Người lính, dù ở phía nào cũng thấy “chiến tranh là đau thương“
VOV.VN -"Chiến tranh là 1 điều tồi tệ.Tôi có rất nhiều người bạn cựu binh ở Mỹ và tất cả chúng tôi đều có cảm thấy như vậy".
Những người lính từng đi qua cuộc chiến, dù ở phía nào cũng hiểu rằng chiến tranh là đau khổ, mất mát. Chiến tranh để lại muôn vàn nỗi đau thương. Chiến tranh làm không ít gia đình rơi vào hoàn cảnh người Bắc kẻ Nam, anh em trong nhà người là chiến sĩ cách mạng, người mặc áo Việt Nam Cộng hòa, cầm súng chĩa vào nhau. Dù hy sinh hay tử trận ở bên nào thì mẹ, cha và người thân đều vô cùng đau đớn.
Người thân của ông Duận ở 2 bên chiến tuyến được thờ chung |
Đã 44 năm kể từ ngày đất nước thống nhất, những câu chuyện về hòa hợp trong mỗi gia đình; những cái bắt tay, ôm nhau của những cựu chiến binh từng đối đầu nhau ở hai bên chiến tuyến đã làm dịu vơi nỗi đau hậu chiến. Đất nước hòa bình, câu chuyện hòa hợp càng lay động trái tim những người yêu chuộng hòa bình.
Chiến tranh khiến những người thân của ông Nguyễn Đức Duận, 65 tuổi ở thôn Lam Thủy, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị phải gánh chịu cảnh 1 gia đình 2 chiến tuyến. Chính giữa gian thờ trong căn nhà ông Duận có 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công của bố và 2 chú ruột, danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam anh hùng của bà nội; phía bên kia là di ảnh người chú ruột từng đi lính Việt Nam Cộng hòa.
Lặng lẽ thắp nén nhang lên bàn thờ, giọng ông Duận ngậm ngùi: Ông bà nội của ông sinh được 6 người con, 4 trai và 2 gái. Bố ông là liệt sĩ Nguyễn Đức Luận, hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, 2 em út của ông Luận cũng là liệt sĩ. Sau khi các anh em trong nhà theo Cách mạng, người em trai của ông Luận là ông Nguyễn Đức Miếu ở nhà chăm sóc bố mẹ nhưng bị địch bắt đi lính rồi tử nạn. Suốt buổi trò chuyện, ông Duận nhắc đi nhắc lại, dù ở phía nào thì gia đình ông cũng đều mất mát, đau khổ. Chiến tranh khiến gia đình ông gánh chịu nhiều đau thương. Theo ông Nguyễn Đức Duận, bây giờ, chính sách hoà hợp, hoà giải dân tộc của Đảng và Nhà nước ta cởi mở hơn giúp gia đình vơi đi nỗi đau trong quá khứ.
"Trong chiến tranh, gia đình tôi tham gia từ 2 phía, Cách mạng cũng có mà đi lính Việt Nam Cộng hòa cũng có nhưng đều hy sinh và chết hết. Nỗi lòng trong gia đình, tình thâm máu huyết dù cho ai đi theo con đường nào mà hy sinh, mà chết đi vẫn là sự đau buồn, nỗi đau ruột thịt, máu mủ. Về câu chuyện hòa hợp tôi thấy đã là huyết thống, gia đình hoặc dân tộc thì đều là người con của Việt Nam, kêu gọi mọi người đoàn kết với nhau để đi tiếp con đường mới chứ không nên gây sâu thêm thù hận".
