Nhận diện khó khăn, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết 02 ở Sơn La

VOV.VN - Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn”, Sơn La đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để khắc phục trong thực hiện Nghị quyết này.

 

Nhận diện những khó khăn, tháo gỡ những vướng mắc là điều hết sức quan trọng để Sơn La có thể hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra trong giai đoạn tới.

Kinh nghiệm xuyên suốt của tỉnh Sơn La trong quá trình triển khai đó là có sự lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị trong triển khai thực hiện Nghị quyết; có tư duy đổi mới, sáng tạo; mạnh dạn tổ chức thực hiện với bước đi chắc chắn, không chủ quan, nóng vội.

 

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở đảng bộ xã, phường, thị trấn gắn với củng cố hệ thống chính trị cơ sở, Sơn La đã đạt được nhiều kết quả quan trọng:

- 119/204 xã, phường, thị trấn đã thực hiện Bí thư không là người địa phương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã không là người địa phương tại 67/204 xã, phường, thị trấn. Tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã đạt chuẩn là 98,47%; 2047/2.303 chi bộ bản, tiểu khu, tổ dân phố có chi ủy.

-Năm 2022 Đảng bộ  cấp xã “ Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên chiếm 91,66%; “ Hoàn thành nhiệm vụ” chiếm 7,35%; “ Không hoàn thành nhiệm vụ” chiếm 0,98%. Đảng viên “ Hoàn thành tốt nhiệm vụ” trở lên đạt 88,07%. Thành lập mới 22 chi bộ trong doanh nghiệp, hợp tác xã.

Ông Lò Minh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La cho biết: Chúng tôi thấy là việc tổ chức triển khai thực hiện phải được triển khai đồng bộ, như là tỉnh phải thành lập ra một ban chỉ đạo để thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương này. Thứ hai là trực tiếp các Ban thường vụ các Huyện ủy, thành ủy phải là người phải lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc đảng ủy các xã, phường, thị trấn trong việc triển khai thực hiện.

“Phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vì nếu không có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì chúng ta sẽ khó mà tổ chức triển khai thực hiện được một chủ trương rộng và mang tính quyết định trong lãnh đạo, chỉ đạo trong nhiệm kỳ này.”- ông Hùng nhấn mạnh.

Việc củng cố, nâng cao chất lượng, sức mạnh, tính chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, chất lượng đội ngũ đảng viên là nhiệm vụ thường xuyên của Đảng. Theo đó cấp ủy, tổ chức đảng cơ sở ở Sơn La đã tập trung đánh giá những hạn chế, yếu kém, nhận rõ yêu cầu mà Nghị quyết số 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đề ra.

Trong số 5.700 quần chúng, đoàn viên, thanh niên của huyện Quỳnh Nhai đi làm ăn xa thì có tới gần 500 lao động là đảng viên. Điều này khiến Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện Nghị quyết 02 của Tỉnh ủy Sơn La về nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng ở Đảng bộ xã gắn với củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, đặc biệt là trong công tác quản lý đảng viên và tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng.

Bà Lâm Thị Hồng Diệp, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Quỳnh Nhai cho biết: Nhiều đảng viên thường xuyên vắng mặt, đi làm ăn xa làm nảy sinh những vấn đề về công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện đảng viên, đặc biệt trong việc triển khai quán triệt, học tập chỉ thị, Nghị quyết, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Trước thực trạng này, nhiều giải pháp đã và đang được Đảng bộ huyện Quỳnh Nhai tập trung chỉ đạo để đảm bảo thực hiện nghiêm hướng dẫn của Ban Bí thư về quản lý sinh hoạt đảng viên đi làm lưu động xa nơi cư trú. Các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban chấp hành Đảng bộ huyện thực hiện nghiêm việc phụ trách, sinh hoạt Đảng với cơ sở, nắm bắt và kịp thời đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn phát sinh.

Có 10 đảng viên trong tổng số 47 đảng viên của chi bộ đi làm ăn xa, việc liên lạc qua điện thoại và chuyển các nội dung sinh hoạt chi bộ, các chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên qua nhóm zalo là hình thức mà cấp ủy chi bộ bản Giôn, thuộc Đảng bộ xã Mường Giôn, huyện Quỳnh Nhai áp dụng thường xuyên.

Ông Tòng Văn Hoa, Bí thư chi bộ bản Giôn chia sẻ: Trong chi bộ có nhiều đảng viên đi làm ăn xa rất khó trong việc triệu tập các đồng chí về họp chi bộ, không đảm bảo về số lượng.

“Khó khăn cả trong triển khai chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên, công tác phát triển đảng không đạt theo chỉ tiêu đã đề ra. Nội dung nào quan trọng thì chúng tôi chụp, chuyển lên nhóm zalo, sau đó hỏi ý kiến của các đồng chí đi làm ăn xa, lấy biểu quyết qua zalo. Chúng tôi cũng thường xuyên gọi điện, trao đổi trực tiếp với các đồng chí này. Qua đây cũng kính mong Đảng, Nhà nước quan tâm, có phương án tạo điều kiện cho bà con, các đồng chí đảng viên sớm có công ăn việc làm tại địa phương.” – Ông Hoa cho hay.

