Những câu chuyện xúc động thắm đượm tình nghĩa Việt - Lào
VOV.VN - Kế thừa và phát huy tư tưởng được các lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc Việt - Lào đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đang tiếp tục vun đắp để mối quan hệ hai nước ngày càng phát triển, đơm hoa, kết trái.
Từ những chia ngọt sẻ bùi, đồng cam cộng khổ của hai quốc gia cùng tựa lưng vào dãy Trường Sơn hùng vĩ, cùng tắm chung dòng nước Mekong, tình cảm gắn bó Việt - Lào đã thấm đượm theo một cách tự nhiên giữa hai nước. Hơn cả, đó còn là nỗ lực vun đắp mối quan hệ “mãi xanh tươi, đời đời bền vững” của những con người có nhiều trải nghiệm thực tế và am hiểu sâu sắc về mối quan hệ vĩ đại, hiếm có giữa hai dân tộc.
Trong hành trình vượt hơn 2000 km từ Việt Nam sang nhiều tỉnh nước bạn Lào, nhóm phóng viên VOV đã có cơ duyên gặp gỡ với những con người như vậy. Như những người truyền lửa âm thầm và bền bỉ, họ đã và đang góp phần lan tỏa - dù chỉ là những đốm lửa nhỏ, nhưng đã làm sáng bừng lên mối quan hệ sâu sắc, không tách rời giữa nhân dân hai nước.
Nhóm phóng viên VOV đến thăm gia đình Đại tá Phan Dĩnh - người đã giải cứu Hoàng thân Souphanouvong ra khỏi nhà tù Phôn Khênh (ở Vientiane, Lào), ở đây còn có vợ ông, bà Phạm Thị Ngọc Diệp và các con của Đại tá đều có mặt.
Đại tá Phan Dĩnh vừa qua đời vì bạo bệnh đầu năm 2022. Sinh ra trong một gia đình trí thức ở Việt Nam, năm 1943, ông cùng gia đình sang Lào sinh sống từ khi 12 tuổi. Đại tá Phan Dĩnh sớm trở thành chiến sĩ quân tình nguyện, sau đó phụ trách Văn phòng Ban cán sự Đảng bộ tỉnh Vientiane. Đó chính là yếu tố để lãnh đạo Cục Nghiên cứu (nay là Tổng cục 2) tuyển chọn ông vào hàng ngũ cán bộ tình báo quân sự. Do đặc thù của bộ đội tình báo là hoạt động bí mật nên ông có rất nhiều bí danh: Lộc, Trọng, Trường Sơn… Sau này ông cũng đặt tên con trai cả là Phan Trường Sơn, sau một nhiệm vụ quan trọng gắn liền với địa danh này.
Anh Phan Trường Quang, con trai út của Đại tá Phan Dĩnh chia sẻ, những năm 60, khi đi làm tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt sang giải cứu Hoàng thân Souphanouvong, cùng 15 cán bộ cách mạng lão thành Lào bị Phái hữu Vientiane, bắt giam tại nhà tù Phôn Khênh, Đại tá Phan Dĩnh vượt Trường Sơn mất 3 tháng trời, đi hoàn toàn bí mật để sang tới Vientiane cùng với đồng chí Xiêng Xổm, sau này là Thứ trưởng Bộ An ninh Lào.
Một kế hoạch giải cứu hoàn hảo và xuất sắc tới độ phía giam giữ không thể lý giải nổi làm thế nào Đội công tác đặc biệt có thể đưa 16 người ra khỏi nhà tù giữa sào huyệt tầng tầng lính tráng, vũ khí và sáng trưng đèn điện. Tổng Bí thư Kaysone Phomvihane đã đánh giá: “Có cuộc vượt ngục kỳ diệu này mới có đảo chính Coong Le, mới có giải phóng Cánh đồng Chum”. Và cũng từ đấy, tiến tới có Chính phủ Liên hiệp ba phái, ngày toàn thắng 2/12/1975, lập nên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Không chỉ lập chiến công lẫy lừng, sau này Đại tá Phan Dĩnh đã dành gần cả cuộc đời của mình gắn bó với đất nước Lào. Kinh qua nhiều nhiệm vụ từ bộ đội tình báo, tùy viên báo chí, thư ký của Chủ tịch Kaysone Phomvihane…vậy nên, trong thời gian công tác, số lần đoàn tụ của ông với vợ, con và gia đình ở Việt Nam chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bà Phạm Thị Ngọc Diệp, vợ của Đại tá Phan Dĩnh cho biết: “Cả cuộc đời chỉ gặp nhau thoang thoáng thôi, nhà cửa lúc nào cũng vắng người đàn ông". Còn với anh Phan Trường Sơn, ký ức những ngày thơ bé của anh với người cha không nhiều. Trước đó, anh chỉ biết bố đi bộ đội và không biết rõ công việc cụ thể của ông là gì.
Năm 1993, Đại tá Phan Dĩnh nghỉ hưu. Từ đó đến cuối đời, ông ấp ủ những trang sách viết về năm tháng, kỷ niệm với đất nước Lào, mong muốn thế hệ trẻ sẽ thấu hiểu về nghĩa tình bền chặt, thủy chung giữa hai nước mà các thế hệ trước đã gây dựng.
Anh Phan Trường Quang cho biết, những kỷ vật, tài liệu của ông về Việt Nam - Lào nhiều vô kể. Trước khi mất, ông đã gửi tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để đảm bảo mọi thứ được lưu giữ tốt hơn, còn trong nhà chỉ còn lại một phần rất nhỏ. Ông chính là người truyền lửa để con trai út sang Lào học đại học, và các con, các cháu trong gia đình đều dành tình cảm đặc biệt cho đất nước mà cha, ông của mình đã cống hiến cả cuộc đời.
