Những chính sách vượt trội vì dân nghèo Đà Nẵng: Cấp nhà cho người nghèo
VOV.VN - Đà Nẵng là một trong số ít địa phương cả nước ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội vượt trội, riêng có, giàu tính nhân văn. Thành phố trợ cấp thường xuyên người mắc bệnh ung thư, suy thận, người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi, miễn học phí học sinh...Đà Nẵng dẫn đầu cả nước về xây dựng chung cư nhà ở xã hội, bố trí và miễn, giảm tiền thuê chung cư cho hộ đặc biệt khó khăn.
Đà Nẵng từng được nhắc đến là “thành phố đáng sống”. Chương trình “Thành phố 5 không, 3 có” đã góp phần tạo nên thương hiệu đó. Và chỉ sau 2 năm triển khai thực hiện chương trình này, Đà Nẵng cơ bản không còn hộ đói, không còn người lang thang ăn xin. Cách đây 10 năm, Đà Nẵng đã cơ bản xóa hộ nghèo theo chuẩn của Trung ương, về đích sớm 2 năm so với kế hoạch.
Đà Nẵng kiên định mục tiêu lấy con người làm trung tâm, ban hành nhiều chính sách an sinh xã hội vượt trội, giàu tính nhân văn. Người dân rất ấm lòng khi thành phố này thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên người mắc bệnh ung thư, suy thận, người cao tuổi từ 75 tuổi đến 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; bố trí nhà chung cư và miễn tiền thuê nhà cho hộ nghèo, đặc biệt khó khăn; miễn tiền học phí cho học sinh các cấp học.v.v…
Bài 1: Mừng rơi nước mắt khi được cấp nhà chung cư
“Nghe tin qua bên UBND thành phố nhận quyết định bố trí căn hộ chung cư mà 2 tay, 2 chân run bần bật. Tay run mà tối về ăn cơm không được luôn, mừng lắm, tối cũng không ngủ được luôn”.
Đó là tâm trạng của anh Dương Chí, ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng khi được thành phố bố trí căn hộ chung cư và được miễn tiền thuê nhà. Căn hộ này rộng 62 m2 có 2 phòng ngủ, 1 phòng khách và bếp cũng là niềm mơ ước bấy lâu nay đối với cả nhà anh Chí.
Gia đình anh Dương Chí thuộc diện hộ đặc biệt nghèo. Lấy vợ, sinh con nhiều năm sau, cả nhà anh vẫn phải sống chung với bố mẹ. Có thời điểm, cả đại gia đình gồm ông, bà, cha mẹ, con, cháu hơn 20 người cùng ở trong một căn hộ vài chục mét vuông. Anh Chí phải dựng nhà tạm trên lô đất trống gần trụ sở UBND phường Nại Hiên Đông để ở qua ngày. Gọi là nhà nhưng chỗ ở này không hơn cái lán trại dành cho công nhân thi công được che bằng vài tấm tôn rách, diện tích chừng vài mét vuông để cả gia đình 5 người ở tạm qua ngày. Nắng dọi nóng bức, mưa dột tứ bề. Mỗi lần mưa bão là cả nhà chạy vào lánh nạn tại trường học hoặc trụ sở UBND phường. Mười mấy năm trời ăn ở tạm bợ mãi đến hôm nay, gia đình anh Dương Chí mới có được một giấc ngủ ngon.
Trước đây, anh Chí chạy xe ôm kiếm tiền nuôi vợ con. Khi xe công nghệ grab phát triển, xe ôm vắng khách, anh đi làm phụ hồ. Anh Chí mắc bệnh thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống lâu năm nên hôm nào không khỏe phải ở nhà. Vợ anh không có việc làm, được chính quyền hỗ trợ máy may làm nghề sửa áo quần cũ. Từ khi vợ bị bệnh ung thư trực trạng, chị phải bỏ việc thời gian dài để điều trị bệnh. Cuộc sống của gia đình anh một phần nhờ vào nguồn trợ cấp và các nhà hảo tâm.
“Tôi sống nhờ UBND phường Nại Hiên Đông nhiều lắm, được hỗ trợ từ miếng ăn cho đến sinh kế và hỗ trợ tiền, 2 chiếc xe đạp và tiền sửa xe máy. Vợ cũng được hỗ trợ 1 máy may áo quần trị giá 10 triệu đồng. Vợ bị bệnh hiểm nghèo còn được hưởng mỗi tháng 600 nghìn đồng. Còn các cháu đi học không mất tiền, tất cả đồ dùng trong nhà đều được cho và tặng”- anh Chí cho hay.
Anh Dương Chí chỉ là một trong số hàng trăm gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thành phố Đà Nẵng bố trí căn hộ chung cư nhà ở xã hội và miễn tiền thuê nhà.
Hơn 10 năm làm đơn và chờ đợi trong vô vọng, trước Tết Giáp Thìn -2024, gia đình chị Lê Thị Diệu Anh ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ mới có được một nơi an cư. Đó là căn hộ chừng 50 m2 với 2 phòng ngủ, 1 phòng khách, bếp được thành phố bố trí cho thuê miễn phí. Ngày có quyết định nhận nhà mới, ngồi trên chiếc xe lăn, chị Lê Thị Diệu Anh nghẹn ngào nói, chị không tin rằng mình được cấp nhà. Chị nói lời cám ơn mà nước mắt cứ tuôn rơi. Diệu Anh bị khuyết tật phải ngồi xe lăn từ nhỏ, hàng ngày chị nhận hàng của công ty về may gia công tại nhà, thu nhập bấp bênh, mỗi tháng kiếm được khoảng 2 đến 3 triệu đồng. Chồng chị là lao động tự do, nhiều năm qua vợ chồng thuê phòng trọ hơn 10m2 ở cùng hai con nhỏ, chật chội, bức bối.
