Nhiều “kẽ hở” trong đầu tư xây dựng cơ bản

Những về yếu kém trong quy hoạch, xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản đã dẫn đến lãng phí thất thoát và hiệu quả đầu tư thấp, tăng tệ nạn tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu

Ngày 5/11, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, Quốc hội làm việc tại Hội trường, thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương từ năm 2005 đến năm 2007.

Tại buổi thảo luận, đa số đại biểu cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn Nhà nước ở các Bộ, ngành, địa phương. Các đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (đoàn Bạc Liêu), Nguyễn Thị Kim Tiến (đoàn Hà Tĩnh), Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang) và một số đại biểu nhấn mạnh, hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản ngày càng được hoàn thiện, đã và đang trở thành công cụ đắc lực để thực hiện các nhiệm vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Các văn bản luật ngày càng đi vào những vấn đề cụ thể, chi tiết trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, đáp ứng những yêu cầu quản lý trong đời sống xã hội và đã đạt được những kết quả quan trọng trong quản lý hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư từ nguồn vốn Nhà nước.

Tuy nhiên, theo các đại biểu, thực tế hoạt động đầu tư xây dựng trong thời gian qua cho thấy, những vấn đề về phương diện pháp luật chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu về quản lý đầu tư xây dựng hiện nay.

“Ngổn ngang” trong quy hoạch

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là về công tác quy hoạch. Các đại biểu đều cho rằng, công tác quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản là rất quan trọng và phải đi trước một bước. Nhưng căn cứ khoa học của quy hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và quan hệ của quy hoạch này với các quy hoạch khác còn chưa hiệu quả.

Theo đại biểu Đinh Văn Nhã (đoàn Phú Yên), Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên), Lý Kim Khánh  (đoàn Cà Mau), hiện nay, tồn tại phổ biến tình trạng lập quy hoạch chỉ để đủ thủ tục xin đầu tư, quyết định kế hoạch đầu tư chưa chuẩn bị được chu đáo, thiếu căn cứ khoa học, thiếu sự gắn kết giữa quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đô thị. Việc phê duyệt thực hiện quy hoạch, kế hoạch còn nhiều bất cập, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Chất lượng quy hoạch, kế hoạch của nhiều địa phương còn thấp, thiếu dân chủ, thiếu tính khả thi, tình trạng quy hoạch treo, thiếu công khai, thậm chí dấu quy hoạch để vụ lợi còn diễn ra trên diện rộng. “Các ngành, các cấp cần nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của công tác quy hoạch, coi trọng chỉ đạo xây dựng cơ bản và tổ chức thực hiện quy hoạch, coi quy hoạch là cơ sở để xúc tác, để xây dựng các kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản phát triển của Bộ, của ngành và địa phương. Cần đề cao hơn nữa vai trò của Hội đồng nhân dân trong việc xem xét, xác định quy hoạch cụ thể tại địa phương, quy hoạch phải được công khai hóa, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện quy hoạch, chống quy hoạch treo”- đại biểu Lý Kim Khánh  (đoàn Cà Mau) đề nghị.

Thiếu quy định thống nhất về đầu tư xây dựng cơ bản

Một vấn đề cũng được đa số các đại biểu quan tâm là về cơ chế, chính sách, các quy định của pháp luật còn sơ hở, trùng chéo, thậm chí có mâu thuẫn với nhau, về thủ tục còn rườm rà, về hồ sơ, thời gian xem xét hồ sơ để đưa ra các quyết định thì kéo dài.

Theo đại biểu Trần Đình Nhã (đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Đinh Xuân Thảo (đoàn Kiên Giang), chúng ta đang thiếu một quan niệm thống nhất về đầu tư xây dựng cơ bản, không phân định rõ quản lý đầu tư và quản lý xây dựng, không phân định rõ những nội dung và yêu cầu quản lý chung đối với mọi hoạt động đầu tư và hoạt động xây dựng các yêu cầu riêng đối với từng ngành, từng lĩnh vực, từng nguồn vốn. Do đó, đã tạo ra một hệ thống pháp luật phức tạp, rắc rối, không ít nội dung chồng chéo, thậm chí xung đột nhau. Bên cạnh đó, phạm vi điều chỉnh các văn bản qui phạm pháp luật hiện hành về quản lý đầu tư thường không hoàn chỉnh quá trình đầu tư mà được chia cắt thành từng khâu, dẫn đến tình trạng các văn bản qui phạm pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản thiếu tính hệ thống, mang tính chắp vá, manh mún.

Các đại biểu đề nghị, cần xác định rõ phạm vi yêu cầu và nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đầu tư xây dựng cơ bản, nhằm thiết kế một hệ thống pháp luật thống nhất để điều chỉnh trực tiếp những vấn đề liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản; đồng thời thành lập một ban xây dựng pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản với sự tham gia đầy đủ của các cơ quan hữu quan chứ không nên giao cho từng Bộ chủ trì. Có như vậy mới đảm bảo tính toàn diện, đồng bộ, thống nhất của các văn bản trong hệ thống pháp luật về xây dựng cơ bản.

Nhiều kẽ hở làm “hư” cán bộ

Theo các đại biểu, hậu quả của những yếu kém trong quy hoạch, trong xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư xây dựng cơ bản đang hiển hiện trước mắt là việc lãng phí thất thoát và hiệu quả đầu tư thấp, nhiều dự án trong tình trạng nằm “chờ vốn” kéo dài, gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước, làm tăng bộ chi ngân sách, tăng lạm phát, tăng tệ nạn tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, làm méo mó bức tranh phát triển của đất nước, hạn chế tốc độ phát triển kinh tế của đất nước. “Hiện nay diễn ra phổ biến tình trạng các dự án bị ké dài lê thê, quá thời hạn. Điều điều đáng lưu ý là đây là hiện tượng không bình thường, nhưng lại đang trở thành tình trạng bình thường vì rất nhiều dự án đang trong tình trạng như thế. Hậu quả của nó rất tai hại, gây ra những thiệt hại vật chất rất lớn vì sự thất thoát, nhiều công trình chưa xong thì đã xuống cấp; làm hư hỏng một bộ phận cán bộ vì tình trạng kéo dài, dễ tạo thói quen xấu phải chạy chọt thì mới được cấp thêm vốn, thói quen chậm chạp, thói quen nói dối, xào xáo báo không trung thực…” - Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) bức xúc.

Chủ đầu tư  và nhà thầu cùng “cấu véo” dự án

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu đặt ra là trách nhiệm của các chủ thể có liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản sử dụng vốn nhà nước ở các khâu trong quy trình đầu tư và chọn lựa hình thức đầu tư. Theo các đại biểu, nếu trách nhiệm và lương tâm của các chủ thể này không đầy đủ thì dù chỉ định thầu hay đấu thầu cũng rất hạn chế hiệu quả.

Theo đại biểu Lý Kim Khánh  và một số đại biểu, hiện công tác tổ chức, quản lý dự án thì chủ đầu tư quản lý đầu tư xây dựng cơ bản lại tách rời với người vận hành công trình sau khi công trình được đưa vào sử dụng. Cho nên, chủ đầu tư thường buông lỏng trách nhiệm kiểm soát nhà thầu, có trường hợp chủ đầu tư và nhà thầu câu kết với nhau. Do đó tạo điều kiện cho không ít người có cơ hội đục khoét đầu tư xây dựng cơ bản, nhất là những người có chức có quyền, sai sót trong quyết định, trong tổ chức thực hiện và tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản làm thất thoát, lãng phí đó là nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả đầu tư kém.

Đại biểu Nguyễn Văn Hợp (đoàn Hải Dương),  Nguyễn Bá Thanh  (đoàn TP Đà Nẵng) đề nghị hình thành các Ban quản lý chuyên nghiệp. Ở Trung ương cần có các Ban quản lý của các Bộ, ở các địa phương có 2 loại Ban quản lý, một loại là Ban quản lý do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ra quyết định thành lập, một Ban quản lý nữa do các sở thành lập. Những Ban quản lý này càng ngày càng đi vào chuyên nghiệp thì mới giải quyết được vấn đề còn tồn tại trong quản lý hiện nay.

Sáng mai (6/11), Quốc hội thảo luận ở Tổ về Dự án Luật Lý lịch Tư pháp./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên