Ngày làm việc thứ 3 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Ngày 12/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận Luật Xuất bản (sửa đổi)
- Hội Luật gia tổng kết việc thực hiện Chỉ thị 54
- Uỷ ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 7
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư theo hướng quy định chặt chẽ hơn về điều kiện được miễn đào tạo nghề luật sư, thu hẹp các đối tượng được miễn đào tạo và tập sự hành nghề luật sư. Liên quan đến quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư, Uỷ ban Tư pháp cho rằng: Trong điều kiện hiện nay, khi ý thức pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế, tình hình tội phạm diễn biến phức tạp thì vẫn cần duy trì quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư trong tố tụng hình sự, nhất là với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về ma tuý. Dự thảo cũng mở rộng diện đối tượng được yêu cầu luật sư bào chữa. Theo đó, ngoài người bị tạm giữ, bị can, bị cáo thì người thân hoặc người đại diện hợp pháp của các đối tượng này cũng có quyền yêu cầu luật sư bào chữa. Vấn đề này được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng tình. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ khái niệm “người thân” để tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng thống nhất pháp luật
Trước đó, trong sáng nay, thảo luận về dự án Luật Xuất bản (sửa đổi), Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật này. Về tổ chức và hoạt động phát hành, có một thực tế đang diễn ra phổ biến tại các thành phố lớn hiện nay là hiện tượng nhiều cơ sở kinh doanh sách không có hoá đơn, chứng từ thể hiện nguồn gốc hợp pháp, sách có nội dung mê tín dị đoan, sách lậu được bày bán công khai. Các đại biểu cho rằng: Nguyên nhân chủ yếu là do công tác quản lý đối với các cơ sở phát hành bị buông lỏng. Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị: Cần tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm này, để hoạt động phát hành đi vào nề nếp./.