Nguyện làm theo Di chúc của Người
Bốn mươi năm qua, dù Bác đã đi xa nhưng trong tâm trí hàng triệu người dân Việt Nam vẫn khắc ghi và nguyện làm theo lời dặn dò của Người để xây dựng non sông, đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.
40 năm trước, những ngày mà nhà thơ Tố Hữu đã viết “Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa” khi bản Di chúc được công bố cũng là khi hàng triệu trái tim nghẹn ngào tiễn đưa Bác vào cõi thiên thu. Không chỉ người dân Việt khóc mà bạn bè khắp năm châu cũng rơi lệ tiễn đưa người anh hùng dân tộc, nhà cách mạng luôn đấu tranh chống áp bức bóc lột vì hòa bình trên toàn thế giới.
Nhiếp ảnh gia Hữu Cấy - người vinh dự được giao nhiệm vụ chụp ảnh tang lễ của Bác 40 năm trước bồi hồi nhớ lại: “Từ ngày Bác đi xa đến giờ, mỗi lần ra Hà Nội tôi đều thăm nhà sàn, thăm Lăng Bác, cảm xúc của tôi trong lòng cứ xốn xang lên. Đến Lăng Bác cứ nghĩ Bác nằm đấy và trong lòng không nguôi nhớ Bác”.
Không chỉ riêng nhiếp ảnh gia Hữu Cấy nhớ Bác mà tất cả chúng ta đều hướng về Người với lòng tôn kính. Nhớ Bác, nguyện đi theo con đường mà Bác đã vạch ra, quyết tâm thực hiện những gì Bác để lại trong di chúc như lời của anh Nguyễn Thành Trung, Ban cán bộ, phòng chính trị Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói: “Đối với lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng vũ trang tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu nói riêng thì mỗi cán bộ, đảng viên đều phải học tập ở Bác nhiều công việc khác nhau. Học ở Bác tinh thần trung với nước hiếu với dân, học ở Bác tình thần làm việc hết mình luôn vì dân. Người cán bộ lúc nào cũng là công bộc của dân”.
Áng văn bất hủ, với những lời yêu thương để lại cho cháu con đã khiến toàn dân ta biến đau thương thành hành động, một lòng, một dạ theo Đảng, theo lời dặn của Người - đi làm cách mạng và đã thành công. Di chúc và tư tưởng Hồ Chí Minh là niềm tự hào, là sức mạnh của cả dân tộc, là kim chỉ nam cho chúng ta trên bước đường dựng xây, đưa đất nước sánh vai với các cường quốc năm châu.
Học và làm theo Bác là học cách làm người Cách mạng, lo việc nước, việc dân. Suốt cuộc đời mình, Bác luôn "Nâng niu tất cả, chỉ quên mình" , thì nay cháu con xin nguyện làm theo lời Người. Những hoạt động tương thân tương ái, chăm sóc các đối tượng chính sách đã thành phong trào rộng lớn chính là thực hiện những gì Bác hằng mong muốn lúc sinh thời. Mỗi một người dân Việt Nam không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính đều làm theo Bác từ những việc cụ thể của chính mình.
Em Ngô Việt Tuấn, học sinh lớp 12 ở thành phố biển Vũng Tàu bày tỏ suy nghĩ: “Bác Hồ có rất nhiều đức tính tốt đẹp. Những đức tính tốt đẹp ấy đều là những bài học quý báu cho thế hệ trẻ chúng em sau này. Em đã học được tính tiết kiệm ở Bác. Và chúng ta đều biết Bác đã tự học, tự một mình ra ngoài nước Pháp, các nước lớn khác. Đức tính mà em học được ở Bác là chịu khó làm việc, không ngừng học hỏi”. Còn chị Nguyễn Thị Thu Hà ở xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, thành phố Hồ Chí Minh bộc bạch: “Học tập ở Bác thì rất nhiều, chẳng hạn như mình biết tiết kiệm. Tiết kiệm về thời gian, tiết kiệm công sức, làm như thế nào để đạt hiệu quả cao”.
Học và làm theo Bác, bởi tất cả đều tự hào được làm cháu con của Người. Xin được kết thúc bài viết này bằng những câu thơ ý nghĩa của nhà thơ Tố Hữu trong trường ca "Theo chân Bác":
“Lời Di chúc gửi, êm bên gối
Quên nỗi mình đau, để nhớ chung”./.