Người dân cần cảnh giác với thông tin xấu độc
VOV.VN - Trách nhiệm thuộc về các cơ quan báo chí chính thống. Nếu như có thông tin một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời thì người dân cũng sẽ phân biệt được đâu là thông tin bịa đặt.
Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Công an vừa cho biết: thời gian qua, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã xử lý một số vụ án sai phạm tại các Công ty Việt Á, Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Hoàng Minh…
Lợi dụng việc Bộ Công an xử lý các vụ án này, các phần tử xấu đã đăng tải, tán phát nhiều tin giả, gây hoang mang dư luận, nhất là thông tin cho rằng Bộ Công an sẽ tiến hành xử lý tiếp một số tập đoàn, doanh nghiệp kinh tế lớn. Bộ Công an khẳng định, đây là những thông tin giả, sai sự thật.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV bên hành lang Quốc hội, đại biểu Đặng Xuân Phương, đoàn Nghệ An cho rằng, sự phát triển của các mạng xã hội cho phép người dân tiếp cận được nhiều luồng thông tin khác nhau. Tuy nhiên, bên cạnh đó một số đối tượng lợi dụng, mạng xã hội để đưa tin không đúng sự thật, tin xấu độc về các vụ án nhằm xuyên tạc chủ trương quan điểm đường lối của Đảng, Nhà nước cũng như quá trình thực hiện, chức trách nhiệm vụ của các cơ quan chức năng.
Đại biểu Đặng Xuân Phương lưu lý người dân khi tiếp cận các thông tin trên mạng xã hội cần nâng cao cảnh giác, có ý thức tự miễn nhiễm trước những thông tin xấu độc: “Bộ thông tin và truyền thông đã ban hành hướng dẫn về tiêu chuẩn nhận diện tình trạng bão hòa trang thông tin điện tử mạng xã hội. Bên cạnh đó, có khả năng tự nhận thức được những luồng thông tin xấu độc trên các phương tiện mạng xã hội hiện nay. Việc kiên quyết xử lý kịp thời các bằng các biện pháp đấu tranh gỡ bỏ các thông tin xấu độc trên mạng xã hội cần phải có sự vào cuộc của các lực lượng chức năng, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước. Các cấp phải phát huy đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong hệ thống chính trị bằng các công cụ báo chí truyền thông chính thống của Đảng và Nhà nước”.
Trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 14 của Ủy ban TVQH vào tháng 8 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đánh giá, tình trạng tán phát tin giả, tin sai sự thật trên mạng xã hội đáng báo động và đang diễn biến rất phức tạp, theo chiều hướng gia tăng, gây ảnh hưởng không nhỏ đến dư luận xã hội. Trước tình hình đó, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai nhiều giải pháp đấu tranh đồng bộ về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật nhằm buộc các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam; qua đó kiểm soát, hạn chế, ngăn chặn, gỡ bỏ kịp thời thông tin giả, xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, lợi dụng việc Bộ Công an xử lý các vụ án tham nhũng thời gian qua, các phần tử xấu tiếp tục đăng tải, tán phát nhiều tin giả, gây hoang mang dư luận, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) đề nghị: “Để không có thông tin xấu độc, ít thông tin xấu độc, nghĩa là hạn chế đến mức tối đa thì trách nhiệm thuộc về Bộ Thông tin Truyền thông và một số các bộ, ngành có liên quan. Nhưng điều quan trọng thứ hai nữa, khi có thông tin xấu độc thì làm như thế nào để hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng thì tôi nghĩ rằng trách nhiệm thuộc về các cơ quan báo chí chính thống. Bởi nếu như có thông tin một cách đầy đủ, chính xác và kịp thời thì người dân cũng sẽ dễ dàng tiếp cận thông tin và họ sẽ phân biệt được đâu là thông tin bịa đặt đâu là thông tin chính thống”.
Các đại biểu cũng kỳ vọng vào những giải pháp thời gian tới khi mà tại kỳ họp thứ 4 này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trực tiếp trả lời chất vấn trước Quốc hội sẽ đưa ra được những giải pháp căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng đăng tải, tán phát nhiều tin giả trong tình trạng này trong thời gian tới./.