Chị Diệu Anh kể, ngày nhận căn hộ chung cư của thành phố, cả nhà mừng quá ôm nhau khóc:“Tôi rất vui khi được nhận căn hộ chung cư. Đây là niềm mơ ước mà gia đình tôi đã chờ đợi 12 năm nay rồi. Tôi đã từng có đơn xin và cũng không được rồi. Khi UBND quận báo là đã được duyệt bố trí căn hộ chung cư tôi rất mừng, ai cũng mừng hết”.
Ông bà xưa có câu “An cư mới lạc nghiệp”. Từ 20 năm trước, thành phố Đà Nẵng đã triển khai “chương trình 3 có” gồm có nhà ở, có việc làm và có nếp sống văn minh đô thị. Đến nay, thành phố đã đầu tư hoàn thành 16.700 căn hộ, chiếm gần 80% số chung cư của cả nước. Đây cũng là địa phương dẫn đầu cả nước về xây dựng chung cư nhà ở xã hội. Thành phố ưu tiên bố trí căn hộ chung cư đối với người có công cách mạng, hộ dân bị giải tỏa tại các khu chung cư, tập thể xuống cấp thuộc sở hữu Nhà nước.
Các đối tượng còn lại được xem xét, giải quyết thuê, mua nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngoài ngân sách. Những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng ưu tiên bố trí nhà chung cư cho những gia đình có người mắc bệnh hiểm nghèo, bị khuyết tật nặng, hộ đơn thân nuôi con nhỏ, hộ không có nhà ở phải thuê nhà trọ nhiều năm nay. Hộ nghèo thuê nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được giảm 60% tiền thuê nhà, trường hợp hộ gia đình có người khuyết tật được miễn tiền thuê nhà.
Bà Phan Thùy Dung, Phó Chủ tịch UBND phường Nai Hiên Đông, quận Sơn Trà cho biết, tại địa phương này có nhiều gia đình gồm ba thế hệ với hơn 10 người phải ở chung một căn hộ chung cư chỉ vài chục m2, không đảm bảo điều kiện sống. Nhu cầu thuê nhà chung cư rất lớn, thành phố ưu tiên bố trí căn hộ chung cư cho hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn là một chính sách rất nhân văn: “Số lượng hộ nghèo bức xúc về nhà ở rất cao, nhu cầu xin thuê chung cư rất lớn. Thành phố cũng nên kịp thời giải quyết vấn đề an cư cho người dân, nhất là hộ nghèo”.
Mục tiêu của thành phố Đà Nẵng là tập trung giúp đỡ những người hoàn cảnh khó khăn chưa có chỗ ở. Thành phố tiếp tục dành nguồn lực đầu tư xây dựng các dự án chung cư nhà ở xã hội, trong đó xây riêng một khu nhà ở dành cho người có công cách mạng với hơn 200 căn hộ. Hiện nay, thành phố đang hoàn thiện 4 dự án nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách khoảng 2.500 căn hộ.
Theo Nghị quyết của HĐND thành phố Đà Nẵng, trong năm 2024 này, thành phố tiếp tục di dời 14 khu tập thể và 3 khu chung cư xuống cấp, di dời số hộ dân đang ở trong các khu này về các khu chung cư khác trên địa bàn thành phố. Ông Lê Trung Chinh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng khẳng định, việc bố trí chung cư cho hộ nghèo hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thể hiện sự cố gắng của cấp ủy, chính quyền, tạo điều kiện cho các hộ dân an cư, bớt khó khăn trong cuộc sống, góp phần nâng cao đời sống tinh thần của người dân.
Theo ông Lê Trung Chinh, các chương trình an sinh xã hội của thành phố đầu tiên và trước hết là hướng đến mục tiêu xây dựng một thành phố đáng sống, người dân hạnh phúc, thành phố an bình:
“Một trong những mục tiêu mà thành phố Đà Nẵng ưu tiên hướng về là đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không có chỗ ở. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, Hội đồng xét duyệt chung cư, Chủ tịch UBND thành phố tiếp dân cũng đã giải quyết một số trường hợp khó khăn. Thời gian qua, Hội đồng Nhân dân thành phố cũng đã ban hành nhiều Nghị quyết về an sinh xã hội đầy tính nhân văn, tác động rất tích cực và lan tỏa”- Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng cho hay.
Cấp căn hộ chung cư nhà ở xã hội và miễn tiền thuê nhà đối với gia đình hoàn cảnh đặc biệt khó khăn là một trong rất nhiều chính sách an sinh xã hội giàu tính nhân văn và riêng có của thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là địa phương đầu tiên trong cả nước sớm triển khai có hiệu quả chương trình xây dựng nhà ở xã hội bố trí cho hộ nghèo, đặc biệt khó khăn mà đến nay nhiều địa phương chưa thể làm được.
Đâu chỉ có chính sách này, thành phố Đà Nẵng còn nhiều chính sách an sinh xã hội vượt trội, đặc thù vì mục tiêu lấy con người làm trung tâm. VOV.VN tiếp tục trở lại vấn đề này trong phần tiếp theo của Loạt bài “Những chính sách vượt trội vì dân nghèo ở Đà Nẵng”.