Ngổn ngang quy hoạch đô thị

Theo nhiều đại biểu Quốc hội, nguyên nhân của tình trạng này là quy hoạch chưa phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của đất nước

Tiếp tục kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XII, trong buổi chiều 22/10, Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật quy hoạch đô thị. Dự kiến, Dự án Luật quy hoạch đô thị sẽ được Quốc hội thông qua vào kỳ họp tới.

Đa số các đại biểu ở các đoàn Hà Tĩnh, thành phố Hà Nội, Hoà Bình, Phú Thọ đều nhấn mạnh đến việc cần thiết phải ban hành Luật quy hoạch đô thị. Các đại biểu cho rằng, trong thời gian vừa qua, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra khá mạnh mẽ. Đây là khu vực có đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong quản lý và phát triển đô thị. Nguyên nhân của tình trạng này là do còn nhiều hạn chế trong việc quy hoạch đô thị. Việc ban hành Luật Quy hoạch đô thị là cần thiết, nhằm điều chỉnh các hoạt động về lập quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị theo quy hoạch.

Quy hoạch khắp nơi theo “nhiệm kỳ”

Qua thảo luận, nhiều đại biểu quan tâm đến yêu cầu đối với quy hoạch đô thị. Theo đa số đại biểu, việc quy hoạch đô thị phải được điều chỉnh song song với tổng thể phát triển đô thị cả kinh tế - xã hội, đời sống của cộng đồng dân cư. Như vậy mới đảm bảo được việc phát triển đô thị theo quy hoạch có tính bền vững, đảm bảo lợi ích của người dân.

Theo đại biểu Đặng Văn Khanh, Nguyễn Ngọc Đào (đoàn Thành phố Hà Nội), Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn Phú Thọ), hiện nay việc quy hoạch đô thị ở nước ta còn nhiều bất cập theo kiểu “quy hoạch khắp nơi theo nhiệm kỳ”. Đại biểu Đặng Văn Khanh bức xúc: “Nhìn tổng thể thì có lẽ chúng ta không có quy hoạch đô thị. Nếu có thì Hà Nội đã không bị “băm nát” ra như bây giờ. Vì vậy, hết sức cần thiết phải có một bộ Luật điều chỉnh vấn đề này.  Quan trọng nhất trong lập quy hoạch là phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế của đất nước, của vùng, nếu không thì quy hoạch nào cũng sẽ bị phá vỡ”.

Đại biểu Nguyễn Thế Thịnh (đoàn Thành phố Hà Nội)

Đồng với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thế Thịnh (đoàn Thành phố Hà Nội) nhấn mạnh: “Việc quy hoạch đô thị là việc làm cho tương lai, phải hết sức cẩn trọng. Tất cả các điều tra, tính toán đều phải được dự báo trước. Vậy mà Dự án Luật lại không có quy định về việc điều tra, dự báo sâu sắc về sự phát triển kinh tế cũng như quy mô dân số”.

Còn theo đại biểu Hà Văn Hiền (đoàn thành phố Hà Nội), với đô thị đặc biệt như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, thậm chí cả ở những vùng lân cận cần phải có cơ chế riêng trong việc lập quy hoạch đô thị. Nên để cho chính quyền ở địa phương đó lập quy hoạch, vì không ai hiểu việc quy hoạch địa phương như chính quyền nơi đó.

Kiến trúc sư trưởng chưa thể hiện được vai trò “nhạc trưởng”

Một vấn đề cũng được hầu hết các đại biểu cho ý kiến là việc nên hay không nên quy định chức danh Kiến trúc sư trưởng. Phần lớn các đại biểu đều cho rằng, không cần thiết có chức danh này. Bởi ở các đô thị đều đã có các cơ quan chuyên môn giúp UBND thực hiện chức năng quản lý Nhà nước và tham mưu cho Chủ tịch UBND những vấn đề về xây dựng, quy hoạch đô thị như là Sở Xây dựng, Sở Quy hoạch kiến trúc. Mặt khác, trong dự thảo Luật đã có quy định về Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thực hiện các nhiệm vụ tương tự như Kiến trúc sư trưởng.

Góp ý về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Đào tỏ ra khá bức xúc: “Nhắc đến kiến trúc sư trưởng là người dân sợ, Sở Quy hoạch kiến trúc sợ, thậm chí UBND thành phố cũng sợ. KTS trưởng phải là một “nhạc trưởng” cho quy hoạch thành phố, nhưng các kiến trúc sư trưởng từ trước đến nay đã đóng góp được gì cho quy hoạch đô thị, hay là “góp công” vào “băm nát” kiến trúc thành phố? Vì thế, cần để người dân quyết định nên có hay không chức danh này”.

Còn theo đại biểu Nguyễn Tiến Dĩnh, việc thành lập Hội đồng kiến trúc quy hoạch là hoàn toàn cần thiết, để giúp Chủ tịch UBND thành phố về vấn đề quy hoạch. Vì thế không cần thiết phải quy định chức danh kiến trúc sư trưởng. Riêng đối với các đô thị loại 1 hoặc đô thị đặc biệt nên giao cho địa phương đó lập quy hoạch và trình Chính phủ quyết định.

Các đại biểu này cũng đề nghị xem xét có nên tồn tại Sở Quy hoạch kiến trúc như hiện nay không. Vì thực tế, trong thời gian vừa qua, Sở này hoạt động cầm chừng, không hiệu quả. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh nêu quan điểm: “Theo tôi, không cần thiết phải có sở quy hoạch kiến trúc, ngay cả ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Bộ Xây dựng cũng đã có Viện Quy hoạch, và dự án Luật cũng đã có quy định về nhiệm vụ của Hội đồng quy hoạch”.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh và một số đại biểu lại tán thành quy định có cả chức danh Kiến trúc sư trưởng và Hội đồng Kiến trúc quy hoạch tại thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó, Kiến trúc sư trưởng là người thực hiện nhiệm vụ giám sát và quản lý quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để không trùng với chức năng tư vấn của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch.

Trước đó, trong buổi sáng nay, các đại biểu đã họp tại Hội trường, nghe các Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban của Quốc hội về các Dự án Luật quy hoạch đô thị và Luật quản lý nợ khu vực công; nghe các Tờ trình về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009.

Sáng mai, Quốc hội làm việc ở Tổ, thảo luận về dự kiến xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2009; dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009./. 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên