Ngoại giao vaccine: Bài học huy động sức mạnh tổng hợp

Số lượng vaccine phòng Covid-19 về Việt Nam tăng nhanh sau thời gian tập trung vận động cao độ đã giúp đất nước đẩy mạnh tốc độ tiêm chủng, vững bước vào thời kỳ thích ứng với dịch bệnh, tập trung phục hồi kinh tế.

Theo các báo cáo của Bộ Ngoại giao và Bộ Y tế, dưới sự chỉ đạo sát sao, sự tham gia trực tiếp, quyết liệt của các Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội về việc tập trung vận động vaccine trong tháng 9, tháng 10 và đến cuối năm 2021, với tinh thần “vaccine tốt nhất là vaccine được tiêm sớm nhất”; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các bộ, ngành trong nước và các Cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, công tác ngoại giao vaccine thời gian qua đã đạt kết quả rất tích cực.

Thêm vững niềm tin

Nếu như tại thời điểm đầu tháng 8/2021, Việt Nam nhận được khoảng hơn 16 triệu liều vaccine, thì tính đến giữa tháng 10, ta đã nhận được khoảng 91,3 triệu liều vaccine.

Dự kiến, trong tháng 10, có thể tiếp nhận thêm khoảng 34 triệu liều, đến cuối năm 2021, số lượng vaccine về Việt Nam sẽ nhiều hơn nữa.

Với kết quả đó, từ chỗ tỷ lệ tiêm vaccine phòng Covid-19 thấp, trong một tháng trở lại đây, Việt Nam đã đẩy mạnh tiêm vaccine và là một trong những nước có tốc độ tiêm chủng nhanh trên thế giới.

Tính đến ngày 18/10, cả nước đã tiêm được 64.116.359 liều; đã có 27,4 triệu người tiêm 1 liều vaccine và 18,3 triệu người tiêm đủ 2 liều. Tỷ lệ tiêm ít nhất 1 liều vaccine là 63,6% và tỷ lệ tiêm đủ 2 liều là 25,5% dân số từ 18 tuổi trở lên.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sản xuất vaccine và hỗ trợ quá trình sản xuất, thử nghiệm vaccine trong nước; kết nối nhập khẩu một số loại thuốc điều trị Covid-19.

Việt Nam cũng tiếp nhận được số lượng lớn trang thiết bị y tế thiết yếu trị giá hàng chục triệu USD từ nhiều đối tác, tổ chức quốc tế và kiều bào trao tặng.

Tại kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, trong báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định, đến nay dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc và đang thực hiện lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh tại nhiều địa phương, một phần nhờ vào việc đẩy mạnh ngoại giao vaccine, tích cực đẩy mạnh nhập khẩu, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine…

Tại cuộc họp ngày 17/10 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo Chính phủ, nhiều Bộ, ngành, địa phương cũng đánh giá cao kết quả công tác ngoại giao vaccine thời gian qua.

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, chỉ tới khi vaccine về nhiều như trong thời gian qua, chúng ta mới có điều kiện để chuyển dần sang trạng thái mới. Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nhận định, chiến lược vaccine đã phát huy hiệu quả, chúng ta có thể chủ động hơn trong việc chuyển hướng chiến lược phòng chống dịch.

Còn theo Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, nếu không có chiến lược ngoại giao vaccine tốt thì không thể đạt được kết quả như vừa qua và tổn thất chắc chắn sẽ lớn hơn.

Cũng chính những nỗ lực ngoại giao vaccine trong chiến lược tổng thể về vaccine, các khảo sát gần đây cho thấy niềm tin của người dân ngày càng tăng lên, các quyết định vì nước, vì dân thì nhân dân cảm nhận được và đồng tình, ủng hộ.

Đúng người, đúng thời điểm

Những kết quả thu được từ nỗ lực triển khai ngoại giao vaccine đã chứng minh bài học phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và tinh thần tự lực, tự cường; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, tận dụng cơ hội, tăng cường hợp tác và tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế là rất quan trọng, tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Chia sẻ về hậu trường ngoại giao vaccine, Đại sứ Việt Nam tại Australia Nguyễn Tất Thành cho rằng công tác ngoại giao vaccine thành công bước đầu nhờ ta đã vận động toàn diện, trong đó yếu tố quyết định là có sự vận động ở cấp cao nhất.

Lãnh đạo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế đều vào cuộc và vào cuộc nhịp nhàng, ta đã tìm đúng người và chọn đúng thời điểm.

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ chia sẻ, trong bối cảnh “cầu nhiều, cung ít”, Việt Nam có những lợi thế nhất định trong quá trình triển khai công tác ngoại giao vaccine. Đó là uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được củng cố trong những năm qua; là mạng lưới sâu rộng bạn bè, đối tác mà Việt Nam đã tạo dựng, vun đắp.

Bên cạnh đó, vị trí quan trọng của nền kinh tế Việt Nam trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu khiến nhiều nước hết sức nỗ lực giúp đỡ, ủng hộ vaccine cho ta để bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng.

Ngoài ra, chúng ta cũng có một cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài với số lượng đông đảo và tinh thần yêu nước, luôn hướng về Tổ quốc, hỗ trợ quê hương trong việc tiếp cận nguồn vaccine cũng như thuốc điều trị, trang thiết bị y tế.

Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là việc chúng ta đã phát huy tốt những giá trị cao đẹp của truyền thống văn hóa dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, đoàn kết trong giai đoạn đầu đại dịch, sẵn sàng chia sẻ, của ít lòng nhiều giúp đỡ bạn bè khẩu trang, vật tư y tế, trang thiết bị phòng chống dịch trong khả năng và nguồn lực của chúng ta.