Anh Phan Trường Sơn kể, mỗi lần ông Phan Dĩnh về Việt Nam, ông đi đâu làm gì với bạn Lào ông đều chở con đi. Sau này anh mới hiểu là ông luôn muốn hướng con cháu mình trân trọng Lào, hãy giúp Lào, sang nước bạn Lào. Vì vậy, trong gia đình anh, mọi người xuất ngoại đầu tiên là đi Lào.
Còn theo chia sẻ của bà Phạm Thị Ngọc Diệp, lúc nào khỏe chồng bà đều muốn sang Lào. Trước khi mất, ông nói với vợ muốn sang thăm Lào. Sang đó, ông đi thăm nhiều nơi, đi đến đâu cũng như gặp lại gia đình. "Lúc này, tôi mới thấy một sự hy sinh đối với nước Lào như Việt Nam máu mủ của anh Dĩnh" - bà Diệp kể lại.
Trong cuộc hành trình gặp gỡ những nhân chứng của mối tình Việt - Lào thủy chung, nhóm phóng viên còn có cơ duyên trò chuyện với nhiều người ở đất nước Triệu Voi xinh đẹp. Trong đó, câu chuyện của ông Sỉng Thoong Sỉnh Hả Pằn Nha, nguyên Giám đốc Bảo tàng Kaysone Phomvihane đã để lại nhiều ấn đậm nét về tình cảm của một người dân Lào dành cho Việt Nam.
"Nói đến Việt Nam, tôi sẽ không nói những chuyện về chính trị. Tôi nói về cảm xúc của mình, suy nghĩ của mình về hai từ Việt Nam. Việt Nam luôn ở trong trái tim tôi, Việt Nam là tình yêu của tôi"- ông Sỉng Thoong Sỉnh Hả Pằn Nha chia sẻ.
Đón những vị khách mới gặp lần đầu bằng ấm trà mạn nóng hổi cùng chiếc kẹo lạc ngọt bùi, toàn những đặc sản của Việt Nam, ông Sỉng Thoong chủ động kể chuyện bằng tiếng Việt, về những điều mà ông muốn diễn đạt. Ông Sỉng Thoong sinh năm 1958 ở vùng đất Xiêng Khoảng anh hùng. Những năm 1959 - 1960 là những năm rất ác liệt ở chiến trường này. Chính vì lẽ đó, mấy chị em ông được bố mẹ gửi ở nhờ nhà người quen ở Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội để trở về quê hương tham gia chiến đấu.
Đến năm 1968, ông tiếp tục được gửi vào học tại trường Dân tộc nội trú Trung ương có mật danh là T78 - dành riêng cho học sinh, con em người Lào cho tới khi tốt nghiệp lớp 10 mới trở về nơi chôn nhau, cắt rốn. Ông có trọn một tuổi thơ ở Việt Nam. Dù thiếu thốn tình cảm gia đình, thiếu cơm, thiếu gạo, “2 - 3 hạt gạo cõng một miếng sắn” nhưng ông lại được sống trong tràn đầy tình cảm thương yêu, đùm bọc, săn sóc, che chở, sẻ chia của nhân dân Việt Nam.
“Khi đi sơ tán, chúng tôi sẽ được phân hai - ba đứa trẻ gửi vào một nhà người dân và chúng tôi đã cùng với con của họ vui chơi, đi bắt cá, đi mót thóc, hái mua về ăn đến nỗi quả mua đen hết cả mồm của mình. Những cái đấy không có ranh giới giữa người Lào và người Việt" - ông Sỉng Thoong kể lại.
Những tình cảm gắn bó với đất nước Việt Nam từ tuổi thơ ấu thơ đã vẫy gọi ông Sỉng Thoong quay lại vào tháng 12/1975 để học Đại học và nghiên cứu sinh. Sau đó, ông về công tác tại Bảo tàng Kaysone Phomvihane. Không quên sự giúp đỡ chí tình của đất nước mà ông ví von là “người cha thứ hai”, suốt 30 năm làm việc trong lĩnh vực bảo tàng, ông luôn trăn trở vun đắp mối quan hệ Việt - Lào thêm bền chặt.
“Tình hữu nghị Việt - Lào cao hơn núi, dài hơn sông, rộng lớn hơn biển cả, sáng hơn trăng rằm, và ngát thơm hơn đóa hoa nào thơm nhất. Tôi cũng ý thức được việc này. Trong giai đoạn tôi hợp tác với Việt Nam xây dựng bảo tàng Kaysone Phomvihane và di tích các lãnh tụ của Lào, với sự giúp đỡ của các chuyên gia của Việt Nam. Bảo tàng Kaysone Phomvihane tham gia rất nhiều công việc để bảo tồn các di tích trong quan hệ Lào - Việt, hoặc tham gia viết cuốn sử 70 năm quan hệ Lào - Việt Nam. Tôi cũng trăn trở, muốn cho lớp trẻ thấu hiểu thì phải giáo dục từ khi còn bé" - ông Sỉng Thoong cho biết.
Khi nói về mối quan hệ nghĩa tình giữa hai Đảng, hai nước, hai dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu:
“Việt - Lào hai nước chúng ta/tình sâu hơn nước Hồng Hà, Cửu Long.”
Còn chủ tịch Kaysone Phomvihane căn dặn: “Núi có thể mòn, sông có thể cạn/Tình nghĩa Lào - Việt sẽ mãi vững bền hơn núi hơn sông”.
Kế thừa và phát huy tư tưởng được các lãnh tụ vĩ đại của hai dân tộc đặt nền móng, các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước đang tiếp tục vun đắp để mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào ngày càng phát triển, đơm hoa, kết trái./.