Nghệ An: Sáp nhập 36 đơn vị hành chính cấp xã, việc khó cần làm kỹ
VOV.VN -Dự kiến sau sáp nhập, trên địa bàn tỉnh Nghệ An sẽ dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức và 306 người hoạt động không chuyên trách.
Theo kế hoạch sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong năm 2019 có 36 đơn vị hành chính cấp xã sáp nhập thành 16 đơn vị, giảm 20 đơn vị thuộc 9 huyện, thị. Dự kiến sau sáp nhập, bố trí sẽ dôi dư 185 cán bộ, 199 công chức và 306 người hoạt động không chuyên trách. Việc bố trí, sắp xếp số cán bộ dôi dư là việc khó, đòi hỏi có cách làm khoa học. Tỉnh Nghệ An đã và đang thực hiện việc này thế nào, PV VOV phỏng vấn ông Lê Quốc Khánh, Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Nghệ An.
PV: Được biết, tỉnh Nghệ An đã và đang tiến hành nhiều giải pháp chuẩn bị sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã. Theo ông những khó khăn, vướng mắc khi triển khai là gì?
Lê Quốc Khánh: Sắp xếp cán bộ là một trong những việc khó khăn nhất trong sáp nhập xã. Ngoài ra còn có một số khó khăn nữa, đó là liên quan đến văn hóa, phong tục tập quán, liên quan đến cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị, địa điểm…
PV: Cụ thể, trong công tác cán bộ khó như thế nào, thưa ông?
Lê Quốc Khánh: Việc sắp xếp cán bộ trong sáp nhập xã dôi dư rất là nhiều, cả cán bộ chuyên trách, không chuyên trách và công chức. Vậy để làm được điều đó chúng tôi với tư cách là cơ quan tham mưu đã tham mưu khảo sát đánh giá, nắm lại tình hình, nguyện vọng của cán bộ, xác định được các nhóm đối tượng. Chúng tôi chia thành 3 nhóm đối tượng.
Nhóm đối tượng thứ nhất, đối với cán bộ công chức đủ điều kiện để nghỉ hưu và thực hiện chế độ bảo hiểm, những đối tượng này thì sẽ nghỉ đương nhiên. Những đối tượng đủ điều kiện nghỉ nhưng còn tuổi thì phải vận động, thuyết phục và họ cũng tình nguyện nghỉ. Thứ hai là đối với cán bộ, công chức cấp xã đủ điều kiện để bố trí công việc khác, cách bố trí tại chỗ hoặc là xã này sang xã khác hoặc điều động về công tác tại huyện, hoặc là lên tỉnh… rồi số lượng cán bộ từ huyện luân chuyển về xã mà nếu như không thể bố trí sắp xếp ở xã được thì sẽ đưa về huyện. Như vậy là giải quyết những cán bộ, công chức đủ điều kiện, có thể bố trí sang việc khác thì bố trí theo hướng đó.
Thứ ba là những cán bộ công chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện, nhưng không thể bố trí sắp xếp sang công việc khác được mà phải sắp xếp lại chỗ. Đối với cán bộ chủ chốt là Bí thư, Chủ tịch, Phó Bí thư, Trưởng các đoàn thể… thì trước mắt mình tăng thêm cấp phó. Có hai lộ trình giảm là từ nay đến đại hội và kéo dài 5 năm theo quy định.
Hiện nay chúng tôi đang xem xét nguyện vọng, khi sát nhập 2 xã với nhau thì sẽ có 2 Bí thư hay 2 Chủ tịch… sẽ chỉ chọn 1, còn người kia sẽ phải bố trí sắp xếp việc khác. Hướng của chúng tôi là Bí thư thì có thể đưa xuống làm Phó Bí thư hoặc tăng thêm một Phó Chủ tịch, có thể tăng thêm Phó chủ tịch HĐND. Có quy trình giới thiệu đầy đủ, tất nhiên phải so sánh về tiêu chuẩn, đưa ra một quy trình mấy bước để thực hiện. Khi cần phải cân đối, so sánh, lựa chọn thì phải quyết định thật khách quan.
PV: Vậy đối với hàng trăm người là trưởng các đoàn thể sẽ bố trí thế nào. Nếu bố trí họ xuống cấp phó có được hưởng lương, đóng bảo hiểm nữa không, thưa ông?
Lê Quốc Khánh: Đây là cán bộ chuyên trách, được hưởng lương và đóng bảo hiểm. Bây giờ mình bố trí sang cấp phó thì sẽ trở thành cán bộ không chuyên trách, không được hưởng lương. Trung ương cũng mở ra rồi, sẽ trình Hội đồng nhân dân tỉnh tạm thời kéo dài trong 5 năm, vẫn bố trí cấp phó nhưng được bảo lưu chế độ và đối tượng này là đối tượng đủ điều kiện sau này có thể bố trí, sắp xếp khi khuyết cán bộ. Phó các đoàn thể là cán bộ không chuyên trách, chúng tôi sẽ giảm triệt để, cố gắng động viên cho nghỉ.
PV: Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế Nghệ An đã chuẩn bị để triển khai việc này thế nào, thưa ông?
Lê Quốc Khánh: Về quy trình, chúng tôi soạn rất kỹ. Bước thứ nhất là phải khảo sát nắm tình hình, xây dựng đề án. Cấp ủy cấp huyện phải xuống trao đổi gặp gỡ với các ban chấp hành, các đảng bộ cấp xã nơi sát nhập, phải nghe tâm tư nguyện vọng của họ. Thứ hai là mình sẽ xin ý kiến của họ về bố trí, sắp xếp cán bộ cấp trưởng. Trên cơ sở xin ý kiến từng đồng chí chấp hành, Ban Tổ chức cấp ủy sẽ tổng hợp và xây dựng đề án thành lập đảng bộ xã mới và phương án nhân sự, phương án kiện toàn tổ chức Đảng, đoàn thể… trình thường trực cho ý kiến, song trình Ban Thường vụ Huyện ủy cho ý kiến. Khi Thường vụ thống nhất thì lấy ý kiến cơ sở, tổ chức lấy phiếu giới thiệu các chức danh.
Cái này mình thực hiện song song 2 xã, giữa xã này và xã kia, tập hợp lại, mình hoàn thiện một bước nữa, tổ chức hội nghị chung của hai xã. Tiếp tục thảo luận và lấy ý kiến về việc lấy chức danh giới thiệu. Sau khi có nguyện vọng rồi, Ban Tổ chức Huyện ủy có trách nhiệm hoàn thiện các phương án, họp xem xét thông qua, bố trí cán bộ thế nào.
Trong quá trình làm có vấn đề gì, tâm tư các đồng chí thế nào thì Thường trực phải chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan, làm công tác tư tưởng, đi kèm với đó là thực hiện chính sách. Chúng tôi cũng đang phối hợp với Sở Nội vụ hoàn thiện xin ý kiến Thường vụ, trình HĐND tỉnh về giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ. Đó là việc quan trọng cần tập trung.
PV: Cảm ơn ông!./. Nghệ An giảm 20 đơn vị hành chính sau sáp nhập