất là số liệu thống kê đánh giá thực trạng chưa đầy đủ, chính xác, gây khó khăn cho quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri về nội dung này. Đây là vấn đề cần được nghiêm túc rút kinh nghiệm trong thời gian tới.
Ngoài ra, công tác phối hợp giữa các cơ quan trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri còn bất cập, hạn chế. Để khắc phục vấn đề này, từ kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XII, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã kiến nghị, nhưng đến nay, Chính phủ vẫn chưa ban hành quy định về cơ chế phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ và chính quyền địa phương trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri./.