Nhiều việc phải làm để đưa Hiến pháp vào cuộc sống
VOV.VN -PGS.TS Lê Minh Thông: Phải quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về nội dung, tinh thần Hiến pháp.
Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/1/2014. Phóng viên VOV phỏng vấn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông về việc tổ chức hướng dẫn thi hành Hiến pháp sao cho hiệu quả.
PV: Thưa ông, cùng với việc thông qua Hiến pháp, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 64/2013/QH13 quy định một số điểm thi hành Hiến pháp. Để đảm bảo Hiến pháp nhanh chóng phát huy hiệu lực trong đời sống xã hội, cần ưu tiên những nhóm công việc nào trong thời gian tới?
PGS.TS Lê Minh Thông: Có rất nhiều công việc phải làm để đưa Hiến pháp vào cuộc sống. Thứ nhất, phải quán triệt trong toàn bộ hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về nội dung, tinh thần Hiến pháp để mỗi người hiểu được tinh thần, những quy định của Hiến pháp. Trên cơ sở đó nâng cao nhận thức đối với Hiến pháp, nâng cao niềm tin và biết cách sử dụng Hiến pháp để bảo vệ lợi ích của mình, nâng cao đồng thuận xã hội trong thực thi Hiến pháp, làm cho Hiến pháp không chỉ là những quy phạm pháp luật mà biến thành hành động thực tiễn của đời sống.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, PGS.TS Lê Minh Thông |
Thứ hai, tiếp tục triển khai các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về nội dung Hiến pháp để thấy rõ hơn ý nghĩa, vai trò to lớn của Hiến pháp trong đời sống xã hội, những kế thừa của Hiến pháp từ bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 tới bản Hiến pháp 1992, những căn cứ lý luận và thực tiễn của việc sửa đổi bổ sung lần này, những nội dung thực tế mà Hiến pháp thể hiện, thể chế hóa được đường lối phát triển của đất nước ta trong thời kỳ đổi mới; thể hiện mong muốn, nguyện vọng của các tầng lấp nhân dân ta trong việc tạo lập bản Hiến pháp phù hợp với tầm vóc của dân tộc ta trong giai đoạn mới.
Thứ ba, tổ chức triển khai thi hành các quy định cụ thể của Hiến pháp thông qua các hoạt động xem xét chỉnh lý, điều chỉnh lại bộ máy nhà nước từ thẩm quyền, chức năng, cơ cấu tổ chức cho tới phương thức hoạt động để phù hợp với Hiến pháp mới. Rà soát lại hệ thống pháp luật, kịp thời loại bỏ những quy định pháp luật, văn bản pháp luật trái Hiến pháp, xây dựng bổ sung mới những văn bản pháp luật để cụ thể hóa những điểm mới của Hiến pháp. Đây là công việc hết sức hệ trọng, do vậy Quốc hội, Chính phủ phải có chương trình rộng lớn, cụ thể để triển khai các hoạt động này.
PV: Thưa ông, công tác xây dựng pháp luật là một trong những trọng tâm trong việc thực thi Hiến pháp mới, song công việc này đòi hỏi phải có lộ trình, thời gian. Vậy trong thời gian tới, chúng ta sẽ phải khắc phục những bất cập giữa Hiến pháp mới với các luật hiện hành như thế nào?
PGS.TS Lê Minh Thông: Về nguyên tắc, Hiến pháp có hiệu lực thì các văn bản trái với nó là vô hiệu lực. Nhưng muốn biết những văn bản nào vô hiệu lực thì phải rà soát. Trong lúc chúng ta chưa sửa đổi được các luật về tổ chức mà trong Hiến pháp mới có điều chỉnh một số chức năng, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước và theo Nghị quyết 64, thì những thẩm quyền mới phải được thực hiện ngay khi Hiến pháp có hiệu lực 1/1/2014 và những công việc mà lâu nay Hiến pháp 1992 giao cho các cơ quan đã thực hiện mà hiện nay giao cho các cơ quan khác nhưng trình tự, thủ tục chưa có hoặc chưa rõ.
Do vậy, trong lúc chúng ta đang sửa luật tổ chức để phù hợp với Hiến pháp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết hướng dẫn Nghị quyết 64, rằng những thẩm quyền mới được chuyển giao cho cơ quan mới được thực hiện như thế nào. Đây là công việc ưu tiên số một.
Việc nữa là chương trình làm luật 2014, 2015 phải ưu tiên cho các luật về tổ chức bộ máy, vì nếu không làm xong thì sẽ không có cơ sở pháp luật vững chắc cho cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14. Đây cũng là công việc khẩn trương cần đẩy mạnh.
Chúng ta làm theo lộ trình, mỗi năm Quốc hội sẽ phân chia ra những công việc trước mắt, cấp bách. Dự kiến đến năm 2020, chúng ta hoàn tất hệ thống pháp luật mới phù hợp với Hiến pháp, không thể làm ngay được một lúc. Quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật của chúng ta từ luật tổ chức tới kinh tế, xã hội, giáo dục đào tạo theo những lộ trình ưu tiên.
PV: Tuyên truyền Hiến pháp, đặc biệt là những điểm mới của Hiến pháp là công việc được ưu tiên hàng đầu trong tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, vậy để việc tuyên truyền vừa đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm, cần lưu ý những vấn đề gì, thưa ông?
PGS.TS Lê Minh Thông: Thứ nhất, các cơ quan tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật phải là những cơ quan đi đầu trong việc phổ biến chương trình nội dung và tinh thần Hiến pháp.
Phải nói rằng, trong quá trình xây dựng dự thảo sửa đổi Hiến pháp thì các cơ quan thông tin đại chúng đã đóng góp rất quan trọng đối với sự thành công của bản dự thảo này. Hiến pháp được đưa vào thi hành thì vai trò của báo chí càng quan trọng.
Đây là một nhiệm vụ trọng tâm của báo chí, và như vậy báo chí phải góp phần tích cực đưa tinh thần và lời văn của Hiến pháp vào từng lĩnh vực của đời sống xã hội, làm cho các tầng lớp nhân dân hiểu một cách đầy đủ, đúng đắn và dễ dàng nhất nội dung của Hiến pháp.
Bên cạnh đó, báo chí phải bảo vệ Hiến pháp để kịp thời uốn nắn những quan điểm lệch lạc về Hiến pháp, phản ảnh kịp thời những biểu hiện không đúng trong quá trình hiểu và làm theo Hiến pháp, góp phần bảo vệ sự trong sáng của Hiến pháp, đấu tranh với những quan điểm không thiện chí đối với Hiến pháp mới trong mặt trận tư tưởng, làm cho bản Hiến pháp chúng ta thấm đẫm tính thực tiễn.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!/.