Nhanh chóng khắc phục hậu quả cơn bão số 7 và triển khai kế hoạch đối phó với bão số 8

Nhiều địa phương đang phối hợp với đoàn công tác của các Bộ, ban, ngành khẩn trương khắc phục hậu quả của cơn bão số 6, số 7 và triển khai kế hoạch đối phó với bão số 8.

Bộ Ngoại giao đã có công hàm gửi Đại sứ quán Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tại Hà Nội, đề nghị thông báo với các cơ quan hữu quan của nước bạn tạo điều kiện để 16 tàu/190 ngư dân Việt Nam đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa vào khu vực an toàn, và có thể lên bờ khi cần thiết.

Ban Chỉ đạo phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý tàu thuyền ra khơi. Đối với tàu thuyền đã vào bờ hướng dẫn, sắp xếp neo đậu tàu, thuyền an toàn không để xảy ra chìm tàu, thuyền; kiên quyết không để người ở lại tàu, thuyền tại nơi neo đậu khi có bão. Các tỉnh: Nam Định, Thái Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên và thành phố Hồ Chí Minh đã có công điện yêu cầu các Sở, ban, ngành của tỉnh triển khai các biện pháp phòng chống và đối phó với bão số 8 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão có thể gây ra. Bộ Y Tế đã cử đoàn công tác xuống các địa phương chỉ đạo cấp cứu người bị nạn, giúp đỡ hướng dẫn nhân dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh phát sinh và lây lan, đã cấp cho 9 tỉnh: Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang tổng số 595 cơ số thuốc, 450.000 viên và 7.175 kg bột CloraminB, 550 chiếc áo phao, 1.008 chai thuốc Manuge.

Tính đến 6 giờ sáng nay (2/10), bão số 7 đã làm 5 người chết ( Hà Tĩnh: 1 người, Quảng Bình: 3 người, Quảng Trị: 1 người); 10 người mất tích (Quảng Trị: 1 người, Quảng Bình: 3 người, Hà Tĩnh: 2 người, Thanh Hóa: 4 người). Ngoài ra, bão số 7 còn làm gần 6.500 ngôi nhà bị sập, đổ và hư hại, chìm 44 tàu thuyền. Theo báo cáo của Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực I, lúc 20h30' ngày 1/10/2008 báo cáo về tàu cá HP 90148 TS đã được tàu SAR411 kéo về cửa Lạch Tray, toàn bộ thuyền viên an toàn. Bộ Tham mưu Bộ tư lệnh Bộ đội Biên phòng cho biết, tính đến 6 giờ ngày 2/10, các tỉnh từ Đà Nẵng đến Phú Yên hiện còn 16 tàu/185 người, đang hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, giữa và bắc biển Đông, có 3.266 tầu/18.125 người đang hoạt động khu vực ven bờ và các vùng khác. Đối với các tầu đang hoạt động ở khu vực Hoàng Sa, Bộ đội biên phòng đang liên lạc với các tầu kêu gọi vào nơi trú tránh để đảm bảo an toàn.

Trung tâm dự báo khí tượng thuỷ văn Trung ương cho biết: Ngày và đêm qua, lũ trên các sông từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên Huế đã đạt đỉnh và đang xuống. Đỉnh lũ trên sông Gianh tại Mai Hóa: 5,75m (18h/30/IX), dưới báo động III (BĐ) : 0,25m; một số sông khác thuộc Quảng Bình, Hà Tĩnh và Thừa Thiên Huế ở mức BĐI và trên BĐI. Sáng nay, mực nước trên các sông ở Thanh Hóa và Nghệ An đang lên; các sông từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam đang xuống; các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên biến đổi chậm. Mực nước lúc 7h/1/X, sông Cả tại Nam Đàn: 3,15m, sông Gianh tại Mai Hóa: 2,98m, trên sông Sêrêpôk tại Bản Đôn: 170,41m (trên BĐI: 0,41m).

Diễn biến mới nhất của cơn bão số 8

Hồi 7 giờ sáng ngày 2/10, vị trí tâm bão số 8 ở vào khoảng 15,4 độ Vĩ Bắc; 118,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (tức là từ 62 đến 74 km một giờ), giật cấp 10

Dự báo trong 24 giờ tới, bão số 8 di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 20 km và có khả năng mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 3/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 114,4 độ Kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 240 km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (tức là từ 75 đến 88 km một giờ), giật cấp 12. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200 km.

Trong 24 đến 48 giờ tới, bão số 8 di chuyển theo hướng Tây Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km và còn tiếp tục mạnh thêm. Đến 7 giờ ngày 4/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,8 độ Vĩ Bắc; 112,4 độ Kinh Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 140 km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 100 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 250 km.

Trong 48 đến 72 giờ tới, bão số 8 di chuyển chủ yếu theo hướng Bắc Đông Bắc mỗi giờ đi được khoảng 10 km. Đến 7 giờ ngày 5/10 vị trí tâm bão ở vào khoảng 21,6 độ Vĩ Bắc; 113,0 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 (tức là từ 103 đến 117 km/giờ), giật cấp 13, cấp 14. Tính từ tâm bão vùng gió mạnh nguy hiểm từ cấp 10 trở lên có bán kính khoảng 80 km, từ cấp 6 trở lên có bán kính khoảng 200km.

Do ảnh hưởng của bão, khu vực phía Đông Biển Đông có gió mạnh cấp 6, cấp 7, sau tăng lên cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh.

Chủ động phòng chống cơn bão số 8 (Higos), Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các địa phương ven biển thông báo ngay cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển, biết diễn biến và đường đi của bão để chủ động về nơi trú ẩn an toàn.

Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra hệ thống đê điều, có phương án bảo đảm an toàn cho những tuyến đê xung yếu, các tuyến đê đang thi công; tổ chức lực lượng công nhân trên công trường để sẵn sàng hộ đê khi cần thiết; Viễn thông Quảng Ninh kiểm tra ngay hệ thống thông tin có phương án thường trực 24/24 giờ, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống; Ngành Giao thông triển khai phương án đảm bảo giao thông cho các vị trí xung yếu như tuyến đường dẫn cầu Bãi Cháy, cầu Vân Đồn, các tuyến ngầm, phà đò... có phương án đảm bảo giao thông qua cầu Bãi Cháy khi gió bão đạt cấp 6 trở lên. Tại các cảng sông, cảng biển cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, chủ động chằng chống kho tàng, nhà cửa; khi có thời tiết xấu chủ động ngừng hoạt động của các cần cẩu, máy rót than và đưa về chế độ an toàn đề phòng lốc xoáy bất ngờ gây thiệt hại về người và tài sản./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên