Nguồn tiền Việt kiều dùng để mua nhà cần được xác minh rõ

Đây là ý kiến của nhiều đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai.  

Sáng 2/9 tại hội trường, Quốc hội tiếp tục làm việc với phần thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai.

Đảng và Nhà nước ta luôn khẳng định, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời và là nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước. Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Điều 126 của Luật Nhà ở và Điều 121 của Luật Đất đai được đưa ra Quốc hội lần này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người Việt Nam ở nước ngoài trở về nước sinh sống, làm việc và cống hiến cho đất nước. Tuy nhiên, dự thảo Luật còn có một số vấn đề khiến nhiều đại biểu băn khoăn như: Đối tượng được mua nhà; Quản lý việc mua nhà và đất ở cũng như xác định nguồn tiền hợp pháp để mua nhà.

Xét đối tượng được mua nhà

Hiện nay có khoảng 3 triệu người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trong đó có rất nhiều người muốn mua nhà ở Việt Nam như người về đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, người có công đóng góp cho đất nước, nhà văn hóa, nhà khoa học… Đây là nhóm đối tượng thuộc diện được ưu tiên, khuyến khích về đầu tư, đóng góp cho quê hương. Tuy nhiên, cũng cần phải xem xét kỹ lưỡng những người được phép mua nhà ngoài nhóm đối tượng trên. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Hồng Nhị (đoàn Nghệ An).

Theo đại biểu Nguyễn Hồng Nhị, Nhà nước cần quy định rõ người Việt Nam ở nước ngoài phải đủ 18 tuổi, có quốc tịch Việt Nam thì mới được sở hữu 1 nhà ở. Điều này sẽ tránh được trường hợp những người có quốc tịch Việt Nam nhưng lại mang theo con, cháu mang quốc tịch nước ngoài trở về nước mua nhà để đầu cơ bất động sản.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam), Phạm Xuân Thường (đoàn Thái Bình) còn cho rằng, những người được mua nhà phải cam kết mua nhà để ở, chứ không được sử dụng vào mục đích khác. Nếu mua nhà một thời gian sau đó lại cho thuê thì cần quy định rõ thời gian cho thuê và mục đích thuê. Còn nếu người mua nhà muốn sang tên cho người khác thì người được sang tên cũng phải có quốc tịch Việt Nam. 

Nguồn tiền mua nhà phải hợp pháp

Về vấn đề Quản lý việc mua nhà cũng như xác định nguồn tiền hợp pháp để mua nhà, đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài được mua nhà phải được xác nhận cư trú tại Việt Nam từ 3-6 tháng, mua nhà vì mục đích gì?, nguồn tiền mua nhà có hợp pháp không, tránh trường hợp “rửa tiền”, dùng đồng tiền không hợp pháp để mua nhà. 

Chia sẻ xung quanh vấn đề này, đại biểu Trần Văn Tấn (đoàn Tiền Giang) nêu ý kiến: Trước khi người Việt Nam định cư ở nước ngoài muốn mua nhà ở Việt Nam thì các Bộ, ngành về đất đai ở Việt Nam phải xác minh rõ tài sản cũng như nguồn tiền mà Việt kiều muốn mua nhà. Nếu Việt kiều nào được chứng thực có tài sản chính đáng thì mới được mua.

Để thực hiện tốt công việc này, đại biểu Trần Văn Tấn cho rằng, Luật Đất đai và Luật Nhà ở có thể gia thêm thời hạn cho Việt kiều sang Việt Nam. Qua đó cũng có thêm thời gian để các cơ quan về đất đai thực hiện việc xác minh lý lịch, tài sản của Việt kiều mua nhà.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) đưa ra quan điểm: Tài sản, khoản tiền mà Việt kiều dành để mua nhà ở Việt Nam phải được xác minh kỹ lưỡng thông qua việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ từ khi Việt kiều đó ở nước ngoài chứ không phải khi họ về nước mới bắt đầu kiểm tra. Có như vậy, việc làm thủ tục cho Việt kiều mua nhà mới nhanh chóng, thuận tiện.

Chiều nay, Quốc hội làm việc tại hội trường với phần nghe Chính phủ báo cáo về kết quả công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam-Trung Quốc./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên