“Nhiều người vẫn ngại tố cáo tham nhũng, sợ bị “trù úm”
VOV.VN - Theo ông Đỗ Duy Thường, nguyên Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam, hiện nay dân rất ngại tố cáo, vì sợ “trù úm”, sợ ảnh hưởng đến việc học tập, làm ăn…
“Cơ chế để đoàn viên, hội viên phản ánh, tố cáo tham nhũng cũng còn thiếu nhiều. Hiện nay dân rất ngại tố cáo, vì sợ “trù úm”, sợ ảnh hưởng đến việc học tập, làm ăn của gia đình, người thân”- ông Đỗ Duy Thường, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Dân chủ pháp luật của MTTQ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch MBTƯ MTTQ Việt Nam nhấn mạnh tại Hội thảo “MTTQ Việt Nam với công tác phòng, chống tham nhũng” do UBTƯ MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 18/12, tại Hà Nội.
Ông Thường cho rằng, khâu này còn yếu, cần có sự phối hợp giữa MTTQ và các tổ chức thành viên để động viên nhân dân tham gia cung cấp thông tin, tố cáo hành vi tham nhũng.
Ông Đỗ Duy Thường (ảnh: Quang Vinh) |
Ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp nhận định, kết quả của công tác phòng chống tham nhũng chưa tương xứng với tình hình thực tế. Một trong những hạn chế đó là có quá nhiều kẽ hở trong quản lý Nhà nước về PCTN, thiếu thiết chế để phát hiện, điều tra tham nhũng, thiếu thiết chế kiểm soát quyền lực…
“Với cơ chế tuyển dụng một giáo viên mầm non nếu không chặt chẽ thì cũng phát sinh tham nhũng”, ông Quyền ví dụ và cho rằng nếu còn cơ chế xin cho thì còn tham nhũng. Chính vì vậy phải có một cuộc cải cách với những tiêu chí thực sự công khai, minh bạch.
Ông Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ cũng cho rằng, để đẩy mạnh hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng của Mặt trận, cần làm rõ tiếng nói của MTTQ nên thế nào khi có vụ việc tham nhũng mà dư luận, nhân dân quan tâm. Bên cạnh đó làm gì để phát huy sự vào cuộc của người dân tham gia phòng chống tham nhũng, cơ chế tiếp nhận ý kiến phản ánh trực tiếp của người dân, bảo vệ người tố cáo tham nhũng nên như thế nào, cơ chế phối hợp giữa MTTQ với các lực lượng phòng chống tham nhũng ra sao.
“Đặc biệt, cần phát huy cơ chế giám sát xã hội, giám sát của nhân dân thông qua MTTQ, các đoàn thể, nhất là giám sát cán bộ, đảng viên tại khu dân cư về những biểu hiện không lành mạnh về đạo đức, lối sống, dấu hiệu thu nhập, tài sản, nhà đất bất minh…”- ông Ngô Sách Thực nhấn mạnh.
Không cần đi vào việc cao siêu, mà phát hiện nhũng nhiễu ở cơ sở
PGS TS Ngô Huy Cương, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội nhận định, tham nhũng đang diễn ra hết sức nghiêm trọng. Chính vì vậy để phòng chống tham nhũng hiệu quả phải có những giải pháp mạnh, công minh với những chế tài đủ nghiêm. Bên cạnh đó, phải bảo vệ, khen thưởng xứng mới khuyến khích được người dân tố cáo tham nhũng. “Nếu chỉ dồn hết việc phòng chống tham nhũng lên cơ quan có thẩm quyền sẽ gây ùn tắc. Sự vào cuộc hiệu quả nhất trong phòng chống tham nhũng chính là từ nhân dân, báo chí”.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, MTTQ Việt Nam phải giám sát các kết luận thanh tra, kết luận điều tra qua việc yêu cầu các kết luận phải được gửi đến MTTQ Việt Nam để từ đó công khai giám sát. Đối với những vụ việc, những vấn đề bức xúc mà cơ quan thẩm quyền còn né tránh thì Mặt trận phải truy đến cùng và có địa chỉ trách nhiệm cụ thể.
“Bất kỳ vấn đề bức xúc nào mà cơ quan có thẩm quyền không vào cuộc thì Mặt trận phải cùng báo chí tạo ra công luận xã hội, tạo ra sức ép để các cơ quan này phải vào cuộc” - ông Quyền kiến nghị.
Bà Nguyễn Thị Bích Ngà, Ủy viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đề xuất MTTQ Việt Nam cần phát huy vai trò, khơi dậy phong trào đấu tranh chống tiêu cực. Phong trào là thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh.
“Về nội dung đấu tranh phòng chống tham nhũng của MTTQ Việt Nam, không cần phải đi vào những việc cao siêu, cũng không cần đặt ra mục tiêu phát hiện 15-20 dự án thất thoát hàng nghìn tỷ. MTTQ Việt Nam nên tập trung phát hiện những vụ việc nhũng nhiễu ở cơ sở, đơn vị vì đây chính là nguyên nhân gây mất niềm tin của nhân dân”- bà Ngà nhấn mạnh./.