Nghị sĩ trẻ: Không nên chỉ nhìn chuyển đổi số như một vấn đề xa vời
VOV.VN - Nhiều nghị sĩ trẻ trên thế giới nhấn mạnh, cần sử dụng công nghệ kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển bền vững. Cần có những thay đổi thực chất, cụ thể, tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả và phải đầu tư kỹ năng số cho thế hệ trẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua Chuyển đổi số và Đổi mới sáng tạo” đang diễn ra tại Hà Nội, ngày 15/9, các đại biểu thảo luận chuyên đề Chuyển đổi số.
Không bỏ lại ai ở phía sau
Ông Lord Fakafanua, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Tonga, Thành viên Ban Lãnh đạo Diễn đàn Nghị sĩ trẻ IPU cho biết, kể từ khi “Tuyên bố Hà Nội” được thông qua tại đây 8 năm trước, đã có những tiến bộ đáng kể trong cách các nghị viện hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững.
Tuy nhiên, những thách thức khó khăn vẫn còn. Do đó, phiên thảo luận này sẽ đặt ra việc làm thế nào để khai thác chuyển đổi số nhằm thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững.
Phát biểu gợi mở, đại biểu Quốc hội Lưu Bá Mạc cho rằng, ngày nay, mỗi quốc gia, tổ chức hay cá nhân đều phải nỗ lực chuyển đổi, nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
Chuyển đổi số giúp thay đổi cách vận hành nền kinh tế, tăng mạnh năng suất lao động, tạo các động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; giúp các cơ quan nhà nước hoạt động ngày càng minh bạch, hiệu quả hơn, giúp thu hẹp khoảng cách phát triển.
Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra ở các quốc gia với các mức độ khác nhau cho thấy yếu tố nền tảng quan trọng nhất cho quá trình chuyển đổi số đó là phải hoàn thiện thể chế, chính sách nhằm thúc chuyển đổi số, đảm bảo tính bao trùm và phát triển bền vững, lấy người dân làm trung tâm, bao gồm thúc đẩy hạ tầng số, hệ sinh thái số, các giải pháp hiệu quả gắn kết chuyển đổi số với phát triển bền vững và không bỏ lại ai ở phía sau.
Theo ông Lưu Bá Mạc, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, cần xác định việc xây dựng và thúc đẩy phát triển các nền tảng số quốc gia là giải pháp có tính đột phá. Nền tảng số là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số, tạo lập và lưu trữ dữ liệu người dùng; càng có nhiều người sử dụng thì dữ liệu càng nhiều, chi phí càng rẻ, giá trị tạo ra càng lớn.
Đầu tư cho kỹ năng số của thế hệ trẻ
Bà Yetunde Bakare - Giám đốc YIAGA Africa thông tin, số liệu thống kê năm 2023 cho thấy, hiện có 5,4 tỷ người trên thế giới, tương đương 67% dân số toàn cầu đang sử dụng Internet. Tuy nhiên có nhiều hộ gia đình ở nông thôn, vùng sâu vùng xa với cơ sở hạ trầng hạn chế hơn thì họ không có khả năng tiếp cận Internet nhiều như vậy.
Giám đốc YIAGA Africa khẳng định có sự khác biệt trong việc tiếp cận Inernet giữa các tầng lớp xã hội khác nhau. Do đó, bà đề nghị cần có giải pháp để đảm bảo thế hệ trẻ tiếp cận được thông tin, cần sử dụng công nghệ số để gắn kết thế hệ trẻ.
Vấn đề đặt ra là làm thế nào để thu hẹp khoảng cách phát triển số, năng lực số trong bối cảnh chuyển đổi số. Các nghị viện có thể thúc đẩy đầu tư cho các kỹ năng số của thế hệ trẻ và các thế hệ lớn tuổi hơn nhằm đảm bảo tính bao trùm số.
Bà Yetunde Bakare cho rằng, với công nghệ số, các nghị sĩ trẻ có thể mở rộng hiểu biết, nâng cao ý thức của người dân, đồng thời khuyến khích người dân tham gia vào tiến trình lập pháp. Khi đó, công việc của các nghị sĩ sẽ thực chất hơn, góp phần nâng cao tính minh bạch giải trình của các nghị sĩ.
Còn theo đại diện từ Peru, thế giới đang ở trong bối cảnh mới, thông qua chuyển đổi số, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để tìm ra những giải pháp cần thiết và bền vững để giải quyết những thách thức mà thế giới đang phải đối mặt hiện nay.
Để làm được điều đó, ông cho rằng cần có sự ủng hộ, tham gia của giới trẻ; tạo cơ hội để người trẻ được tăng cường kỹ năng số và tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng chính sách.
Đại diện Nghị viện Bồ Đào Nha đồng tình rằng trong cách mạng số thì kĩ năng số là yếu tố quan trọng góp phần thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững. Để đạt được mục tiêu trên cần phải có đào tạo kĩ năng số ở quy mô toàn xã hội để người dân hiểu về an ninh mạng, quyền riêng tư trên mạng, phòng, chống tin giả, mở rộng mạng lưới kết nối, bao phủ internet… là những bước đi quan trọng vì tương lai bền vững hơn, bảo đảm người dân có cơ hội tiếp cận bình đẳng.
Đại biểu đến từ Quốc hội Trung Quốc cho biết, kỹ năng số là động lực thúc đẩy quan trọng để phát triển bền vững. Nước này chú trọng thúc đẩy nền kinh tế số, thực hiện chuyển đổi số, xây dựng không gian mạng cho người trẻ.
Người trẻ đang đóng vai trò rất tích cực trong phát triển nền kinh tế số. Tuy nhiên, vị này đề nghị cần có bộ công cụ để thu hẹp khoảng cách số giữa các thành viên trong xã hội, đó là nền tảng quan trọng cho phát triển bền vững.
Có ý kiến nhấn mạnh cần có những thay đổi thực chất, cụ thể, không nên chỉ nhìn chuyển đổi số như một vấn đề xa vời, lớn lao, mà nên nhìn nhận một cách cụ thể, rõ ràng, tạo ra những thay đổi nhỏ nhưng hiệu quả.
Đại biểu Lưu Bá Mạc cho rằng, sự thành công, phát huy hiệu quả của quá trình chuyển đổi số đòi hỏi phải nâng cao nhận thức và kỹ năng số cho người dân, đặc biệt cho người dân ở vùng sâu, vùng xa.
Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi số đặt ra các cuộc thảo luận về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Trong thế giới thực, việc tôn trọng chủ quyền quốc gia là một nguyên tắc cơ bản được ghi nhận trong hệ thống luật pháp quốc tế. Do tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, việc đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng là một vấn đề mới, phức tạp.
“Việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng cần có sự hợp tác và phối hợp của các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế nhằm đem lại một môi trường mạng an toàn, lành mạnh và phát triển bền vững” – ông Lưu Bá Mạc nhấn mạnh.