Nhà giàn DK1- Cột mốc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc
VOV.VN - Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, trách nhiệm và đầy tự hào đối với cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trực tiếp trên biển đảo.
Ngày 5/7/1989, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nước CHXHCN Việt Nam đã ra Chỉ thị thành lập Cụm Dịch vụ - Kinh tế - Khoa học - Kỹ thuật trên thềm lục địa phía Nam, gọi tắt là (DK1) thuộc sự quản lý của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.
Cụm được xây dựng dưới dạng các nhà giàn, phục vụ mục đích dân sự trên biển. Trên khu vực biển đông, Việt Nam đã xây dựng các nhà giàn DK1 trên 7 khu vực, gồm 20 nhà giàn trên 6 bãi đá ngầm Tư Chính, Phúc Tần, Phúc Nguyên, Huyền Trân, Quế Đường và Ba Kè và (01 nhà giàn trên bãi cạn Cà Mau).
Trải qua 34 năm thành lập và đi vào hoạt động, các nhà giàn ngày càng được xây dựng khang trang, vững chãi, đảm bảo các điều kiện sinh hoạt và công tác cho cán bộ chiến sĩ, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.
Nhà giàn DK1/20 được xây dựng năm 1998, là một trong 4 Nhà giàn được xây dựng tại bãi đá Ba Kè. Là nơi có vị trí chiến lược về an ninh quốc phòng, là tuyến phòng thủ từ xa về kinh tế, nguồn lợi thủy sản, khai thác dầu khí và giao thương hàng hải quốc tế, Ba Kè được xác định là khu vực biển hết sức phức tạp, nước ngoài thường xuyên sử dụng tàu nghiên cứu, tàu cải dạng, tàu chiến vào thăm dò địa chất, trinh sát, quấy rối, vi phạm chủ quyền của ta. Thậm chí có nhiều tàu cá nước ngoài đánh bắt trái phép hải sản ở khu vực này. Bởi vậy, công tác bảo vệ các trạm luôn căng thẳng, đặt ra yêu cầu rất cao.
Bảo vệ, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển là nhiêm vụ quan trọng được Thiếu tá Lê Thế Quyền - Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK1/20 nhấn mạnh, công tác giúp đỡ bà con ngư dân vươn khơi bám biển thì Nhà giàn cũng hỗ trợ, thứ nhất là ký xác nhận cho bà con về hỗ trợ ngư dân đánh bắt của Nhà nước; thứ 2 là hỗ trợ về khám, chữa bệnh, cung cấp thuốc men, có thể là nước uống khi bà con có khó khăn, đột xuất và cũng tuyên truyền cho bà con nắm về các quy định về đánh bắt cũng như tuyên truyền về chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc…
Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao thì yêu cầu đối với cán bộ chiến sĩ nhà giàn là phải bảo đảm sức khỏe cả thể chất lẫn tinh thần. Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho các nhà giàn, nhiều dụng cụ tập thể thao, phương tiện giải trí và cập nhật thông tin được trang bị, song ở nơi chỉ có biển và trời, điều kiện ăn ở của cán bộ, chiến sĩ trên nhà giàn nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Cùng công tác trong quân ngũ, khi ra thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Đại tá Nguyễn Huy Thăng - Chỉ huy trưởng BCH quân sự tỉnh Hải Dương xúc động, cảm phục đồng đội đang thực hiện nhiệm vụ trên biển.
Đại tá Nguyễn Huy Thăng rất ấn tượng về khả năng và quyết tâm của các cán bộ, chiến sỹ giữa vùng trời nước mênh mông, nhưng lại khan hiếm nước ngọt: "Đất để cho cây trồng khó khăn nhưng các đồng chí xây dựng, các đồng chí trồng trọt được những mảnh vườn rất ấn tượng. Các đồng chí ở ngoài nhà giàn ngoài những nhiệm vụ rất đặc biệt là canh giữ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời các đồng chí còn phải khắc phục mọi khó khăn gian khổ với điều kiện bảo đảm cuộc sống. Và tôi nghĩ là một vấn đề hết sức quan trọng là các đồng chí phải có bản lĩnh để vượt lên chính mình. Bản thân các đồng chí, giữa trời nước mênh mông, các đồng chí ra ngoài này xa cách hậu phương, gia đình, xa cách hoạt động xã hội thường nhật, nên các đồng chí phải tự vượt lên chính mình mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu, giữ vững chủ quyền biển đảo. …"
Giữa khuôn viên giới hạn của Nhà giàn đã có những cuộc gặp gỡ đầy cảm xúc như thế. Và có lẽ, ở người dầu khí Nguyễn Đăng Khoa - Phó Chánh Văn phòng Đảng ủy Liên doanh dầu khí Việt - Nga (Vietsovpetro) còn trào dâng niềm tự hào khi được trở lại với DK1/20 - Ba Kè vốn thân thiết với ông từ những ngày đầu khi mới thai nghén hình hài.