Cuộc gặp gỡ của 2 cựu chiến binh từng ở 2 chiến tuyến đối đầu nhau |
Sự thù hận có thể được hóa giải từ những cái bắt tay, cái ôm nhau trong thời bình của những người lính từng ở hai bên chiến tuyến. Một buổi chiều bên dòng sông Thạch Hãn, 2 cựu chiến binh gặp nhau: 1 người từng là chiến sĩ Cách mạng và 1 người từng là lính Mỹ. Một cuộc gặp gỡ không hẹn trước, đầy xúc động. Đó cuộc gặp giữa cựu chiến binh Lê Bá Dương, sống tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, từng là bộ đội của Trung đoàn 27 Triệu Hải và ông Michael Clatterbuck, sống tại Mỹ, từng là lính của Trung đoàn 12 pháo binh, Sư đoàn 3 Thủy quân Đông Hà, Quảng Trị. Họ nói chuyện rất lâu rồi sau đó cùng nhau thả những nhánh hoa xuống dòng Thạch Hãn tri ân các anh hùng liệt sĩ.
Cựu binh Lê Bá Dương đã viết tặng ông Michael bài thơ “Lời người bên sông” |
Ông Lê Bá Dương tâm sự, đây là cuộc gặp bất ngờ nhưng có ý nghĩa rất đặc biệt. Chiến tranh, họ là 2 người lính ở 2 chiến tuyến đối đầu nhau. Ông và các đồng đội ông cầm súng để bảo vệ quê hương đất nước. Tại bến sông Thạch Hãn, ông Lê Bá Dương tặng ông Michael Clatterbuck bức ảnh kỷ niệm chụp bến sông Thạch Hãn trên đó có ghi bài thơ “Lời người bên sông” do Lê Bá Dương sáng tác.
Cựu chiến binh Lê Bá Dương tâm sự: "Thời kỳ chiến tranh, 2 người lính ở 2 chiến tuyến khác nhau và người ta đến với tâm thế của người lính đi theo mệnh lệnh của chủ trương xâm lược của Chính phủ họ. Bây giờ, khi đến đây rồi và gặp nhau ở nơi này có 1 ý nghĩa đặc biệt để cho những người lính hiểu thêm về nhau và hiểu thêm lý do cầm súng của nhau và để không lặp lại những điều tồi tệ"
Cựu chiến binh Lê Bá Dương và ông Michael, cựu chiến binh Mỹ thả hoa đăng trên sông Thạch Hãn. |
Rời cuộc chiến, ông Michael Clatterbuck trở về nước đi học, lấy bằng đại học rồi thạc sĩ và làm trong ngành ngân hàng cho đến khi nghỉ hưu vào 2013. Ông dành thời gian học tiếng Việt, nghiên cứu về lịch sử, văn hoá Việt Nam. Đến nay, ông Michael Clatterbuck đã 10 lần trở lại Việt Nam, trong đó, 3 lần tới Quảng Trị. Cuộc gặp gỡ lần này với ông là kỷ niệm đáng nhớ. Tâm nguyện của ông là được thắp hương và thả hoa đăng tưởng niệm những người lính Việt Nam đã hy sinh trên dòng sông Thạch Hãn.
Ông Michael Clatterbuck bộc bạch: "Những cựu binh là những người đi qua cuộc chiến và trải qua những đau thương mất mát. Chiến tranh là 1 điều tồi tệ, tôi có rất nhiều người bạn cựu binh ở Mỹ và tất cả chúng tôi đều có cảm thấy như vậy. Đó là điều mà chúng ta cần phải tránh bằng mọi giá. Khi quay trở lại đây, tôi thấy con người rất thân thiện, rất tử tế. Đó là điều luôn làm tôi ngạc nhiên bởi vì chúng tôi có lỗi trong quá khứ".
Chiến tranh đã kết thúc từ lâu. Những nỗi đau của quá khứ cũng dịu vơi. Hòa hợp trong mỗi gia đình hay những cái bắt tay ôm chặt với nhau của những người một thời cầm súng, từng đối đầu nhau ở hai bên chiến tuyến sẽ là nền tảng để cùng nhau khép lại quá khứ, hướng đến tương lai./.
Nụ cười hòa hợp của những người lính 2 đầu chiến tuyến