Nghĩa cử đó được bạn bè quốc tế đánh giá cao, trân trọng và cảm kích. Việc bạn bè quốc tế sẵn lòng hỗ trợ chúng ta hiện nay một phần cũng là tri ân những nghĩa cử chúng ta đã dành cho các bạn.

Vẫn là nhiệm vụ chiến lược

Ngoại giao vaccine đã từng bước thực hiện sứ mệnh đưa những nguồn vaccine quý giá về với nhân dân, góp phần quan trọng vào cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, tạo điều kiện quan trọng để đất nước chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với dịch bệnh, khôi phục các hoạt động sản xuất, kinh doanh và phục hồi kinh tế.

Khi việc sản xuất vaccine “Made in Vietnam” vẫn đang tiếp tục được thúc đẩy thì ngoại giao vaccine chính là con đường hiệu quả nhất nhằm giúp đất nước tiếp cận các nguồn vaccine trên thế giới.

Như lời Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh từng khẳng định, ngoại giao vaccine vừa là nhiệm vụ cấp bách, vừa là nhiệm vụ chiến lược, dài hạn và là “mặt trận” quyết định thành công đối với chiến lược vaccine của Chính phủ.

Thời gian tới, dịch bệnh được đánh giá là tiếp tục phức tạp, khó dự báo, thậm chí đến nay chưa thể xác định thời gian kết thúc. Các nước đang chuyển sang thích ứng với dịch bệnh, tập trung phục hồi kinh tế, coi tiêm vaccine là điều kiện tiên quyết để chung sống với Covid-19.

Tình hình sản xuất vaccine có thể được cải thiện, nhưng vẫn còn đó sự bất bình đẳng trong phân phối và tiếp cận vaccine. Nhiều nước dự trữ để tiêm liều thứ ba, tiêm cho trẻ em…

Trong bối cảnh đó, báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 xác định tập trung nỗ lực cao nhất cho phòng, chống dịch Covid-19; triển khai hiệu quả Chiến lược tổng thể về phòng, chống dịch, có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 được coi là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách của các cấp, các ngành ngay từ đầu năm 2022.

Tại cuộc họp ngày 13/10, Tổ công tác Chính phủ về ngoại giao vaccine dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã xác định ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới là theo dõi sát tình hình tiếp nhận vaccine từ các đối tác đã cam kết và đôn đốc đối tác thực hiện đúng tiến độ từ nay đến cuối năm 2021; tiếp tục tham mưu cho Chính phủ trong quá trình xây dựng kế hoạch tổng thể về nhu cầu vaccine cho năm 2022, bao gồm vaccine cho trẻ em từ 5-12 tuổi, từ 12-18 tuổi và vaccine tiêm mũi tăng cường, cũng như năng lực sản xuất trong nước để đảm bảo chủ động trong việc tiếp cận vaccine.

Bên cạnh đó, cần thúc đẩy hợp tác quốc tế trong sản xuất vaccine để hỗ trợ phát triển vaccine trong nước, bảo đảm nguồn cung ổn định và tự chủ lâu dài về vaccine. Tổ công tác cũng xác định đẩy mạnh tiếp cận các loại thuốc đặc trị Covid-19 vì thuốc điều trị Covid-19 có vai trò quan trọng trong hạn chế các ca bệnh nặng, giảm tỷ lệ tử vong và là giải pháp cho chung sống lâu dài, an toàn với dịch bệnh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cuộc họp định kỳ của Tổ công tác ngoại giao vaccine
Cuộc họp định kỳ của Tổ công tác ngoại giao vaccine

VOV.VN - Dự kiến trong tháng 10, Việt Nam có thể tiếp nhận thêm khoảng 34 triệu liều, đến cuối năm 2021, số lượng vaccine tục về nhiều hơn nữa.

Cuộc họp định kỳ của Tổ công tác ngoại giao vaccine

Cuộc họp định kỳ của Tổ công tác ngoại giao vaccine

VOV.VN - Dự kiến trong tháng 10, Việt Nam có thể tiếp nhận thêm khoảng 34 triệu liều, đến cuối năm 2021, số lượng vaccine tục về nhiều hơn nữa.

Chủ tịch Quốc hội bắt đầu chuyến công tác Châu Âu, thúc đẩy ngoại giao vaccine
Chủ tịch Quốc hội bắt đầu chuyến công tác Châu Âu, thúc đẩy ngoại giao vaccine

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5 – 11/9.

Chủ tịch Quốc hội bắt đầu chuyến công tác Châu Âu, thúc đẩy ngoại giao vaccine

Chủ tịch Quốc hội bắt đầu chuyến công tác Châu Âu, thúc đẩy ngoại giao vaccine

VOV.VN - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu Đoàn Đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị các Chủ tịch Quốc hội thế giới lần thứ 5 (WCSP5) tại Cộng hòa Áo, thăm và làm việc với Nghị viện châu Âu (EP), Vương quốc Bỉ và thăm chính thức Cộng hòa Phần Lan từ ngày 5 – 11/9.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Công tác ngoại giao vaccine đã đạt các kết quả tích cực
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Công tác ngoại giao vaccine đã đạt các kết quả tích cực

VOV.VN - Chiều ngày 24/8/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp với Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Công tác ngoại giao vaccine đã đạt các kết quả tích cực

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Công tác ngoại giao vaccine đã đạt các kết quả tích cực

VOV.VN - Chiều ngày 24/8/2021, tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp với Tổ công tác của Chính phủ về ngoại giao vaccine.