Ông Nguyễn Đăng Khoa bày tỏ, rất vinh dự được theo Đoàn công tác số 13 đến công tác, thăm Nhà giàn DK và cũng rất tự hào vì công trình này do chính đơn vị ông xây dựng và lắp đặt tại đây: "Đây là niềm tự hào của người xây dựng dầu khí Vietsovpetro cũng như toàn thể người dân Việt Nam. Trước đây do điều kiện khó khăn thì các Nhà giàn còn nhiều cái chưa được mở rộng, nhưng hiện nay thì các Nhà giàn đã được mở rộng và tạo điều kiện cho các cán bộ chiến sĩ sinh hoạt trên Nhà giàn rất tốt…"
Nhớ lại những ngày tháng cùng đoàn kỹ sư, công nhân của dầu khí Vietsovpetro phải chiến đấu kiên cường với nắng gió, sóng biển dữ dằn và tàu hải cảnh, tàu tuần tra của nước ngoài làm khó trong quá trình tham gia thi công, ông Nguyễn Đăng Khoa càng cảm phục các cán bộ, chiến sĩ đang sống và làm việc tại Nhà giàn DK1/20 Ba Kè. Không chỉ giỏi huấn luyện, các chiến sĩ đã chủ động thiết kế những khu vườn tránh nắng mưa, sóng biển thời tiết khắc nghiệt để trồng rau xanh cải thiện bữa ăn.
"Trong thiết kế thì không có phần chăn nuôi hoặc là trồng cây trên này, nhưng các chiến sĩ của chúng ta rất sáng tạo và linh hoạt, chủ động trong công tác cung cấp thức ăn thực phẩm cũng như rau xanh cho cả Nhà giàn. Các đồng chí đã năng động sáng tạo và tự sinh hoạt trồng cây để cải thiện cuộc sống của mình. Tôi thấy đây là một sự cố gắng lớn của các cán bộ chiến sĩ…"- ông Nguyễn Đăng Khoa nói.
Trên thực tế, mặc dù được cung cấp đầy đủ thực phẩm đảm bảo cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày, song ngoài giờ học tập, công tác, cán bộ chiến sĩ nhà giàn đã tranh thủ thời gian để trồng rau xanh, giá đỗ, câu cá… cải thiện bữa ăn. Xem thời sự để nắm bắt tin tức, nghe các chương trình của Đài TNVN, hát cho nhau nghe, động viên, gắn kết như anh em một nhà.
Đại úy Trần Duy Thân - Chính trị viên Nhà giàn DK1/20 Ba Kè chia sẻ: "Anh em trên nhà giàn hàng tuần vẫn có thời gian hát những bài hát quy định của quân đội, của Vùng và của Quân chủng. Và ngoài ra thì những giờ giải lao, ngày nghỉ, buổi tối thì anh em có hay tập trung lại để hát cho nhau nghe và hoạt động văn hóa văn nghệ nhằm để vơi đi nỗi nhớ nhà của anh em trên nhà giàn.."
Chàng lính trẻ vừa tròn 22 tuổi - Trung sĩ Lương Thế Kỷ tạm gác công việc đang làm tại một doanh nghiệp trong Khu công nghiệp ở Đồng Nai để thực hiện nghĩa vụ công dân của mình chia sẻ: "Con rất vinh dự khi được đi lính ngoài đây, được mang trọng trách làm nhiệm vụ bảo vệ biển đảo Tổ quốc Việt Nam. Con lúc nào cũng sẵn sàng chủ động mọi tình huống xảy ra cũng như không để bị động trong mọi tình huống, và đây cũng là một trải nghiệm đáng nhớ. Nếu không đi lính ngoài đây thì chắc con cũng không biết được biển đảo nhiều, cho nên con rất vinh dự…"
Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nghĩa vụ thiêng liêng, cao cả, trách nhiệm và đầy tự hào đối với cán bộ chiến sĩ làm nhiệm vụ trực tiếp trên biển đảo. Không chỉ tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, điều lệnh, điều lệ của Quân đội, các cán bộ chiến sĩ Nhà giàn DK1/20 Ba Kè còn phối hợp với các lực lượng trong khu vực giữ vững cột mốc chủ quyền của đất nước, đồng thời, tạo điều kiện, hỗ trợ ngư dân khai thác đánh bắt hải sản tại khu vực và phối hợp cùng ngư dân xây dựng thế trận quốc phòng trên biển. Các anh cùng chung một lời nhắn gửi rất đỗi giản dị: “đất liền hãy vững tin, khi chúng tôi còn trên những Nhà giàn, nghĩa là vùng biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc vẫn luôn được bình yên”.