Nhiều băn khoăn về Dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam
Nhiều ý kiến cho rằng, cần xem xét tính khả thi và lên phương án cụ thể vì dự án có tổng vốn đầu tư rất lớn (hơn 55,8 tỉ USD), tác động tới nhiều mặt kinh tế - xã hội đất nước.
Tiếp tục phiên họp thứ 30, ngày 17/4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Báo cáo đầu tư Dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh.
Theo Tờ trình của Chính phủ, việc phát triển đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng lớn với chất lượng cao trên trục này.
Dự báo nhu cầu hành khách trên tuyến hành lang vận tải Bắc - Nam lên tới 534.000 hành khách/ngày vào năm 2030, trong khi đó tổng năng lực của các loại phương thức vận tải trên tuyến này chỉ đáp ứng được 378.000 hành khách/ngày. Ngoài ra, đường sắt cao tốc sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn và ùn tắc giao thông ngày càng bộc lộ rõ trên trục giao thông Bắc – Nam.
Theo đó, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 55,853 tỉ USD với chiều dài 1.570 km đi qua 20 tỉnh, thành phố và có vận tốc tàu chạy 300km/h. Tổng diện tích thu hồi đất khoảng 4.170 hecta và gần 9.500 hộ cần tái định cư. Khi tuyến đường sắt cao tốc hoàn tất, thời gian chạy tàu từ Hà Nội vào TPHCM chỉ còn khoảng 5h30’.
Dự án đường sắt cao tốc Bắc- Nam có tổng vốn đầu tư hơn 55,853 tỉ USD với chiều dài 1.570 km (Ảnh minh hoạ) |
Theo Thường trực Ủy ban Khoa học-Công nghệ, đây là một dự án lớn, thuộc công trình quan trọng quốc gia, tác động tới nhiều mặt kinh tế - xã hội đất nước. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần được làm rõ như: cơ sở lựa chọn xây dựng đường sắt cao tốc ở Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, hiệu quả kinh tế tổng hợp do dự án mang lại, tính khả thi của công tác quy hoạch, khả năng bảo đảm tiến độ thực hiện dự án, tính hợp lý trong dự toán vốn và phương thức huy động vốn, biện pháp đảm bảo an toàn cho các đoàn tàu cao tốc…
Ông Hà Văn Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, việc cân đối quy hoạch xây dựng dự án đường sắt cao tốc phải được tính toán cụ thể trên cơ sở xem xét Chiến lược phát triển giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của nước ta.
Ông Hà Văn Hiền cũng phân vân: “Trong giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, giao thông đường bộ được cải thiện rất nhiều, hệ thống đường sắt cũng được nâng cấp, cộng với hệ thống hàng không cũng phát triển. Trong một cung đường ngắn mà có rất nhiều phương tiện vận tải như vậy thì cần phải có phương án tính toán kỹ lưỡng hơn, không thể thuần túy dựa vào số khách hiện nay dôi ra là bao nhiêu, đồng thời cũng cũng phân tích cơ cấu của số khách, sẽ có bao nhiêu % khách sử dụng vận tải đường sắt?”
Thảo luận tại phiên họp, nhiều đại biểu cũng băn khoăn về tổng mức đầu tư của dự án như Tờ trình Chính phủ thì bình quân 1 năm phải huy động 4,368 tỉ USD, trong đó, ngân sách nhà nước chiếm 13%, vốn ODA chiếm gần 56%. Như vậy vốn nhà nước là rất lớn, khó có thể đáp ứng được, trong khi vẫn phải đảm báo nhu cầu vốn cho các công trình, dự án khác.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Văn Thuận nêu ý kiến: “Nếu quyết định đầu tư thì mỗi năm ngân sách nhà nước bỏ ra khoảng 10.000 tỷ đồng. Nếu tính mỗi năm GDP tăng 6% thì khả năng có thể động viên số tiền trên từ ngân sách như thế nào? Trong khi đó, Việt Nam được thế giới xếp vào nước thoát nghèo rồi nên nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi sẽ giảm đi chứ không được như hiện tại”.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt cao tốc Hà Nội – TPHCM sẽ qua 27 ga, trong đó có 25 ga dọc tuyến và 2 ga đầu cuối. Điều này khiến nhiều đại biểu lo ngại về tính khả thi của dự án. Theo tính toán, khoảng cách trung bình giữa các ga là 58km sẽ làm tăng thời gian dừng đỗ, rất khó đảm bảo vận tốc trung bình là 300km/h như dự án đề ra.
Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội K’so Phước cho rằng: “Nếu trung bình trên 50 km/ga thì tàu vừa mới tăng tốc lên 300km/h một chút thì đã phải dừng. Nên tính toán lại số ga vì nếu giảm số ga sẽ giảm được tổng vốn đầu tư”.
Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến vào Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Dự thảo Luật gồm 8 chương, 66 điều, được xây dựng nhằm đảm bảo sự cân bằng trong giao dịch dân sự giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân, kinh doanh; đề xuất cơ chế xã hội hóa công tác bảo vệ người tiêu dùng; nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng nhưng vẫn đảm bảo các quyền lợi ích chính đáng của họ./.