Nhiều chuyển biến tích cực trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài
Quỹ bảo trợ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2008 nhằm giúp đỡ bà con gặp khó khăn, tai nạn, hoặc trong các trường hợp khẩn cấp cần hỗ trợ.
Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 đang diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng”. Bên cạnh những nội dung lớn như: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá thì công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài là một nội dung quan trọng được đề cập tại Hội nghị.
Năm 2008, công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài có bước chuyển rất cơ bản trong hoạt động thực tiễn. Mở đầu các hoạt động về kiều bào năm 2008 là cuộc gặp gỡ Xuân Quê hương giữa các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước Việt Nam với hơn 1.000 kiều bào từ khắp nơi trên thế giới. Tiếp đó là hàng loạt các sự kiện được tổ chức trong năm tạo niềm tin và sự hứng khởi trong cộng đồng bà con người Việt tại nước ngoài. Các đoàn kiều bào được mời về nước tham dự những ngày lễ lớn của dân tộc như Ngày Giỗ tổ Hùng Vương, Quốc khánh 2-9.... Những cuộc đối thoại, tiếp xúc trực tiếp giữa đại diện kiều bào với các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta đã giúp bà con hiểu hơn về chính sách của Đảng, Nhà nước, giúp họ gắn kết hơn với quê hương, từ đó có các hoạt động xây dựng quê hương.
Bên cạnh đó, các hoạt động như Trại hè thanh niên; Cuộc gặp gỡ thanh niên, sinh viên kiều bào châu Âu tại Czech, Nga; Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” tại nước ngoài... đã có tác dụng rất lớn, thu hút, gắn kết đồng bào Việt Nam ở trong và ngoài nước, nuôi dưỡng niềm tự hào dân tộc và tình yêu quê hương đất nước của các thế hệ trẻ kiều bào.
Nhằm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, tháng 7/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về tiếp tục tăng cường triển khai Chương trình hành động của Chính phủ về công tác kiều bào. Theo đó, các Bộ-ngành và địa phương được giao tiếp tục nâng cao nhận thức, xác định công tác đối với kiều bào là trách nhiệm của chính mình; thể hiện rõ truyền thống đại đoàn kết dân tộc; tăng cường bảo vệ các quyền lợi chính đáng, đáp ứng những quyền lợi thiết thân của kiều bào; khen thưởng kịp thời đối với kiều bào có thành tích đóng góp cho đất nước và chế độ đãi ngộ thỏa đáng đối với những cán bộ cốt cán, người có công với nước; phát huy tiềm năng tri thức và kinh tế của kiều bào đóng góp vào sự phát triển đất nước.
Trên tinh thần đó, trong năm 2008, vấn đề quốc tịch của kiều bào cũng đã được các cơ quan chức năng Việt Nam xử lý có tình có lý, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của bà con được giữ quốc tịch Việt Nam dù đã có quốc tịch nước ngoài, tạo thuận lợi cho người Việt Nam ở nước ngoài có quyền mua và sở hữu nhà ở như mọi công dân Việt Nam ở trong nước. Các chính sách về kiều hối, ngân hàng, đầu tư, kinh doanh, giá dịch vụ... thay đổi theo hướng ngày càng tạo thuận lợi, bình đẳng cho bà con như đối với người trong nước. Quỹ bảo trợ công dân và pháp nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2008 với tổng kinh phí hơn 20 tỷ đồng. Theo Cục trưởng Cục lãnh sự Dương Chí Dũng, quỹ bảo trợ công dân sẽ được sử dụng trong trường hợp bà con gặp khó khăn, tai nạn, hoặc trong các trường hợp khẩn cấp cần hỗ trợ.
Năm 2009 đang đến gần với một loạt hoạt động lớn trong công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, mở đầu bằng Cầu truyền hình “Xuân Quê hương” nhân dịp Tết Kỷ Sửu, tiếp đến là sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động của Chính phủ về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới… Những hoạt động này cùng với những nội dung được đề cập cụ thể tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 26 chắc chắn sẽ tạo bước chuyển quan trọng hơn nữa trong công tác về người Việt Nam ở nước ngoài, góp phần thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc./.