Ngoại giao cây tre: "Điểm sáng ấn tượng" 2023 và vững vàng đón gió đổi chiều 2024
VOV.VN - Trong năm 2023, với 22 chuyến thăm nước ngoài của lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ở cả cấp độ song phương và đa phương, 28 đoàn lãnh đạo cấp cao nước ngoài đến thăm Việt Nam, cùng 21 quốc gia kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với hàng trăm hoạt động giao lưu nhân dân, hoạt động đối ngoại được đánh giá là một điểm sáng đầy ấn tượng và có tính lịch sử.
Trong không khí mừng Xuân, mừng Đảng và với khí thế mới và vận hội mới của đất nước, chúng ta tin rằng ngành ngoại giao, đối ngoại sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2024.
Sự ứng xử khéo léo, tạo sự cân bằng chiến lược và hóa giải thế kẹt của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn được xem như là phương thức hiệu quả của ngoại giao cây tre Việt Nam, mềm dẻo, linh hoạt để ứng phó với những áp lực từ bên ngoài.
“Ngoại giao cây tre Việt Nam”
Kể từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 năm 2016, “Ngoại giao cây tre Việt Nam” đã trở thành khái niệm phổ biến để đặc trưng hóa “trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”. Đó là: Mềm mại, khôn khéo, nhưng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, kiên định, can trường trước mọi thử thách, khó khăn vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân. Đoàn kết, nhân ái, nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc. Biết nhu, biết cương; biết thời, biết thế; biết mình, biết người; biết tiến, biết thoái, tuỳ cơ ứng biến.
Mục tiêu tối thượng của ngoại giao, đối ngoại là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc, thực hiện đúng như lời dạy của Bác Hồ, đó là “muốn làm gì cũng cần vì lợi ích của dân tộc mà làm”. Trong khi chúng ta đề cao “hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển”, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền, quyền và lợi ích chính đáng của nhau, giải quyết bất đồng trên tinh thần hữu nghị, phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế; chúng ta cũng phản đối mọi hành vi bắt nạt, chính trị cường quyền, bao vây, cấm vận đơn phương; phản đối việc sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Đây là những nguyên tắc bất di bất dịch trong quan hệ quốc tế. Chúng ta nghiêm chỉnh chấp hành, và cũng đòi hỏi các nước khác triệt để tuân thủ. Ví dụ trong vấn đề Biển Đông, chúng ta đề cao các thỏa thuận và quy tắc đã đạt được giữa các bên liên quan, đặc biệt là việc tuân thủ Hiến chương LHQ và Công ước về Luật Biển của LHQ 1982 (UNCLOS 1982); phản đối mọi hành vi đơn phương xâm phạm chủ quyền và quyền chủ quyền của nước ta, vi phạm UNCLOS 1982, đồng thời hoan nghênh tất cả các bên có đóng góp vào duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông. Chúng ta kiên trì và kiên quyết bảo vệ chủ quyền trên Biển Đông, nhưng chúng ta không cực đoan để xảy ra xung đột. Mục tiêu cao nhất của chúng ta là bảo vệ và giữ vững chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, nhưng tránh đối đầu và xung đột vũ trang để đảm bảo môi trường hòa bình và ổn định cho phát triển đất nước.
Trong xung đột giữa Nga và Ukraine từ tháng 2/2022 đến nay, chúng ta luôn đề cao việc tuân thủ Hiến Chương LHQ, và kêu gọi các bên quay trở lại đàm phán. Lãnh đạo Việt Nam đã nói rõ rằng, Việt Nam “không chọn bên mà chọn công lý và lẽ phải”. Chúng ta cũng lên án mạnh mẽ các hành động tấn công bạo lực nhằm vào dân thường trong xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Trung Đông.
“Điểm sáng nổi bật”
Trong năm 2023, Việt Nam đã duy trì và có những bước tiến mang tính lịch sử trong quan hệ với các nước bạn bè truyền thống, các nước láng giềng, các nước trong ASEAN và các nước lớn, trong đó có Lào, Campuchia, Cuba, Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, và nhiều nước đối tác quan trọng khác như Australia, Hàn Quốc, Mông Cổ, Indonesia, Thái Lan và Singapore.
Trước tiên là với Lào và Campuchia, những nước láng giềng có vị trí và tầm quan trọng đặc biệt với Việt Nam. Tiếp theo cuộc gặp cấp cao lần đầu tiên (27/9/2021), tại cuộc gặp cấp cao lần thứ hai (6/9/2023), ba đồng chí lãnh đạo ba đảng của Việt Nam, Lào và Campuchia đã nhất trí “ba Đảng, ba nước cần tăng cường đoàn kết, phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau, tiếp tục coi quan hệ giữa ba Đảng là nòng cốt, định hướng cho tổng thể quan hệ giữa ba nước; củng cố trụ cột về quốc phòng - an ninh, tăng cường hợp tác trong công tác đối ngoại…”. Trên cơ sở định hướng quan hệ được lãnh đạo đảng của ba nước nhất trí, ba nước dần hình thành những cơ chế họp cấp cao như cuộc gặp giữa các Thủ tướng ba nước và tổ chức Hội nghị cấp cao đầu tiên của Quốc hội ba nước (5/12/2023).
Mối quan hệ đoàn kết đặc biệt, mẫu mực Việt Nam - Cuba tiếp tục được củng cố và phát triển với chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (18 - 23/4/2023) và Chủ tịch Quốc hội Cuba sang thăm Việt Nam và dự Lễ kỷ niệm 50 năm chuyến thăm của Lãnh tụ Fidel Castro tới Vùng giải phóng tỉnh Quảng Trị, miền Nam Việt Nam (9/1973 - 9/2023).