Đảng viên Lường Thị Hoản, một trong số các đảng viên đi làm ăn xa của chi bộ bản Giôn cho biết: bản thân đã được quán triệt và nắm vững các nguyên tắc sinh hoạt Đảng. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế gia đình, 2 vợ chồng chị cùng không ít bà con trong bản phải đi làm thuê ở ngoài tỉnh, chủ yếu là làm tại các khu công nghiệp ở các tỉnh miền xuôi. Những thời điểm công việc của các công ty ổn định, lương tháng mỗi người dao động từ 7 đến 9 triệu đồng nên có thêm điều kiện lo cho con cái ăn học.                                               

- Tập trung tháo gỡ khó khăn, với nhiều giải pháp trong thực hiện Nghị quyết 02, đến nay Ban Thường vụ huyện ủy Quỳnh Nhai đã kết nạp vào đảng gần 350 quần chúng ưu tú; thực hiện 7/11 xã bố trí Bí thư đảng ủy, 4/11 xã bố trí Chủ tịch UNBD xã không phải là người địa phương;

-Thực hiện Bí thư chi bộ đồng thời là trưởng bản, tiểu khu trưởng ở 103/103 bản, xóm. Hàng nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ cây giống, đào tạo về kỹ thuật sản xuất, tạo nguồn sinh kế ổn định. Hết năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của Quỳnh Nhai giảm còn 5,82%.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 02 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, bà  Lâm Thị Hồng Diệp, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La cho rằng, cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và quan tâm hơn nữa trong công tác giáo dục, rèn luyện đảng viên, phân công nhiệm vụ gắn với các phong trào ở địa phương, tạo điều kiện để các đảng viên yên tâm làm việc và sinh sống ở quê hương. Tăng cường chỉ đạo, lãnh đạo các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở các khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các kế hoạch, chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo ra nhiều việc làm và thu nhập ổn định ngay tại địa phương, tạo điều kiện để người dân, các đảng viên có việc làm, đời sống ổn định.

Theo bà Lò Lan Phương, Bí thư Đảng ủy xã Nà Nghịu, huyện Sông Mã, ở các chi bộ bản vùng cao, vùng dân tộc Mông có nhiều quần chúng ưu tú, tích cực, mong muốn được vào Đảng. Tuy nhiên, khi thẩm định hồ sơ thì không đảm bảo điều kiện do liên quan đến tảo hôn. Bên cạnh đó, thanh niên trong độ tuổi lao động chủ yếu đi làm ăn xa để phát triển kinh tế, việc tạo nguồn cũng như là quy trình hướng dẫn làm hồ sơ còn vướng.

“Để tháo gỡ khó khăn, với các trường hợp tảo hôn chúng tôi cũng kiến nghị với Ban Tổ chức huyện ủy để kiến nghị lên cấp trên, làm sao xem xét, có thể là đặc thù với các dân tộc miền núi, vùng cao này người ta đã chấp hành tốt và đã đăng ký kết hôn đúng theo quy định rồi, với sự tích cực của họ mà phấn đấu để vào đảng và chấp hành tốt... Tôi cũng mong muốn là có cách nhìn nhận, sự tạo điều kiện đối với đặc thù. Với thanh niên đi làm ăn xa, giao các chi bộ theo dõi, nếu thanh niên đi làm thời vụ, khi trở về nếu đủ điều kiện và mong muốn được vào đảng, thì quan tâm bồi dưỡng và động viên, giới thiệu.” – bà Phương nói.

Sơn La những năm qua được đánh giá có nhiều dấu ấn nổi bật trong phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng - an ninh; đặc biệt, trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã trở thành “ hiện tượng” nông nghiệp, là điểm sáng của cả nước. Đây là kết quả trực tiếp và gián tiếp từ việc đổi mới phương thức lãnh đạo và triển khai công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Đảng bộ tỉnh Sơn La.

Từ những Nghị quyết, đề án được ban hành, công tác tổ chức xây dựng Đảng ở địa phương đã và đang tiếp tục được triển khai một cách đồng bộ, toàn diện trên cả 3 mặt: Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng, đảng viên; xây dựng bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ có đức, có tài. Từ đó góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chống ô nhiễm nhựa không phải là câu chuyện của riêng ai
Chống ô nhiễm nhựa không phải là câu chuyện của riêng ai

VOV.VN - "Rác thải nhựa” là cụm từ không còn xa lạ bởi nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc trong đời sống của chúng ta. Những thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa xuất hiện hầu hết mỗi ngày, ở những mức độ cảnh báo khác nhau. Vậy làm thế nào để chung tay chống ô nhiễm nhựa cũng như giảm tác hại của ô nhiễm nhựa đến môi trường và sức khỏe con người?

Chống ô nhiễm nhựa không phải là câu chuyện của riêng ai

Chống ô nhiễm nhựa không phải là câu chuyện của riêng ai

VOV.VN - "Rác thải nhựa” là cụm từ không còn xa lạ bởi nó xuất hiện ở mọi nơi, mọi lúc trong đời sống của chúng ta. Những thông tin về ô nhiễm rác thải nhựa xuất hiện hầu hết mỗi ngày, ở những mức độ cảnh báo khác nhau. Vậy làm thế nào để chung tay chống ô nhiễm nhựa cũng như giảm tác hại của ô nhiễm nhựa đến môi trường và sức khỏe con người?