Sự ứng xử khéo léo, tạo sự cân bằng chiến lược và hóa giải thế kẹt của Việt Nam trong quan hệ với các nước lớn được xem như là phương thức hiệu quả của ngoại giao cây tre Việt Nam, mềm dẻo, linh hoạt để ứng phó với những áp lực từ bên ngoài. Việt Nam đã xử lý tốt vị trí của mình trong các cặp quan hệ Nga - Mỹ, Mỹ - Trung Quốc, và trong các bộ ba quan hệ Nga - Việt Nam - Mỹ, Trung Quốc - Việt Nam - Mỹ.
Chúng ta đã đón lãnh đạo của cả ba nước Nga, Mỹ và Trung Quốc sang thăm. Với Nga là Chủ tịch Đảng Nước Nga Thống nhất, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev (21 - 23/5/2023); với Mỹ là Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và nhân dịp này hai nước đã nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững (10 - 11/9/2023); với Trung Quốc là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình và Phu nhân (12 - 13/12/2023) và nhân dịp này hai nước nhất trí xây dựng Cộng đồng cùng chung tương lai Việt Nam - Trung Quốc.
Quan hệ Việt Nam - Nhật Bản cũng bước sang trang mới khi hai nước nâng cấp quan hệ lên thành Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng tại châu Á và trên thế giới trong chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng (27 - 31/11/2023). Như vậy, cho đến nay, Việt Nam đã thiết lập đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện với tất cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, đồng thời nâng tổng số đối tác chiến lược của Việt Nam lên 18, trong đó có 6 đối tác chiến lược toàn diện.
Ngoại giao kinh tế cũng đóng góp vào bức tranh kinh tế tích cực của đất nước, trong đó thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt kỷ lục lên tới 36,6 tỷ USD.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá điểm sáng nổi bật về ngoại giao của đất nước trong năm 2023 là đã “tạo thời cơ, vận hội mới, để phát triển đất nước và nâng cao vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, đồng thời tạo điều kiện vững chắc cho “ngoại giao cây tre Việt Nam” sẵn sàng đương đầu với những thách thức trong năm 2024.
Vững vàng đón gió đổi chiều năm 2024
Tình hình chính trị và kinh tế thế giới trong năm 2024 được dự báo là vẫn diễn biến phức tạp, khó lường và có thể có nhiều biến động. Thực vậy, trong năm 2024, thế giới có hơn 70 cuộc bầu cử quốc gia với gần 2 tỷ người tham gia bỏ phiếu ở khắp các châu lục. Kết quả bầu cử có thể tạo ra những làn gió đổi chiều về chính sách. Trong số các cuộc bầu cử được cho là có tác động sâu rộng đến tình hình chính trị và an ninh khu vực và thế giới, như bầu cử ở Indonesia (14/2), Nga (15 - 17/3), Ấn Độ (tháng 4 - 5), Nghị viện châu Âu (6 - 9/6), Mỹ (5/11), Anh (quý III - IV), có lẽ cuộc bầu cử ở Mỹ vẫn thu hút sự quan tâm của dư luận thế giới nhất do vị thế và sự ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu của nền kinh tế số 1 thế giới này.
Mặc dù còn có những ẩn số bất ngờ, nhưng có vẻ lịch sử sẽ lặp lại cuộc tái đấu giữa Tổng thống đương nhiệm Joe Biden đại diện cho Đảng Dân chủ và cựu tổng thống Donald Trump đại diện cho Đảng Cộng hòa. Các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy ông Trump đang dẫn trước ông Biden và có khả năng giành chiến thắng để quay lại Nhà trắng. Trên thực tế, nước Mỹ, châu Âu và phần còn lại của thế giới cũng đang xây dựng kịch bản nếu kết quả thăm dò này trở thành sự thật vào tháng 11 năm nay. Với tính khí thất thường và phong cách lãnh đạo kiểu giao dịch của ông Trump, thế giới đang thấp thỏm và mong chờ một kết quả tốt đẹp từ cuộc bầu cử Mỹ.
Trong bối cảnh như vậy, “ngoại giao cây tre Việt Nam” sau gần 40 năm đổi mới trên tinh thần độc lập và tự chủ; đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ quốc tế; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, đã mở rộng và thiết lập quan hệ ngoại giao với 193 quốc gia (3 trong số này được thiết lập trong năm 2023), trong đó 18 quốc gia là đối tác chiến lược hoặc đối tác chiến lược toàn diện (bao gồm cả 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ) và 15 quốc gia là đối tác toàn diện; là thành viên của nhiều cơ chế và hiệp định thương mại tự do đa phương. Những mối quan hệ này đã giúp Việt Nam tạo dựng được một mạng lưới lợi ích đan xen, nhiều tầng nấc; có sự gắn kết và liên kết với nhau. Điều này sẽ giúp chúng ta vững vàng ứng phó với những thách thức, làn gió đổi chiều (nếu có) trong năm 2024.
Nhìn lại những thành tựu xuất sắc của ngành ngoại giao, đối ngoại trong năm 2023, dựa trên cơ đồ, vị thế, tiềm lực và uy tín quốc tế của đất nước ta như hiện nay, chúng ta có thể tự hào rằng dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành ngoại giao toàn diện và hiện đại sẽ tiếp tục đóng vai trò tiên phong trong việc tạo lập và nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của đất nước, thu hút nguồn lực bên ngoài để góp phần hoàn thành hai mục tiêu 100 năm như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định. Trong không khí mừng Xuân, mừng Đảng và với khí thế mới và vận hội mới của đất nước, chúng ta tin rằng ngành ngoại giao, đối ngoại sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong năm 2024.
Thật là: “Ngoại giao xuất hành đáo thành công
Tre xanh vững gốc đón gió đông”